Lời tri ân của vị vua gần dân
Nhật hoàng Akihito đứng trên ban công cung điện ở Tokyo cùng với Hoàng hậu, Thái tử và các thành viên hoàng gia khác trong lễ mừng sinh nhật 85 tuổi.
82.500 người đứng ở bên dưới, vẫy những lá cờ Nhật nhỏ và lắng nghe bài phát biểu của Nhật hoàng vào dịp sinh nhật thứ 85 của ông.
Cơ quan Hoàng gia Nhật cho biết đây là đám đông mừng sinh nhật lớn nhất trong triều đại 3 thập niên của ông Akihito, được gọi là Thời kỳ Bình Thành.
Ông Akihito dự kiến sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019 và nhường ngôi cho con trai trưởng - Thái tử Naruhito - ngày 1/5/2019. Lễ kỷ niệm sinh nhật ngày 23/12 là sinh nhật cuối cùng của ông trên cương vị Nhật hoàng.
Thông điệp trong bài phát biểu của Nhật hoàng cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề của Nhật Bản liên quan đến vai trò của ông như một hoàng đế mang tính biểu tượng của xứ sở Hoa Anh Đào như: Cuộc chiến tranh đã qua, sự đồng cảm của ông với các nạn nhân trong thảm họa thiên tai từng xảy ra ở Nhật Bản cũng như tương lai của đất nước sau khi ông thoái vị.
Nhật hoàng Akihito nói: “Giờ cuộc hành trình của tôi với vai trò một hoàng đế đã gần đi đến hồi kết. Tôi vô cùng biết ơn người dân Nhật Bản đã chấp nhận vai trò hoàng đế và ủng hộ tôi. Tôi cũng biết ơn sâu sắc Hoàng hậu Michiko - người đã cùng tôi đi hết cuộc đời và trong 60 năm qua, bà cũng đã cống hiến công sức của mình cho Hoàng gia và người dân Nhật Bản một cách chân thành nhất”.
Mối tình son sắt
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù tuổi đã cao, tóc đã bạc, mắt đã mờ, tình cảm giữa Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu và luôn sống bên nhau vô cùng hạnh phúc.
Bà Michiko không chỉ thực hiện rất tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ, mà còn thể hiện rất xuất sắc trên cương vị của một Hoàng hậu.
Bà hết lòng quan tâm đến đời sống của người dân và luôn là hậu phương vững chắc của Nhật hoàng. Nhà vua Akihito từng chia sẻ, khi băng hà, ông hy vọng sẽ được chôn cất cùng Hoàng hậu.
Hoàng hậu Shoda Michiko sinh ngày 20/10/1934 trong một gia đình trí thức, thừa hưởng nền giáo dục toàn diện, kết hợp truyền thống và phương Tây. Cha bà Michiko là một nhà đại tư bản công nghiệp, ông luôn biết cách dẫn dắt để gia đình lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Michiko còn có một anh trai, em trai và em gái. Từ nhỏ, bà được dạy dỗ để trở thành một phụ nữ có học thức, độc lập và nhân hậu.
Bà được học tiếng Anh, các môn nghệ thuật như hội họa, chơi dương cầm, nấu ăn... Bà tốt nghiệp ngành nghệ thuật văn học Anh tại Đại học Tokyo.
Thời còn đi học, thành tích học tập của bà Michiko luôn đứng đầu, đồng thời bà cũng rất tích cực tham gia các hoạt động trong trường học.
Bà là người lịch sự, có chí tiến thủ, thích chơi quần vợt và cũng chính quần vợt đã trở thành mối nhân duyên tốt đẹp giữa bà và Nhà vua Nhật Bản - người khi đó là Hoàng thái tử Akihito.
Ngày tháng trôi qua, tình cảm lớn dần, sau 2 năm hẹn hò, Thái tử Akihito khiến Hoàng thất và dư luận xôn xao khi tuyên bố muốn kết hôn với Michiko.
Tuy nhiên, với thân phận là người thừa kế của Hoàng gia Nhật, đặc biệt theo lẽ thường, cô dâu của Hoàng gia phải được lựa chọn từ các gia đình có dòng dõi quý tộc hoặc Hoàng tộc, thì việc Thái tử muốn kết hôn với một cô gái thường dân là điều hết sức hoang đường.
Bằng tình yêu chân thành, Thái tử Akihito và Michiko nhanh chóng giành được sự ủng hộ rộng rãi của hoàng gia, tầng lớp chính trị cầm quyền cũng như công chúng. Thái tử Akihito trở thành người đầu tiên trong lịch sử hoàng gia Nhật “xé bỏ” quy tắc hôn nhân khắt khe để tìm đến tình yêu đích thực.
Sự xuất hiện của một nàng dâu thường dân như Michiko trong hoàng tộc đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong xã hội Nhật bấy giờ.
Nhiều người dân Nhật hy vọng với nét trẻ trung, duyên dáng, tao nhã và một tâm hồn đầy nghị lực, Công nương Michiko sẽ có thể phần nào hiện đại hóa cung đình Hoàng gia Nhật Bản.
Bà đã không phụ lòng mong mỏi của nhiều người. Bà đã cố gắng hết sức để thay đổi những truyền thống cứng nhắc ăn sâu vào suy nghĩ của tầng lớp quý tộc.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoàng gia Nhật Bản, người ta được chứng kiến một hoàng hậu tự tay chuẩn bị cơm, dạy học và trò chuyện với 3 người con của mình là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako như những người mẹ bình thường. Cùng với Thái tử Akihito, Công nương Michiko đã tạo ra hình ảnh một cặp vợ chồng bình dị, cùng khiêu vũ, chơi thể thao với nhau, chơi đùa với con cái và ăn mặc hợp thời trang.
Vị ‘Mẫu nghi thiên hạ” được yêu mến nhất
Người dân Nhật Bản được chứng kiến một hoàng hậu giản dị nhưng cực kỳ sang trọng, xinh đẹp nhưng duyên dáng và vô cùng tao nhã. Hoàng hậu Michiko yêu thích những chiếc băng đô giản dị, làm duyên cho mái tóc được bới gọn sau gáy. Bà chinh phục người đối diện bằng khuôn mặt trái xoan, đường nét hài hòa, lông mày lá liễu và chiếc mũi cao. Nụ cười của hoàng hậu được nhiều người yêu mến bởi vẻ trong sáng, hồn hậu.
Sau khi kết hôn vào năm 1959, bà Michiko từng nhiều lần viếng thăm nước ngoài cùng Thiên Hoàng Akihito. Ở mỗi nơi bà đặt chân đến, vẻ ngoài xinh đẹp, cử chỉ dịu dàng và khả năng tiếng Anh lưu loát của bà Michiko đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các nước. Hiện ở tuổi 83, Hoàng hậu Michiko vẫn sở hữu dung nhan phúc hậu, quyền quý và phong cách đoan trang, mẫu mực xứng danh mẫu nghi thiên hạ.
Bên cạnh đó, là thành viên hoàng tộc, thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng, bà Michiko có ý thức rất cao về việc lựa chọn trang phục mỗi khi tham dự các hoạt động chính trị, xã hội. Có thời kỳ, hoàng hậu phải thay áo kimono 3 lần mỗi ngày vì quy tắc hoàng gia. Hoàng hậu Michiko trở thành Hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất và đi thăm viếng trong phạm vi rộng nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Người Nhật luôn ca tụng bà Michiko là người đứng vị trí số 1 trong số những “ngôi sao” của ngoại giao hoàng gia với tầm ảnh hưởng của bà rất lớn. Hình ảnh bà quỳ gối và ôm lấy các nạn nhân trong thảm họa động đất Kobe vào năm 1995 đã khắc sâu vào trí nhớ của bao người dân Nhật.
Bằng tình yêu chân thành, tâm hồn đồng điệu chung niềm đam mê về thơ ca, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, lịch sử, Nhà vua và Hoàng hậu cùng nhau vượt qua khó khăn. Suốt 60 năm qua, mỗi sáng cả hai đều cùng nhau thức dậy, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung. Thi thoảng cả hai tranh tài cao thấp trên sân tennis, ôn lại chuyện năm xưa.