Nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa thể làm trực tuyến hoàn toàn

Tin, ảnh: Cao Như Quỳnh
04/10/2023 - 18:28
Nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa thể làm trực tuyến hoàn toàn

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý nhà và Giám định xây dựng ((đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, hiện Sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính.

"Việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính không phải là một thủ tục trực tuyến hoàn toàn. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải đem bản chính đến cơ quan chứng thực để kiểm tra, đối chứng và nhận bản sao qua cổng thông tin dịch vụ hoặc hộp thư điện tử", ông Nguyễn Thành Băng - đại diện Sở Tư pháp TPHCM phát biểu tại buổi họp báo chiều 4/10.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được thông tin trong buổi Họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng TPHCM diễn ra chiều 4/10 tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM chủ trì cuộc họp.

Nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa được làm hoàn toàn qua trực tuyến - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Băng - đại diện Sở Tư pháp TPHCM trong buổi họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng TPHCM chiều 4/10

Tuyên truyền người dân đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tại buổi họp báo, đại diện Sở Xây dựng TPHCM, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, Sở Tư pháp TPHCM cùng đại diện các ban ngành liên quan đã chia sẻ về lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và những vấn đề xoay quanh tính pháp lý của chữ ký số, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, hiện nay, Sở Xây dựng đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Trong đó có 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần.

Cụ thể, 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng, lĩnh vực hoạt động xây dựng, lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Riêng 5 thủ tục hành chính một phần được thực hiện trong các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, nhà ở và công sở.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ trực tuyến và Sở đã giải quyết 12.467 hồ sơ. Đa số hồ sơ đều thuộc dịch vụ công trực tuyến một phần (chưa toàn trình) do cá nhân, doanh nghiệp chưa có chữ ký số, một số thủ tục phải đến cơ quan thẩm quyền nộp lệ phí,…

Mục tiêu của buổi họp báo là tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích công dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký chữ ký số nhằm giải quyết các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử Quốc gia. Điều này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, họ có thể thực hiện các thủ tục cần thiết, giao dịch 24/24 tại bất cứ đâu.

Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến từng bước góp phần giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của TPHCM.

Đại diện Trung tâm Quản lý Nhà và Giám định xây dựng (đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng TPHCM) cho hay, trong trường hợp chưa có chữ ký số, chứng thực điện tử từ bản chính, cá nhân và tổ chức có thể nộp hồ sơ theo hình thức Tệp dữ liệu được định dạng ảnh hoặc file pdf chứa ảnh màu chụp từ bản chính. Trước khi nhận kết quả, nộp lại hồ sơ bản giấy phù hợp với hồ sơ đã nộp trực tuyến để Sở Xây dựng lưu trữ theo quy định.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TPHCM khuyến khích người dân đăng ký sử dụng chữ ký số, thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử đối với các giấy tờ cần thiết để phục vụ việc nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần theo quy định.

Thủ tục nhận bản sao từ bản chính thuận tiện hơn trước

Ông Nguyễn Thành Băng - đại diện Sở Tư pháp TPHCM cho biết, hiện tại có hai hình thức chứng thực bản sao từ bản chính, bao gồm bằng văn bản giấy thông thường và hình thức mới là bằng bản sao điện tử.

Để thực hiện đăng ký bản sao điện tử từ bản chính, cá nhân và tổ chức phải có tài khoản trên cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc hộp thư điện tử (email). Thông qua đó, người dân có thể đặt lịch hẹn với cơ quan thực hiện chứng thực.

Đến ngày hẹn, người dân phải mang bản chính đến cơ quan thực hiện chứng thực để kiểm tra, đối chứng. Sau đó, người dân được nhận kết quả là bản sao định dạng điện tử từ bản chính văn bản giấy tại tài khoản của cá nhân, tổ chức trên cổng Dịch vụ công Quốc gia (không nhận bản sao bằng văn bản giấy).

Theo đó, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP).

Nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa được làm hoàn toàn qua trực tuyến - Ảnh 3.

Họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng TPHCM

Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai cho các địa phương thực hiện đăng ký tài khoản của cơ quan nhà nước trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, chủ động trang bị máy scan để tạo bản sao điện tử; trang bị hạ tầng mạng, đăng ký chữ ký, con dấu của cơ quan, địa phương mình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ….

Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn Thành phố đã triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính như Phòng Tư pháp TP Thủ Đức, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình… Các quận, huyện còn lại đang tiếp tục triển khai việc đăng ký tài khoản để thực hiện việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định.

Kết thúc buổi họp báo, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, Sở Xây dựng khuyến khích người dân đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trong thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của đơn vị. Sở Xây dựng TPHCM sẽ tiếp nhận những phản hồi, góp ý từ người dân để hoàn thiện hơn dịch vụ công trực tuyến này.

"Hiện nay, người dân và tổ chức có thể tham gia dịch vụ trên với nhiều nội dung, nhiều bước riêng lẻ, không nhất thiết phải có chữ ký số hay chứng thực điện tử. Ví dụ, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nếu chưa có chữ ký số, người dân có thể gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa", ông Quân nhấn mạnh.

Hướng dẫn đăng ký, đăng nhập tài khoản trên cổng dịch vụ công Quốc gia

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình và một phần dịch vụ hành chính công

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm