Nhiều sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội "kêu cứu" vì quá khó khăn

Thu Hà
15/08/2021 - 07:11
Nhiều sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội "kêu cứu" vì quá khó khăn

Ảnh minh họa

Cuộc sống khó khăn trong những ngày mắc kẹt tại Thủ đô đã khiến nhiều sinh viên phải lên mạng... xin lương thực sống qua ngày.

Trải nghiệm mới trong những ngày bị mắc kẹt

Từ 24/7/2021, Hà Nội bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Điều này đã khiến không ít sinh viên, người lao động bị mắc kẹt lại Thủ đô, nhiều trong số đó đã gặp không ít khó khăn. 

Chia sẻ về lý do quyết định ở lại thủ đô, bạn Quốc Bảo (TP Đà Nẵng, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Lịch học của trường bắt đầu từ tháng 8 nhưng mình ra sớm để đi làm thêm. Công việc của mình khá bận nhưng chưa được một tuần thì Hà Nội thông báo giãn cách, mình đã xem vé để bay về Đà Nẵng nhưng không kịp. Thế là mình "mất việc" tạm thời và cũng mắc kẹt lại ở Hà Nội. Mình chỉ thương mẹ ngày nào cũng gọi vì sợ mình đói, không có gì ăn".

Quãng thời gian giãn cách kéo dài nên đồng nghĩa với việc học tập và làm việc cũng trở nên khó khăn hơn. Quốc Bảo chia sẻ thêm: "Mình là sinh viên năm tư nên việc trải qua giãn cách và học online không còn xa lạ. Mình khá buồn vì năm tư có rất nhiều môn chuyên ngành cần thực hành, học online hơi khó hình dung và tiếp thu. Đôi lúc quỹ thời gian và sinh hoạt bị đảo lộn nhưng hãy cứ nhìn vào điều tích cực, suy nghĩ lạc quan, mọi chuyện rồi sẽ ổn".

Bạn Thùy Nhung (quê Ninh Bình) giành thời gian trong những ngày giãn cách để tập vẽ.

Thùy Nhung (quê Ninh Bình) dành thời gian trong những ngày giãn cách để tập vẽ.

Dịch bệnh Covid-19 là một thách thức, buộc sinh viên phải thích nghi kịp thời với những biến cố không ngừng của cuộc sống. Song, đó cũng là cơ hội để sinh viên học hỏi, trải nghiệm và khám phá bản thân.

"Trong những ngày giãn cách ở nhà, ngoài thời gian học mình còn nghe nhạc thiền, đọc thêm sách mà trước đây mình rất lười đọc. Không chỉ vậy, mình còn trở thành một đầu bếp và bartender (người pha chế) tại nhà. Đặc biệt, mình đã biến phòng ngủ thành một studio và tạo ra mấy bộ ảnh đẹp. Thật ra, giãn cách không được gặp bạn bè và ra đường chơi cũng rất buồn, nhưng nếu không chịu học cách thích nghi thì sẽ phải đối mặt với sự chán chường. Vì vậy, mình chọn cách làm cuộc sống của mình vui lên, tận hưởng và trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ" - Quốc Bảo tâm sự.

Thùy Nhung (quê Ninh Bình, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển) chia sẻ: "Cuộc sống những ngày đầu đợt giãn cách có chút khó khăn. Mình chưa quen được cảm giác phải ở nhà cả ngày. Nhưng mình đã sớm thích nghi và cảm thấy việc tiếp tục giãn cách là hoàn toàn bình thường. Khoảng thời gian này mình mới thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Thay vì quá lo lắng, mình tìm cho mình những niềm vui mới bằng việc tự học thêm tiếng Anh, tập vẽ tranh. Mình rất mong mỗi người nên ý thức, hành động vì cộng đồng để dịch bệnh sớm qua đi".

Sự hỗ trợ tích cực từ những người xung quanh

Những ngày qua, thành phố Hà Nội đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cuộc sống của nhiều sinh viên vì thế cũng khó khăn hơn trước khi nhiều chợ bị phong tỏa, hoạt động giao đồ ăn cũng bị hạn chế.

Tuy nhiên, các em cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô và những người xung quanh. Nhiều chủ nhà trọ đã hỗ trợ việc đi chợ, mua sắm thực phẩm và giảm giá nhà cho sinh viên bị mắc kẹt lại Hà Nội.

Cô Hương Nhàn (48 tuổi, phường Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có hơn 20 phòng cho sinh viên thuê. Đợt dịch này, hơn một nửa số đó mắc kẹt tại Hà Nội. Từ khi thành phố giãn cách, cô đến gõ cửa từng phòng, ai cần gì cô sẽ đi chợ mua hộ. Chia sẻ với phóng viên, cô nói: "Mọi năm thời điểm này chuẩn bị năm học mới, rất đông sinh viên ở đây. Dịch đến bất ngờ, thương các cháu bị kẹt lại nên hỗ trợ được gì tôi đều cố gắng giúp. Dịch ai cũng khổ, thôi đành cố gắng cùng nhau vượt qua".

Nhiều sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội "kêu cứu" vì quá khó khăn  - Ảnh 2.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền có những phần quà là lương thực để hỗ trợ sinh viên bị mắc kẹt (Nguồn: Đoàn TNCS Học viện)

Các trường đại học cũng đã bắt đầu cho sinh viên học trực tuyến, đảm bảo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Cô Nguyễn Thu, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: "Nhà trường quyết định bắt đầu năm học mới với việc học online. Cô trò chúng tôi tuy có buồn, có nhớ trường, nhớ lớp nhưng tất cả đều hiểu đây là phương án tốt nhất trong hoàn cảnh này. Với kinh nghiệm từ các đợt dạy và học online trước đó, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian làm quen, mọi thứ vận hành nhịp nhàng và đúng tiến độ".

Cô Thu chia sẻ thêm: "Học Online kéo dài chắc chắn tinh thần của người học có chút chán nản. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra nhiều cuộc thảo luận nhỏ về các vấn đề nóng hổi, thu hút sự tham gia và chú ý của các bạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi cho sinh viên các tài liệu và hướng dẫn kỹ năng tự nghiên cứu. Trong giờ học, chúng tôi cũng dành chút thời gian hỏi thăm tình hình xem có sinh viên nào khó khăn không. Thương nhất là khi tôi nghe đồng nghiệp kể lớp dạy online có người đang học ở khu cách ly tập trung, hết giờ dạy cũng là lúc có còi quân đội. Có lẽ đây sẽ là khoảng thời gian không thể quên của cả cô và trò".

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sinh viên trong học tập, nhiều trường đại học đã thực hiện hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho sinh viên đang mắc kẹt giữa Thủ đô. Các thầy, cô tận tình quan tâm, trao gửi đồ ăn tới địa chỉ nhà của từng sinh viên.

"Em cần lương thực ạ"

Không được may mắn như các bạn nói trên, nhiều sinh viên bị mắc kẹt lại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua ứng dụng Zalo, nhiều sinh viên, người lao động bị mắc kẹt lại Hà Nội đã phát tín hiệu kêu cứu.

Chị Đinh Giang (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, ngày cuối tuần chị cùng các đồng nghiệp vào Zalo thì thấy có thêm chức năng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp. Khi chị vào tìm kiếm thì gặp rất nhiều trường hợp khó khăn, thiếu đói phát tín hiệu kêu cứu từ ứng dụng này.

Một tín hiệu cầu cứu hỗ trợ của bạn sinh viên đăng tải trên Zalo

Một tín hiệu cầu cứu hỗ trợ của bạn sinh viên đăng tải trên Zalo

"Em là sinh viên bị kẹt trên Hà Nội. Do không đi làm được nên sinh hoạt phí bị thiếu. Đến ngày hôm nay  thì em không trụ nổi được nữa rồi ạ. Bố mẹ ở quê cũng đang không có việc làm. Mong anh chị hảo tâm giúp đỡ em ạ. Em cần hỗ trợ lương thực", một tài khoản Zalo có tên là Thanh Thủy kêu cứu.

Có trường hợp thì ghi: "Dạ em/cháu hiện đang là sinh viên bị kẹt ở Hà Nội không thể về quê. Em/cháu rất khó khăn mong mọi người có thể trợ giúp về lương thực và nhu yếu phẩm để sinh hoạt hàng ngày ạ. Rất rất cảm ơn và biết ơn ạ!", tài khoản tên L.T.H phát tín hiệu.

Một trường hợp sinh viên phát tín hiệu cầu cứu lương thực, nhu yếu phẩm khác

Một trường hợp sinh viên phát tín hiệu cầu cứu lương thực, nhu yếu phẩm khác

Ngoài ra, có rất nhiều thông tin kêu cứu khác mà chị Giang và bạn không thể cập nhật hết được. Chị Giang cùng bạn đành chọn ra một số trường hợp để hỗ trợ trước mắt như lương thực và một ít tiền mặt. 

Cũng có trường hợp khi chị Giang nhắn tin, bạn sinh viên cho biết đã có một số anh chị đọc được đến hỗ trợ gạo và thức ăn. Vậy nên xin phép dành phần quà cho những trường hợp khó khăn khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm