Nhiều phụ nữ Venezuela trở thành "nô lệ" của mạng lưới buôn người sang Peru

Nhu Thụy
18/02/2025 - 16:03
Nhiều phụ nữ Venezuela trở thành "nô lệ" của mạng lưới buôn người sang Peru

Ảnh minh họa

Khi Isabel (tên nhân vật đã được thay đổi) mới 22 tuổi, cô được người anh họ Catalina hứa hẹn giới thiệu cho cô làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng ở Mollendo (thành phố thuộc tỉnh Arequipa, phía Tây Nam Peru). Lời đề nghị này được kỳ vọng là “tấm vé” giúp Isabel thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở quê nhà Venezuela. Nhưng sau khi đến Peru, cô phát hiện ra rằng đó chỉ là một cú lừa và cô đã trở thành nạn nhân của một đường dây buôn người.
Cú lừa sau lời hứa việc làm

Isabel là một trong số hàng trăm phụ nữ Venezuela bị các mạng lưới buôn người bắt giữ mỗi năm. Câu chuyện của cô được đưa vào một vụ án chống lại ít nhất 43 người bị cáo buộc là thành viên của "Tren de Aragua", một băng đảng bắt đầu ở Venezuela và đã mở rộng khắp Nam Mỹ. 

Tại một số thành phố ở Peru, nhóm này đã triển khai một hệ thống tuyển dụng, vận chuyển và bóc lột tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái và thanh thiếu niên. Nạn nhân của âm mưu tội phạm này được những người hành nghề mại dâm gọi là "las multadas" (tạm dịch: những phụ nữ bị phạt), ám chỉ khoản nợ mà nạn nhân mắc nợ những kẻ tội phạm về chi phí đi lại từ Venezuela và chi phí sinh hoạt ở Peru.

Con đường dẫn đến loại tội phạm này hầu hết là hình thức trực tuyến. Đối với Isabel, mọi chuyện bắt đầu từ những tin nhắn của người anh họ, người đóng vai trò là người tuyển dụng. Những kẻ tuyển dụng là "mắt xích" đầu tiên trong chuỗi buôn người, chịu trách nhiệm xác định và lừa nạn nhân đồng ý ra nước ngoài. 

Các mạng lưới buôn người ngày càng sử dụng nhiều phụ nữ khác cho quá trình này vì nạn nhân có xu hướng tin tưởng người cùng giới tính với mình hơn. Chính quyền Peru đã gọi những kẻ tuyển dụng này là "cánh tay hồng". 

Joel Jabiles Eskenazi, điều phối viên của Đơn vị Bảo vệ thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế tại Peru, cho biết: "Chúng dùng nạn nhân này để tuyển dụng những nạn nhân khác".

Theo lời khai của Isabel và thông tin mà các công tố viên thu thập được, sau khi Catalina thuyết phục Isabel đi Peru, cô đã gửi yêu cầu di dời đến một thủ lĩnh được cho là của nhóm Gallegos ở Peru. 

Gallegos là một kẻ trong băng nhóm "Tren de Aragua" đã đến nước này vào năm 2019, lợi dụng "làn sóng" người di cư rời khỏi Venezuela để mở rộng sang Peru. Nhưng khi Isabel đến Mollendo, cô không tìm thấy anh họ của mình.

Thay vào đó, cô đã được đưa đến một ngôi nhà, nơi có 9 người phụ nữ khác đang sống, được canh gác để không cho họ trốn thoát. Tại đó, Isabel được cho biết rằng, cô mắc nợ Gallegos về chi phí chuyến đi của mình, tiền nhà và thức ăn ở Peru. 

Các khoản phí hay "tiền phạt" mà Gallegos tính ở mức khác nhau tùy theo quốc tịch của nạn nhân. Đối với một người đến từ Colombia, khoản tiền phạt là 3.200 USD, nhưng đối với những phụ nữ đến từ Venezuela, số tiền lên tới gần 4.000 USD, theo các tài liệu của tòa án. Đối với Isabel, việc trả số tiền đó thực tế là không thể.

Các nhóm như Gallegos sử dụng những khoản "tiền phạt" này để kiểm soát nạn nhân, trừng phạt những hành vi không tuân thủ bằng các khoản tiền phạt bổ sung từ 250 đến 500 USD. Để trả tiền phạt, Isabel buộc phải làm việc trong một hộp đêm. 

Nhưng Isabel và những người phụ nữ khác không được giữ lại bất kỳ khoản tiền nào. Mọi thứ họ kiếm được đều được giao cho người đàn ông canh chừng họ ở cả chongo và ngôi nhà nơi họ ngủ. 

Gallego có nhiều phương pháp để kiểm soát nạn nhân, bao gồm cưỡng hiếp, đe dọa và thao túng tâm lý, như đe dọa làm hại người thân của họ, ngay cả ở quê nhà. Cấu trúc phi tập trung của "Tren de Aragua" và sự hiện diện của băng nhóm này ở một số quốc gia cho phép chúng tìm và đe dọa gia đình nạn nhân. 

Nhiều phụ nữ Venezuela trở thành "nô lệ" của mạng lưới buôn người sang Peru- Ảnh 1.

Các quan chức Peru đi thuyền đến xác định các trường hợp bị buôn người

"Họ không dám chạy trốn nữa vì họ biết chuyện gì có thể xảy ra với con cái và gia đình họ ở Venezuela", Ángela Villón, lãnh đạo của Miluska Vida y Dignidad, một hiệp hội của những người hành nghề mại dâm ở Lima đã tận mắt chứng kiến các vụ buôn người, cho biết.

Những người phụ nữ "bị phạt" cũng liên tục bị theo dõi và thường xuyên bị chuyển từ phố này sang phố khác, từ thành phố này sang thành phố khác, để ngăn họ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc hình thành mối quan hệ.

Mê cung không lối thoát

Isabel đã cố gắng trốn thoát 2 lần. Lần đầu tiên bị bắt, cô bị nhốt trong một căn phòng. Lần thứ hai, cô đã đến được bến xe buýt nhưng bị chúng bắt lại. Những tên tội phạm đánh Isabel, lấy điện thoại di động của cô để đọc các cuộc trò chuyện với gia đình, thậm chí còn nói với cô rằng, chúng đã cử người đến Venezuela để tìm người thân của cô. 

Isabel đã trốn thoát khỏi mạng lưới buôn người đã giam cầm cô sau một lần giả chết khi bị bắn vào cổ. Cô đã tham gia vụ kiện chống lại những kẻ buôn người đang được tiến hành tại tòa án Arequipa (Peru).

Trong khi đó, "Tren de Aragua" và các phe phái tiếp tục kiếm được số tiền lớn bằng cách bóc lột những người phụ nữ bị mắc kẹt trong vòng vây của chúng. Một số phụ nữ trả hết nợ bằng cách lừa tuyển dụng người khác với hy vọng thay thế mình nhưng thực tế, họ không bao giờ trốn thoát được. 

Ngay cả khi Isabel đã trả hết tiền phạt thì khả năng cô được thả tự do là rất thấp. Không có mạng lưới hỗ trợ nào giúp họ thoát khỏi vòng vây của tội phạm. Nhiều phụ nữ đã trả hết nợ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc và trả 40 USD/ngày để ở lại lãnh thổ của Gallegos.

Các thành viên của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Cục Phòng, chống buôn người của Cảnh sát quốc gia Peru (PNP) nhận xét rằng, phần lớn phụ nữ được giải cứu trong các hoạt động chống buôn người cuối cùng đều quay trở lại các mạng lưới đã bóc lột họ. 

Trong số 2.500 người được giải cứu, chỉ có 5% được điều tra mở, theo dữ liệu của PNP. Hệ thống tư pháp Peru chỉ bắt đầu điều tra khi một người nộp đơn khiếu nại. 

uy nhiên, điều này là không khả thi khi nạn nhân không dám tìm kiếm sự giúp đỡ vì lo sợ lời đe dọa của những kẻ tội phạm nhằm vào bản thân họ hoặc người thân sẽ thành hiện thực.

Theo Viện Thống kê Quốc gia Peru (PNP), năm 2020, cơ quan này đã ghi nhận 372 báo cáo về nạn buôn người. Đến năm 2022, con số này là 631, trong đó 85,3% trường hợp là phụ nữ và 153 là người Venezuela. Trong 6 tháng đầu năm 2024, PNP đã ghi nhận 458 khiếu nại, trong đó 78,7% nạn nhân là nữ.

Nguồn: insightcrime.org
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm