Hỗ trợ học phí, cấp học bổng kèm lời nhắn yêu thương gửi sinh viên giữa dịch Covid-19

D.H
20/04/2020 - 08:15
Hỗ trợ học phí, cấp học bổng kèm lời nhắn yêu thương gửi sinh viên giữa dịch Covid-19

Ảnh minh họa

Hỗ trợ học phí, cấp học bổng… để giúp sinh viên đang được nhiều trường đại học triển khai trong đại dịch Covid-19. Với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng ở mỗi trường cùng lời nhắn gửi thân thương khiến sinh viên không khỏi ấm lòng: "Mong các em giữ gìn sức khỏe, thầy cô và giảng đường rất nhớ các em".

Trên fapge chính thức của trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) mới đây, nhà trường đã phát đi thông điệp đầy ấm áp gửi đến sinh viên. Thông điệp nêu rõ, do dịch bệnh Covid-19, không ít sinh viên NEU và gia đình cũng bị ảnh hưởng. Sau khi cân nhắc tình hình và cân đối các vấn đề tài chính liên quan, Nhà trường quyết định dành khoảng hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ các em sinh viên yêu quý và gia đình.

Nhiều trường đại học hỗ trợ sinh viên hàng chục tỷ đồng do đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân

Cụ thể: Hỗ trợ 5% học phí theo số tín chỉ đã đăng kí, trong học kí 2 năm học 2019 - 2020. Áp dụng cho tất cả các sinh viên hệ chính quy. Đồng thời, cấp học bổng tới 50% học phí học kỳ II năm học 2019 - 2020 cho sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Trường sẽ thông báo cụ thể tiêu chí và thủ tục, hồ sơ minh chứng để cấp học bổng.

"Mọi thông tin chi tiết sẽ được thông báo tới các em trong một vài ngày tới. Thông tin sớm để các em yên tâm. Mong tất cả các em giữ gìn sức khỏe, tập trung học tập, nghiên cứu, đạt kết quả tốt nhất trong học kì này các em nhé. Thầy cô và giảng đường nhớ các em" – thông điệp được phát đi.

Cũng trong thời gian này, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động, trong đó có gia đình của nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng phải tạm nghỉ việc làm thêm trên thành phố, mất một nguồn thu đỡ cho gia đình.

"Nhà trường hiểu được những khó khăn của phụ huynh và sinh viên trong thời điểm này, nên quyết định dành gói 20 tỷ tập trung hỗ trợ miễn giảm học phí cho những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế thực sự khó khăn" – thông tin cho hay.

Kinh phí được trích từ khoản tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và tiết giảm các khoản chi khác. Gói hỗ trợ này được đưa ra độc lập với quỹ học bổng thường niên trị giá 45 tỷ đồng nhằm khuyến khích tài năng và hỗ trợ học tập cho những sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong học tập với các học bổng trị giá 50 - 100% học phí.

Nhiều trường đại học hỗ trợ sinh viên hàng chục tỷ đồng do đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Sinh viên học trực truyến mùa Covid-19. Ảnh minh họa

Hội đồng trường ĐH Kinh Tế TP.HCM vừa phê duyệt gói hỗ trợ 20 tỷ đồng dành cho sinh viên. Nhà trường hỗ trợ phí học tập trực tuyến, giáo trình là 100.000 đồng/người, giảm 5% học phí các học phần học online trong học kỳ đầu 2020.

Đối với sinh viên các khóa đại học chính quy có gia đình bị mất việc, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, ĐH Kinh tế TP.HCM hỗ trợ tối đa là 50% học bổng toàn phần.

ĐH Bách khoa TP.HCM cũng vừa quyết định chi 12 tỷ đồng để giúp đỡ sinh viên. Trường hỗ trợ phí học tập trực tuyến 50.000/tháng cho đến hết dịch Covid-19. Tổng giá trị gói hỗ trợ này là 3 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà trường cũng tài trợ khoảng 9 tỷ đồng học bổng đồng hành cho sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường triển khai dịch vụ gửi sách, giáo trình tận nhà sinh viên để đảm bảo chất lượng học trực tuyến.

ĐH Luật TP.HCM hỗ trợ 5 tỷ đồng chi phí học tập trực tuyến và sinh viên gặp khó khăn. Mỗi sinh viên nhận được 200.000 đồng để tham gia học online. Riêng với sinh viên gặp khó khăn, trường sẽ hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng tùy từng trường hợp cụ thể.

Riêng ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tiếp tục hỗ trợ phí học tập trực tuyến là 50.000 đồng/sinh viên. Trường chi khoảng 5 tỷ đồng để giảm học phí và chi phí tàu xe cho 48 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm