Nhiều phụ nữ Ba Lan không muốn sinh con vì lệnh cấm phá thai hà khắc

Nhu Thụy
21/06/2022 - 16:00
Nhiều phụ nữ Ba Lan không muốn sinh con vì lệnh cấm phá thai hà khắc

Người biểu tình phản đối luật chống phá thai hà khắc của Ba Lan

Giữa tháng 6/2022, sắc lệnh khai báo việc mang thai có hiệu lực tại Ba Lan và việc truyền dữ liệu về thông tin này sẽ trở thành bắt buộc từ ngày 1/10/2022. Luật phá thai của Ba Lan được xem là nghiêm ngặt nhất tại châu Âu. Những người phản đối cho rằng, sắc lệnh mới sẽ làm tình hình thêm khó khăn cho phụ nữ ở nước này.

Một "công cụ đe doạ" đối với phụ nữ

Theo quy định ở Ba Lan, việc phá thai chỉ được phép áp dụng trong các trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc khi tính mạng của người phụ nữ bị đe dọa nghiêm trọng. Phán quyết này được công bố từ tháng 10/2020 và đã gây ra nhiều tranh cãi vì luật này đã gây ra cái chết cho nhiều phụ nữ. 

Tại Ba Lan, hầu hết các ca phá thai hợp pháp diễn ra ở nước này là các trường hợp dị tật thai nhi. Từ năm 2010 đến 2020, mỗi năm, Ba Lan có chưa tới 5 vụ phá thai hợp pháp với lý do bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Những trường hợp này phải được tòa án cho phép. Theo tổ chức giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ phá thai an toàn Abortion Without Borders (AWB), mỗi năm, có từ 80.000 đến 200.000 phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài kết thúc thai kỳ.

Đầu tháng 6/2022, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski đã ký sắc lệnh yêu cầu các bác sĩ khai báo bổ sung dữ liệu vào Hệ thống thông tin y tế của nước này, trong đó có thông tin về việc một phụ nữ đang có thai hay không. Sắc lệnh khai báo việc mang thai có hiệu lực vào giữa tháng 6 nhưng việc truyền dữ liệu về thông tin này sẽ chỉ trở thành bắt buộc từ ngày 1/10/2022.

Bà Barbara Nowacka thuộc đảng Nền tảng công dân đã chỉ ra rằng, phụ nữ trẻ Ba Lan hiện không muốn có con nữa vì họ quan ngại về những quy định như vậy. Bà cho rằng, việc khai báo tình trạng mang thai chẳng khác nào "một công cụ đe dọa" đối với phụ nữ. Do đó, tỷ lệ sinh ở Ba Lan đang trên đà suy giảm trong những năm gần đây. Trong tháng 2/2022, chỉ có 23.000 trẻ em được sinh ra, con số thấp nhất trong một tháng kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cuộc chiến không sợ hãi

Trong một khu phố ở thủ đô Warsaw, chị em nhà Ryz đứng trên vỉa hè của một con phố đông đúc. "Chúng ta sẽ đến nhà thờ chứ?", Olympia (24 tuổi) hỏi chị gái Melania Ryz và giơ lên một tá nhãn dán màu hồng, vàng và xám có dòng chữ "Có thể phá thai" cùng số điện thoại đường dây nóng và hồ sơ trên mạng xã hội của các tổ chức ủng hộ quyền phá thai ở Ba Lan. Tại nhà thờ, họ bóc miếng dán phía sau và dán lên cổng. Họ còn đi dạo xung quanh, dán nhãn lên trạm xe buýt, tường, đèn đường và máy bán thuốc lá… 

Hai chị em này là tình nguyện viên của Nhóm Ước mơ phá thai (ADT), một mạng lưới đoàn kết hỗ trợ phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai. Họ đều là sinh viên y khoa, dành nhiều thời gian rảnh rỗi để trả lời các câu hỏi liên quan đến ADT và chia sẻ thông tin về các tổ chức liên quan trên khắp thủ đô của Ba Lan để phụ nữ biết phải liên hệ với ai nếu họ có thai ngoài ý muốn. Các tình nguyện viên của ADT, gồm 13 phụ nữ và nam giới từ 23 đến 35 tuổi, đã trả lời các câu hỏi về cách phá thai và cách sử dụng thuốc tại nhà, luôn tham khảo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Những phụ nữ tiếp xúc với ADT đến từ các hoàn cảnh xã hội khác nhau và ở mọi lứa tuổi, từ thanh thiếu niên mới có lần quan hệ tình dục đầu tiên đến những phụ nữ đã có nhiều con. Trong những tháng gần đây, khoảng 300 người tị nạn Ukraine đã tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Kinga Jelinska là Giám đốc điều hành của Tổ chức Phụ nữ Giúp đỡ Phụ nữ (WHW), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cung cấp khả năng tiếp cận thuốc phá thai, dùng để chấm dứt thai kỳ sớm. Bà cho biết: "Ngày nay, nhiều người biết cách phá thai an toàn hơn. Mặc dù các nhóm như WHW biết rằng họ không thể thay thế một hệ thống y tế hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự đã lấp đầy khoảng trống mà cả nhà nước và các tổ chức y tế Ba Lan để lại".

Ngay sau phán quyết năm 2020, phong trào ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ Ba Lan đã được huy động. Phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ, cuộc đình công của phụ nữ toàn Ba Lan (OSK) đã bắt đầu nhiều tuần biểu tình. Sáng kiến Liên châu Âu phá thai không biên giới (AWB) được gần 33.000 phụ nữ Ba Lan liên hệ tìm cách phá thai, tăng gấp 5 lần so với năm trước. AWB đã giúp ít nhất 1.500 phụ nữ tiếp cận dịch vụ phá thai ở nước ngoài. Năm 2021, WHW đã giúp hơn 18.000 phụ nữ sử dụng thuốc từ nước ngoài vì kể từ năm 1997, việc bán thuốc phá thai đã là một hành vi vi phạm bị trừng phạt ở Ba Lan.

Cô Olympia, người làm việc trong một bệnh viện và sẽ trở thành bác sĩ vào cuối năm nay, giống như chị mình, muốn chuyên về sản phụ khoa. Theo cô Melania, tại các bệnh viện Ba Lan, nhiều bác sĩ, y tá lo sợ việc phá thai. Bất kỳ ai bị kết tội hỗ trợ phá thai bất hợp pháp sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm và theo luật năm 1993, những người hành nghề có thể bị mất giấy phép hành nghề đến 10 năm. Nhà hoạt động và đồng sáng lập ADT Justyna Wydrzyńska (47 tuổi) hiện phải đối mặt với án tù 3 năm vì trực tiếp cung cấp thuốc phá thai cho một phụ nữ mang thai đang phải đối mặt với bạo lực gia đình.

Tiến sĩ, bác sĩ phụ khoa Anna Parzińska tin rằng phụ nữ nên có quyền phá thai. Bà làm việc tại Bệnh viện Bielański của Warsaw, nơi đã bị các chính trị gia và phong trào chống phá thai chỉ trích và phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ vì nó thực hiện nhiều ca phá thai hơn cơ sở bình thường, trung bình khoảng 150 đến 200 ca mỗi năm.

Nguồn: DW, The Nation
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm