Từ đầu tháng 11/2019, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh tăng mạnh thành nhiều đợt, hiện đang dao động ở mức từ 120.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại; đặc biệt, có những sản phẩm như sườn non, lưỡi lợn, tim giá đã tăng lên mức 180.000-200.000 đồng/kg.
Giá thịt tăng cao, sức mua giảm
Giá cao, nhưng ế ẩm quá trời, chị Quyên, tiểu thương tại một chợ dân sinh nằm trên phố Đội Cấn, Hà Nội than thở. Lượng hàng bán được mỗi ngày của chị Mai đã giảm sút một nửa so với trước đây. Chị cho biết, tại khu chợ cóc nằm trong khu dân cư chị đang bán hàng, bình thường có tới 5 quầy bán thịt, đều là dân ở Hòa Bình, Ba Vì, hàng ngày đi thu gom lợn nuôi của dân khu vực xung quanh đó, tự giết mổ và mang ra Hà Nội bán. Nhưng đến hôm nay, 2 quầy thịt đã phải đóng cửa, phần vì nguồn lợn thu gom đã hết, phần vì lượng thịt bán ra giảm mạnh, không đủ bù các khoản chi phí.
Không chỉ những người bán thịt nhỏ lẻ như chị Quyên, mà tại các khu chợ lớn tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công…, các quầy hàng thịt lợn cũng trong tình trạng vắng khách vì giá lợn quá cao, khiến người tiêu dùng “quay lưng” với thịt lợn, chuyển sang mua và sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế như: Thịt gà, cá, trứng...
Nhiều mặt hàng thực phẩm nhích theo giá thịt lợn
Thịt lợn tăng cao, dẫn đến giá cả nhiều loại thực phẩm đã bắt đầu nhích lên. Dễ nhận thấy nhất là giá bán của các loại thực phẩm được chế biến từ thịt lợn như: Giò, chả, chả quế, ruốc, mắm tép chưng thịt, thịt quay… đều tăng thêm từ 5% đến 20% so với cách đây hai tháng. Ví dụ: Giá thịt quay ở mức 25.000 – 27.000 đồng/kg; giá giò lụa (giò nạc) loại ngon ở mức 210.000 – 250.000 đồng/kg; giá chả các loại dao động từ 210.000 – 230.000 đồng/kg; các loại thức ăn chín như ruốc, mắm tép chưng thịt, nem chua, nem nắm… cũng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại các hàng, quán bán cơm bình dân tại những khu vực tập trung đông sinh viên và người lao động như phố Chùa Láng (Hà Nội), phố Duy Tân, khu Nghĩa Tân, (Q.Cầu Giấy), mức giá chưa tăng, nhưng những món ăn chế biến từ thịt lợn như thịt kho, xào, chiên, quay… không còn đa dạng như trước.
Với những hàng quán sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu chính để chế biến món ăn như bún mọc, bún chả…, dù chưa tăng giá, nhưng lượng khẩu phần thịt trong mỗi suất ăn đã được chủ bán rút bớt để cân bằng chi phí. Chị Minh, chủ quán cơm bình dân trên phố Duy Tân, cho biết, để giữ khách, quán chưa tăng giá, nhưng nếu thịt lợn tiếp tục tăng cao, đẩy giá nhiều loại thực phẩm lên, thì những người bán hàng như chị cũng sẽ phải điều chỉnh suất ăn lên khoảng 5.000 đồng/phần.
Thực tế, nhiều loại thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh như thịt gà, thịt bò, cá, tôm đã nhích giá từ 5-10% do người dân chuyển sang lựa chọn các thực phẩm khác thay thế thịt lợn nên nhu cầu tăng cao. Cụ thể: Giá thịt gà ta đang bán ở mức 120.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp: 90.000 đồng/kg; thịt bò dao động từ 250.000 - 280.000 đồng/kg, cá điêu hồng ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg; cá trắm ở mức: 120.000 - 150.000 đồng/kg; tôm sú loại nhỏ từ 150.000 - 180.000 đồng/kg; tôm loại to: 220.000 - 280.000 đồng/kg…
Tại hội nghị bàn giải pháp đánh giá cung cầu thịt heo với các doanh nghiệp và địa phương tổ chức vào chiều ngày 18/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn dự kiến quý 4/2019, tổng nhu cầu thịt lợn hơi khoảng hơn 600.000 tấn, trong khi tổng cung khoảng hơn 400.000 tấn, tức còn thiếu hơn 200.000 tấn thịt lợn trong dịp cuối năm.
Sức tiêu thụ tăng mạnh vào 2 tháng cận Tết và tháng đầu năm mới khi nguồn cung thịt lợn sụt giảm rất có thể là nguyên nhân gây nên "loạn giá" thị trường thực phẩm dịp cuối năm.