Nhiều nạn nhân bạo lực chưa biết gõ cửa nơi đâu

07/11/2018 - 08:00
Đó là vấn đề được đặt ra bởi chính những nạn nhân cũng như những chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực về phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay.

 

Một nạn nhân có mã số 539X, mới đây từng có thời gian tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội (dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình) chia sẻ: “Tôi đã giữ im lặng trước bạo lực suốt 22 năm, trong đó có 17 năm trong hôn nhân và 5 năm sau ly hôn. Tôi im lặng vì trước đó thực sự không biết tìm sự trợ giúp từ đâu và cũng bị thiếu niềm tin vào sự giải quyết, can thiệp của công an, chính quyền địa phương. Tôi sợ rằng mình có tố cáo, có lên tiếng cũng không tìm được sự trợ giúp như mình mong muốn, rồi cuộc sống của mình cũng không được  bảo vệ, an toàn”.

Với chị Nguyễn Thị Ng. ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) gần 20 năm lấy chồng cũng là chừng ấy thời gian không có ngày yên ổn. Ngày chị mới sinh con gái đầu lòng được thời gian ngắn, chồng đã bảo phải đẻ ngay để phải có con trai. Khi vợ không đồng ý, ngay lập tức đã bị chồng đánh, úp cả rổ lạc đổ lên đầu. Chồng khó tính, chưa bao giờ cho vợ tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Chồng ra quy định 6-7 giờ tối phải tắt điện, con không được học, vợ không được ra ngoài chơi…; Nếu trái lời là bị đánh, mâm, bát, nồi cơm, nồi cám lợn... đều bị đập phá. Có những lần chồng ngà ngà say, trong tay vớ được gậy gộc, ống điếu, gạch, dao...  đều dùng ném, đuổi đánh vợ. Từ sau năm 2010, trung bình mỗi tháng, mỗi tuần chị Ng. bị chồng đuổi đánh một lần. Nếu may mắn chạy nhanh, chị bị thương tích nhẹ, nặng hơn thì thâm tím mặt mày, còn xui xẻo thì chảy máu, phải đi bệnh viện... Nhiều lúc thấy quá cực, chị Ng. đã uống thuốc ngủ để tự tử nhưng không thành…

picture1-copy.png
Chị Nguyễn Thị Ng. (Bắc Ninh) cho biết mình đã cam chịu lâu như vậy trong bạo lực vì cần sự trợ giúp, tư vấn, cũng không biết gọi điện đến cơ quan, tổ chức nào…

Với chị Phạm Thị Minh Ch. (SN1973) phụ nữ dân tộc Mường, trú tại Khu 2, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình) kết hôn gần 15 năm thì cũng khoảng 2/3 thời gian đó, chị phải sống trong bạo lực. Trận đánh đầu tiên của chồng là khi chị sinh con đầu lòng mới được 6 tháng tuổi. Sau đó, mỗi lần mâu thuẫn, người chồng lại đuổi mẹ con chị ra ngoài đường, bất kể là 22 giờ đêm. Khi ấy, chị cũng không biết tá túc ở đâu, chỉ biết chân đất, đầu trần ôm con đi bộ hơn 5 cây số về tá túc nhà ngoại…

1a.jpg
Nạn nhân bị bạo lực gia đình đến từ Hòa Bình cho biết khi bị chồng đánh, ngoài việc tìm nơi tạm lánh là nhà ngoại, còn lại chị không biết đi đâu về đâu.

Các dịch vụ còn thiếu và yếu

Theo bà Hoàng Tú Anh (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số) – là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề BLGĐ cũng thừa nhận: “Con số thực tế cho thấy có tới gần 60% phụ nữ Việt Nam kết hôn đã bị ít nhất một lần bị bạo lực trong đời và chúng ta vẫn luôn quan tâm đến vấn đề làm thế nào để phát hiện được các trường hợp bạo lực. Nhưng phát hiện ra rồi, chúng ta can thiệp như thế nào? Hiện những dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, kể cả dịch vụ công ở nước ta trong lĩnh vực này đều rất thiếu và yếu, đặc biệt là sự thiếu hụt về dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, sự kết nối giữa dịch vụ công với các cơ quan, sự hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế; Khi xảy ra sự việc nạn nhân vẫn chưa biết đi đâu về đâu…”.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia của Tổng cục thống kê và Liên hợp quốc có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Hơn 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất cứ ai và 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công...


Nếu nạn nhân tìm đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng thì nhiều nơi vẫn chưa mang lại cho họ cảm giác an toàn. Cả nước hiện có khoảng 35 ngàn địa chỉ tin cậy nhưng hoạt động trong tình trạng thiếu nguồn lực (kinh phí, đào tạo). Địa chỉ tin cậy đặt tại trụ sở cơ quan, chính quyền, nửa đêm nạn nhân chạy đến thường bị khóa cửa. Địa chỉ tại nhà dân thì gặp nhiều phiền toái. Có thủ phạm tìm đến hành hung chủ nhà, chính quyền không bảo vệ kịp thời được. Có người nhiệt tình trong phòng, chống BLGĐ, nhận đặt địa chỉ tin cậy tại nhà nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng, không biết cách tham vấn và bỏ quên sự an toàn của nạn nhân…

Trong thực tế, khi BLGĐ đã xảy ra, khi cần tới trợ giúp thì nạn nhân vẫn đang phải đối mặt với hầu hết các dịch vụ hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và không sẵn sàng. Ví dụ, khi họ cần chia sẻ với gia đình, bạn bè, tìm đến tổ hòa giải, đến hàng xóm, chính quyền địa phương, nạn nhân đã phải đối mặt với những lối suy nghĩ theo truyền thống về vai trò giới trong gia đình và ngoài xã hội; Khi một người đàn ông vi phạm luật phòng chống BLGĐ thường ít bị lên án mạnh mẽ. Khi có bạo lực xảy ra, mọi người quen với suy nghĩ là phụ nữ thì phải này phải kia. Khi bị đổ lỗi, phụ nữ cũng dễ thấy mình có lỗi thì tất nhiên chị ấy không dám lên tiếng. Chưa kể kẻ gây bạo lực có thủ đoạn để người phụ nữ sợ hãi, tin vào quyền năng của chồng, tin rằng việc nói ra thì cũng không có ích, chẳng có ai tin, ai giúp…

Với dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp hơn tuy có thể giúp thoát được lối suy nghĩ truyền thống là dịch vụ tham vấn tâm lý, tư vấn pháp lý thì lại ít có nạn nhân tìm đến bởi, không chỉ các dịch vụ này hiện có rất ít, chất lượng không đồng đều, trả phí cao… Sau cùng, khi nạn nhân buộc phải ra khỏi nhà, biết thông tin để tìm đến 1 dịch vụ hỗ trợ toàn diện, có thời gian đủ dài để đáp ứng được nhu cầu thực sự của các nạn nhân là Nhà tạm lánh thì hiện nó đang là tối thiểu. Quốc tế, ước tính khoảng 10 ngàn dân có 1 nhà tạm lánh, còn Việt Nam, với hơn 90 triệu dân hiện mới chỉ có duy nhất một Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPNVN) tại Thụy Khuê, Hà Nội.

1b.jpg
Nhà tạm trú dành cho phụ nữ bị bạo lực với những gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện (tham vấn, tư vấn tâm lý hỗ trợ pháp lý, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề - giới thiệu việc làm, phối hợp chuyển tuyến...) đang còn quá thiếu ở Việt Nam.

Mới đây, 9/2018, trong lễ khởi động dự án "Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội” (2018-2021), bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm bởi thực trạng ngày càng có nhiều nạn nhân của bạo lực giới mong muốn được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ; Và chúng ta cần phải đảm bảo rằng những nhu cầu này của họ sẽ được đáp ứng với sự tham gia Nhà nước cùng các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương trong việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong việc hợp tác với hệ thống dịch vụ công trong quá trình phát triển và cải thiện chất lượng các dịch vụ đa ngành để ứng phó với bạo lực giới và các hành vi có hại…”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm