Không biết chữ nên không thể thi bằng lái xe máy, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đành "cuốc bộ”

Trường Sa
23/11/2023 - 09:18
Không biết chữ nên không thể thi bằng lái xe máy, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đành "cuốc bộ”

Ảnh minh họa

Trên các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đi bộ vì họ không biết đi xe máy, hoặc không có giấy phép lái xe, vì lý do không biết chữ nên không đi thi lấy giấy phép lái xe.

Trên quãng đường từ xã Pa Vệ Sủ ra trung tâm huyện Mường Tè (Lai Châu) mất hơn 20 km, vẫn có một số chị em ở độ tuổi trung niên phải cuốc bộ ra chợ huyện. Để đi từ nhà ra đến chợ huyện, họ phải đi từ sáng sớm, khi đến nơi, thì cũng là lúc mặt trời đã lên cao. Việc đi bộ ra chợ huyện mỗi khi cần, là hành trình quen thuộc của các chị em từ nhiều năm nay. Bởi lý do được cho là chị em không biết đi xe máy, hoặc một số người không có giấy phép lái xe.

Chị Vàng Gió Nhàn, ở xã Pa Vệ Sủ, cho biết: "Nhà mình có xe máy, nhưng mình không tự đi bao giờ, khi nào chồng hoặc con chở đi, thì mới đi, vì mình không biết chữ nên ngại không đi học lái xe máy. Hôm nào không có chồng hoặc con chở đi thì mình đi bộ, ở đây cũng có nhiều chị em không biết đi xe máy thì vẫn đi bộ thôi”.

Chị Vàng Khừ Luy, ở thôn Thò Me, xã Pa Vệ Sủ, cho biết: "Ở xã Pa Vệ Sủ này còn nhiều chị em đi bộ lắm, đi làm, đi chơi và cả đi chợ nữa, không biết đi xe máy mà cũng không có người chở đi thì phải đi bộ thôi. Có người biết đi xe nhưng không có bằng lái xe thì họ cũng không dám đi xe máy ra ngoài, vì sợ bị phạt”.

Việc đi bộ thì mất nhiều thời gian hơn, ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất rất lớn, nhưng không biết đi xe máy hoặc không có bằng lái xe thì phải chịu thôi, chị Luy cho biết thêm.

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số "cuốc bộ” vì không biết chữ
- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Câu chuyện không biết chữ nên không đi thi giấy phép lái xe từng là vấn đề nổi, sau đó đã được giải quyết, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực từ 15/3/2021 đã bổ sung khoản 3 vào Điều 9 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định cấp, sử dụng giấy phép lái xe cho người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe môtô hạng A1, hạng A4.

Kể từ khi Thông tư này ban hành đã tháo gỡ rất lớn cho những người dân tộc thiểu số không biết chữ đã thi được giấy phép lái xe.

Thế nhưng, đối với một bộ phận chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở các làng bản vùng sâu, vùng xa có thể còn tâm lý e ngại, hoặc chưa hiểu rõ nên vẫn không đăng ký đi thi lấy giấy phép lái xe.

Anh Chu Chử Xá, Phó trưởng thôn Thò Me, xã Pa Vệ Sủ, cho biết: "Từ năm 2021, thực hiện hướng dẫn của xã về việc tuyên truyền cho người dân không biết chữ vẫn có thể đi thi bằng lái xe máy, chỉ cần cùng người thân biết chữ đi lên UBND xã đăng ký làm thủ tục, sau đó sẽ đi học và thi ở nơi đào tạo. Có một số anh em thì đi làm rồi, còn một số phụ nữ lớn tuổi thì không đi. Họ bảo ngại lắm, đi không biết chữ thì sợ hỏng thi, xấu hổ nên họ không đi”.

Ngày nay, xe gắn máy là phương tiện phổ thông, nó tạo ra nhiều lợi ích phục vụ nhu cầu cuộc sống như đi lại và cả vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ lao động sản xuất rất hữu ích. Do vậy, việc một số chị em không biết hoặc không dám sử dụng phương tiện này, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và cả trong lao động sản xuất.

Thông tư 01/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ 15.3.2021 đã bổ sung khoản 3 vào Điều 9 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định cấp, sử dụng giấy phép lái xe như sau:

Người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe môtô hạng A1, hạng A4 lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy tờ quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều này;

b) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này; giấy xác nhận có giá trị 01 năm kể từ ngày ký xác nhận; cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận”.

Về hạng lái xe được quy định tại Theo thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao Thông Vận Tải như sau:

Bằng lái xe hạng A1:

- Người lái xe môtô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3

- Người khuyết tật lái xe môtô ba bánh dành cho người khuyết tật.

Bằng lái xe hạng A2:

- Người lái xe để điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Bằng lái xe hạng A3:

- Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe môtô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

Bằng lái xe hạng A4:

- Người lái xe các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000 kg

Người dân tộc thiểu số không biết chữ vẫn có thể thi bằng lái xe trong một số trường hợp. Tóm lại, người dân tộc thiểu số trong trường hợp không biết chữ chỉ có thể thi để cấp bằng lái xe 2 loại là xe máy có dung tích xy lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3 và các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000 kg.

Để có thể thi bằng lái xe, ngoài các giấy tờ như bình thường người dân tộc thiểu số không biết chữ có thể nhờ người thân cùng lên UBND cấp xã xin giấy xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm