Nhiều mô hình Dự án 8 đi vào cuộc sống tại xã vùng cao tỉnh Hòa Bình

Hoàng Sa
08/04/2024 - 12:10
Nhiều mô hình Dự án 8 đi vào cuộc sống tại xã vùng cao tỉnh Hòa Bình

Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao hơn nhờ những hoạt động Dự án 8 đem lại

Những mô hình với hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em" đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả. Các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cộng đồng, được người dân hưởng ứng tham gia và đánh giá cao.

Xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), vào những ngày cuối tuần, các hoạt động văn hóa trong thôn với các nội dung triển khai thực hiện Dự án 8 diễn ra sôi động. Điều đáng nói, những người tham gia các buổi sinh hoạt này không chỉ có phụ nữ, mà còn có cả nam giới, với nhiều nội dung đan xen, trong đó nổi bật nhất là những tiết mục văn hóa văn nghệ, do người dân tự biên tự diễn, tạo nên không khí sôi động trong làng bản.

Việc sinh hoạt định kỳ như thế này, đã trở nên phổ biến hơn ở xã Quý Hòa, kể từ khi Dự án 8 được triển khai thực hiện ở địa phương này.

Nhiều mô hình Dự án 8 đi vào cuộc sống tại xã vùng cao tỉnh Hòa Bình- Ảnh 1.

Sinh hoạt văn nghệ trong hoạt động Dự án 8 ở xã Quý Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình)

Bà Bùi Thị Nhương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quý Hòa, cho biết: “Việc triển khai thực hiện Dự án 8 ở xã chúng tôi tiến hành từ năm 2022. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn chỉ đạo của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, chúng tôi đã tích cực triển khai tới tất cả các thôn xóm trong diện được thụ hưởng dự án. Ban đầu thì cũng có một số vướng mắc, nhưng sau đó chúng tôi cũng tháo gỡ và xây dựng các mô hình như: “Tổ truyền thông cộng đồng; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; Địa chỉ tin cậy…”. Quá trình thực hiện dự án, người dân rất hăng hái tham gia, đặc biệt là việc lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ, nên càng tạo ra những không khí hào hứng, thu hút mọi người nhiệt tình ủng hộ. Cho đến nay, các hoạt động của dự án 8 đã trở thành một phong trào trong đời sống cộng đồng. Cứ đến lúc sinh hoạt định kỳ là người dân tự giác đến, không phân biệt nam hay nữ, mọi người đều ủng hộ hết mình.

Cũng chính từ những hoạt động sôi nổi, các nội dung của dự án, đều được người dân ủng hộ, cho đến nay đã trở thành những hoạt động định kỳ của cộng đồng. Nhờ đó, mà phong trào văn hóa văn nghệ ở các làng bản cũng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân trong cộng đồng.

Nhiều mô hình Dự án 8 đi vào cuộc sống tại xã vùng cao tỉnh Hòa Bình- Ảnh 2.

Người dân rất đồng tình tham gia các hoạt động của Dự án 8

Chị Quách Thị Ánh, xã Quý Hòa, chia sẻ: “Tham gia các hoạt động dự án 8 khiến cho chị em vui hơn, đoàn kết hơn. Ở đó mọi người còn chia sẻ cho nhau những thông tin, những kinh nghiệm hữu ích về phòng chống bạo lực gia đình; về tảo hôn; về nuôi dạy con cái…. Hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ thì ai cũng hào hứng tham gia. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là nơi chị em được chia sẻ và tiếp nhận thông tin, được thỏa mãn nhu cầu giải trí sau những ngày lao động cực nhọc”.

Những hoạt động dự án 8 ở mỗi thôn bản đều được chị em chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, nhờ đó, lại thu hút được sự quan tâm của mọi người trong cộng đồng, góp phần lan tỏa rộng hơn nữa. Chính điều này đã tạo thêm động lực để thúc đẩy người dân hưởng ứng tham gia, tích cực sáng tạo những nội dung tiết mục trong các hoạt động định kỳ ở địa phương.

Cho đến nay, người dân nhận thức được những hiệu quả, những lợi ích đem lại từ các hoạt động của dự án, khiến họ càng quan tâm, đồng hành và chung tay xây dựng các nội dung hoạt động ngày càng phong phú. Chính những điều này đã tạo ra sự bền vững cho dự án trong đời sống của cộng đồng.

Quý Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình) là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến năm 2023, xã có gần 6.200 nhân khẩu với 1.373 hộ gia đình; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 28,72%, hộ cận nghèo 31,89% (đều giảm so với năm 2022). Việc thực hiện các chương trình, dự án, giải pháp giảm nghèo bền vững đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ vươn lên phát triển kinh tế; cơ sở hạ tầng của địa phương dần cải thiện; người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống... Ước đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm