pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi lo của những cư dân khu tập thể có người cách ly diện F1
Không ít gia đình trong khu tập thể đeo khẩu trang cả khi ngồi nhà xem tivi
Khu nhà tôi thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ngày đầu tiên khi trên địa bàn quận có ca nhiễm Covid-19 (bệnh nhân thứ 17), các cửa hàng, siêu thị quanh khu đều trong cảnh người dân chen chúc thu gom, tích luỹ thực phẩm.
Trong "tâm dịch" nên quán trà đá rất đông khách mọi ngày ở cổng khu tập thể cũng lập tức đóng cửa. Hễ ai ra khỏi nhà, xuống cầu thang đi làm, đi công chuyện đều được bác đại diện Tổ dân phố nhắc nhở "đeo khẩu trang vào".
"Cô ơi, cho tôi xin về quê thôi, tôi sợ lắm. Nhỡ Hà Nội lại giống Vũ Hán (Trung Quốc) hay các nước Châu Âu chết cả loạt thì chết. Tôi xin cô cho tôi về quê, bao giờ hết dịch tôi lại lên" – bà giúp việc căn hộ tầng 3 năn nỉ vợ chồng chủ nhà cho nghỉ việc không lương để sơ tán về Ninh Bình.
Sau khi động viên, giải thích một hồi về việc sẽ không an toàn nếu bà về quê, đi tàu xe đông người, bến xe cũng chỗ đông người sẽ nguy cơ lây nhiễm... bà giúp việc mới đồng ý ở lại trông bọn trẻ dù tâm trạng chưa hết bất an.
Mọi ngày, sân chơi chung ở khu tập thể chiều nào cũng đông bọn trẻ nô đùa, đạp xe, chơi cầu lông, nhất là trong kỳ nghỉ học dài tránh Covid-19, nhưng mấy hôm nay sân tập thể ảm đạm, yên ắng. Trẻ em không được ra ngoài chơi đùa nữa.
Có nhà chị cùng khu tập thể tên Phương còn sợ đến mức thái quá. Chị Phương làm giáo viên, trường được nghỉ nên chị cũng nghỉ làm ở nhà trông con. Mấy ngày nay, do khu tập thể có ca F1, F2 thuộc diện cần theo dõi của y tế, vợ chồng chị "nhốt" chặt con trong nhà, cửa kính cũng luôn đóng kín. Bọn trẻ nhà chị Phương vốn quen được ra sân chơi đạp xe, chơi bóng, mấy ngày không được ra khỏi nhà càng khó chịu. Hễ thấy bố hay mẹ dắt xe đi làm, đi công việc là chạy theo ra cửa, để được "thoát ra sân" một vài phút. Ngay lập tức chị Phương lao theo con quát tháo, bắt con vào nhà ngay. 2 đứa con chị còn chần chừ là bị phát đen đét vào mông khiến bọn trẻ khóc váng lên vì ấm ức.
Còn nhà chị Hiền, ở tầng trên, 3 đứa con đã học cấp 2, cấp 3 được bố mẹ dặn dò luôn ở trong nhà. Mọi ngày chúng còn ra sân chơi cầu lông, bóng đá ầm ĩ. Nhưng 3 ngày nay, bọn trẻ ở trong nhà, chỉ có việc chơi điện tử, rồi hò hét, tranh nhau. Trong không gian nhỏ của căn nhà 30m2, do không nhường nhịn nhau được, chuyện anh em tranh giành, đánh nhau cũng ầm ĩ. Có lúc bác Tổ trưởng dân phố phải lên tận cửa nhắc nhở bọn trẻ, để đỡ "loạn" khu tập thể.
"Nhà tôi ở có 4 người, gồm 2 vợ chồng, 1 giúp việc, 1 đứa trẻ ở trong căn hộ 22m2, không được ra khỏi nhà, nếu kéo dài cả tháng, có khi chúng tôi không chết vì dịch, mà chết vì ngạt thiếu không khí mất thôi" – chị giúp việc một căn hộ trong khu tập thể than thở. rồi chị này cho biết thêm: "Vợ chồng chủ nhà không cho tôi bế thằng bé ra sân nhưng 2 bác cháu chỉ chơi mấy ngày trong vài mét vuông, nó cứ khóc, tôi cũng chăm không nổi. Tôi bế cháu ra ngoài một chút cho đỡ ngột ngạt thì lại bị chủ nhà mắng. Tôi chán lắm rồi".
Không ít nhà vội vã khăn gói đưa nhau về quê "lánh nạn". Các hộ còn lại liên tục được quê nhà, họ hàng các tỉnh xa giục về quê, tránh xa "tâm dịch". Nhà ông Hướng thì được họ hàng ở quê chở gạo, rau, thịt lợn, gà lên "tiếp tế" phòng dịch, khi ông không đồng ý "sơ tán".
"Trước đây, tôi cứ nghĩ dịch bệnh này còn ở tận Trung Quốc, giờ không thể ngờ có người mắc bệnh ngay ở cạnh nhà, nên tôi cũng sợ bị lây nhiễm lắm. Nhưng biết đi đâu tránh dịch bây giờ?"
Bác Thuyết, 76 tuổi, cùng khu tập thể
Các gia đình ít ra ngoài. Nhiều nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày và chỉ mở cửa khi có shipper đến giao hàng đặt mua online. Đó là thực phẩm, đồ tiêu dùng cho các hộ dân tại khu này.
Hàng ngày, tin nhắn của Bộ Y tế, tin tức phát trên các kênh truyền hình, đài tiếng nói và nhiều trang báo điện tử đều đặn thông tin về cách phòng tránh dịch bệnh, khuyến cáo người dân yên tâm tin tưởng, không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng thái quá. Thế nhưng nhiều hộ dân nơi này vẫn chưa thấy yên tâm.