Nhiệt huyết của tuổi trẻ!

Ngô Bá Lục
04/07/2021 - 07:13
Nhiệt huyết của tuổi trẻ!

Ngày 3/7, TPHCM đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sắp tới. Ảnh minh họa: Phạm Thương

Nhìn những hình ảnh này, trong những ngày này, tôi luôn xúc động. Là người Việt Nam, dù ở đâu, nói tiếng dân tộc gì thì vẫn chung một dòng máu con cháu Lạc Hồng. Ở đâu khó khăn, thì nơi khác sẽ chi viện, dù nhiều hay ít, tất cả đều là từ tấm lòng, sự đùm bọc, đoàn kết cùng nắm tay vượt qua đại dịch.

Chiều 3/7, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng làm lễ xuất quân cử cán bộ y tế và sinh viên y khoa của trường lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Lại một đoàn tình nguyện nữa xuôi về phương Nam yêu dấu, để sẻ chia khó khăn bởi sắp tới cực kỳ cần rất nhiều những, y bác sĩ, những người có chuyên môn để xét nghiệm cho tất cả học sinh chuẩn bị thi Tốt nghiệp, rồi bà con nhân dân, rồi tiêm vaccine,.... khối lượng công việc khổng lồ, mà các y, bác sĩ và tình nguyên viên tại chỗ cũng đã dốc hết sức lực suốt 2 tuần qua khi miền Nam có nhiều tỉnh bùng dịch. Sự chi viện ấy là cực kỳ cần thiết, không chỉ là để góp phần nhanh chóng dập dịch mà còn thể hiện tình đoàn kết, sẻ chia của tất cả chúng ta trong một đất nước vốn có truyền thống tương thân tương ái.

Nhiệt huyết của tuổi trẻ! - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng thực hiện 5K trong lễ xuất quân đoàn cán bộ, sinh viên hỗ trợ Phú Yên chống dịch

Cái vốn quý nhất của tuổi trẻ là sự nhiệt huyết. Từ ngàn xưa đến nay, giới trẻ chính là những người xông pha đầu sóng ngọn gió. Họ sẵn sàng hy sinh xương máu để giành lại độc lập trong thời chiến và họ cũng sẵn lòng quên ăn quên ngủ để làm việc giúp xã hội trong thời bình. Tuổi trẻ là thế, nhiệt huyết lúc nào cũng căng tràn, luôn nghĩ về những điều lớn lao mà ít khi nghĩ cho riêng mình. Và tuổi trẻ cũng là thế, có lúc sai, những cái sai của tuổi mới lớn, mới bước đi những bước đầu tiên trên con đường đời với vai trò một công dân trưởng thành, cần phải có sự bao dung, uốn nắn của người lớn để họ lớn khôn.

Ngày xưa, trong chiến tranh khốc liệt, cái sống cái chết cách nhau có khi chỉ một gang tay nhưng những người lính vẫn rất lãng mạn, họ hát, làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hay đơn thuần là chỉnh trang lại mái tóc, cái khăn,... những lúc tạm thời không tiếng súng. Bây giờ, giới trẻ cũng thế. Đến một miền đất mới, ngoài những giờ phút căng thẳng công việc, họ cũng có thể chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm, cũng tranh thủ ngó nghiêng một chút, âu cũng là bản chất của người trẻ thích khám phá, tò mò. Người trẻ có thể làm việc trong nóng bức, ngột ngạt, căng thẳng, khó nhọc, mệt lả nằm cả ra sân, nhưng họ vẫn có thể nhảy vài điệu nhảy đang hot trend, hay hát vài bài bằng cái loa kẹo kéo,... Tuổi trẻ là thế, vô tư, trong sáng và đầy năng lượng.

Khi ngồi nhà điều hoà mát rượi, chỉ đọc báo xem tivi, lướt mạng, chắc chắn không thể nào hiểu được thực sự những người trên tuyến đầu chống dịch họ đã trải qua những phút giây, những tháng ngày vất vả như thế nào. Bởi thế, tôi đã có 5 lần về với tâm dịch Bắc Ninh - Bắc Giang để làm thiện nguyện chỉ trong tháng 6 vừa qua. Mang tặng y, bác sĩ những bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, nước uống,... rồi tặng công nhân gạo, nước mắm, thực phẩm,... do các mạnh thường quân tài trợ. Cá nhân tôi, lúc đầu cũng sợ lắm. Còn nhớ tháng 6 vừa qua, Bắc Giang - Bắc Ninh là tâm dịch lớn nhất nước, nên ban đầu cũng đắn đo, hơi sợ vì rất có thể bị lây nhiễm khi về đấy. Nhưng tôi, ngoài muốn giúp đỡ chút xíu cho quê hương mình trong lúc khốn khó, thì cũng muốn thử thách bản thân và trải nghiệm để hiểu hơn về những người trên tuyến đầu.

Nhiệt huyết của tuổi trẻ! - Ảnh 2.

Lực lượng y tế lấy mẫu cho học sinh tại điểm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM). Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Khi ấy tôi mới bắt đầu tìm hiểu, có bao nhiêu loại đồ bảo hộ y tế, găng tay thế nào, mũ kính chống giọt bắn ra sao, khẩu trang N95 khác khẩu trang y tế thông thường chỗ nào, vân vân và vân vân. Khi vào tâm dịch, tôi mới thực sự được trải nghiệm. Giữa cái nắng nóng kinh khủng của đợt cao điểm, tôi mặc đồ bảo hộ cấp 2, lúc 11h30 trưa, chúng tôi trực tiếp khuân đồ từ xe vào nhà kho, mà thấy người nóng bức, ngột ngạt, mồ hôi chảy thành dòng trong người, ướt đầm đìa quần áo mình mặc bên trong. Đấy còn là bộ chất liệu thoáng, những y, bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với người dân đi xét nghiệm hoặc những F1, F0 thì bộ đồ chất liệu bí như áo mưa, còn nóng và ngột ngạt đến mức nào. Đã có nhiều người ngất xỉu, rám má, hằn đỏ lưng,.. nhưng không ai kêu ca cả. Bởi họ đã xác định lên tuyến đầu là chấp nhận gian khổ, chấp nhận những khó khăn vất vả, kể cả nguy hiểm tính mạng.

Mình chỉ trải nghiệm vài lần và không tiếp xúc với các đối tượng có thể lây nhiễm, mà đã vất vả và lo lắng như thế, còn đây, các y, bác sĩ và tình nguyện viên - họ đêm ngày đối diện với nguy cơ lây nhiễm rất cao, chưa nói tần xuất lao động thì cực kỳ “khủng khiếp”, họ thực sự đáng được trân trọng.

Ai cũng có một thời tuổi trẻ, đời người ai cũng chỉ có một lần thanh xuân, sống tận hiến để thấy mình có ích là điều nhiều người lựa chọn. Những người trẻ hôm nay, họ đã sống và cống hiến thanh xuân tươi đẹp của mình, cho những điều tốt đẹp của cuộc sống. Như những chàng trai cô gái trên tuyến đầu chống dịch trong suốt gần 2 năm qua, họ xứng đáng nhận được lời tri ân và sự tôn trọng của chúng ta trong cuộc chiến chống Covid-19 dai dẳng này!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm