Lo đủ đường
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của Sở GD&ĐT các tỉnh là thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Theo kế hoạch, từ năm học 2018-2019, sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới theo đề án chính thức đã được công bố vào cuối tháng 7/2017.
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng năm học mới diễn ra ngày 21/8, nhiều địa phương tỏ ra lo ngại nếu thực hiện chương trình đúng kế hoạch.
Theo đại diện tỉnh Nam Định, việc áp dụng chương trình mới cần phải được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lí xã hội. Chất lượng giáo dục phổ thông hiện hành vẫn chấp nhận được, chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay. Nếu đổi mới, tỉnh đề nghị Bộ công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương, nếu còn khó khăn thì nên lùi thời điểm thực hiện.
Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, khi cho rằng, địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ GV và cơ sở vật chất đối với chương trình mới.
“Nhiều huyện vùng cao tỉnh Nghệ An còn gặp khó khăn về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được ngay các yêu cầu đổi mới. Vì vậy, chúng tôi đề nghị lùi thời hạn áp dụng để chuẩn bị cho hiệu quả hơn” - bà Kim Chi nói.
Một số địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Kiên Giang… cũng cho rằng năm học 2018-2019 áp dụng ngay chương trình mới là gấp gáp. Cần lùi thời hạn để các tỉnh có khoảng thời gian cần thiết cho việc triển khai bồi dưỡng GV và việc lùi 1 năm cũng không có gì quá phức tạp.
Cần thiết thì sẽ lùi
Theo các tỉnh, chương trình GDPT tổng thể nói là đổi mới toàn diện, tuy nhiên thực tế cho thấy khó có thể thực hiện đồng bộ các khâu, đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa. Từ nay đến năm học 2018-2019 chỉ còn hơn 1 năm, rõ ràng không thể đảm đáp ứng đủ các điều kiện.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, Bộ GD&ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên đồng loạt cùng một lúc, bởi làm như vậy sẽ không thể kham nổi. Theo đó, cần xác định rõ làm ở đâu, bắt đầu từ vấn đề gì, nội dung gì để làm dần.
Về những kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các địa phương không thể nói là không có trường, không có lớp để lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận việc bước đầu của chương trình - sách giáo khoa còn triển khai quá chậm ở các khâu như lo dự án, kiện toàn bộ máy chuẩn bị… Đặc biệt là chậm việc “thấm” xuống các cấp bên dưới dù tinh thần là ở trên đã thống nhất. Theo ông, rõ ràng từ các trường sư phạm cho đến đội ngũ GV đều chưa “thấm”.
“Tôi đề nghị các sở phải nắm lại tình hình, trình UBND những việc làm cần thiết về cơ sở, GV để có bước chuẩn bị tích cực nhất. Còn phía Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã có chỉ đạo rồi. Đổi mới một lần để áp dụng cho nhiều năm nên cần kỹ lưỡng. Trên tinh thần là thực hiện khẩn trương chương trình mới, nhưng nếu thấy chưa đạt chất lượng như ý muốn thì có thể lùi thời hạn” - Phó Thủ tướng nói.
* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong năm học 2017-2018, các trường phải mang tinh thần đổi mới vào dạy chương trình cũ, kết hợp tập huấn, không nhất thiết phải chờ chương trình mới. Phải chuyển tinh thần này xuống tất cả GV để thầy cô có thời gian tự xác định lại rằng mình phải đổi mới, từ đô thị đến nơi xa nhất. Có đổi mới GV thì giáo dục mới đi lên vì vai trò người thầy rất quan trọng. Thầy tốt, nhiều thế hệ học trò sẽ được nhờ, ngược lại nếu thầy không đáp ứng được yêu cầu thì chính các em sẽ phải chịu thiệt thòi. |