Nhớ mãi món chả cốm mùa thu thơm, dẻo của nội

25/09/2018 - 19:00
Sau này, dù được ăn cốm làng Vòng, cốm Tú Lệ ngon nổi tiếng nhưng tôi vẫn nhớ mãi vị cốm thơm, dẻo do bà tôi tự tay làm hồi đó. Tôi cũng nhớ, khi lớn hơn, mỗi lần về chơi, thím tôi lại làm chả cốm để đổi món cho bọn trẻ. Thím mua thịt nạc băm, trộn với giò sống theo tỷ lệ 5 lạng thịt, 5 lạng giò sống và 2 lạng cốm.
Tôi vẫn nghĩ, trẻ con bây giờ có cuộc sống vật chất sung sướng hơn so với cha mẹ chúng nhiều lắm nhưng chúng lại quá thiệt thòi vì không có tuổi thơ gắn với ruộng đồng, sông nước như thế hệ trước.
 
Tôi nhớ như in, những trưa hè nằm vờ ngủ, để khi thấy ông bà nội đều đã đi nằm là lẻn dậy. Các chị họ tôi khi đó đã chờ sẵn ở đầu ngõ để dẫn tôi vào một thế giới đẹp như cổ tích. Đó là những buổi ngồi vắt vẻo trên triền đê, ngắm các chị hái những bông sen thơm ngát và bẻ vài bát sen lên ngồi tẽ hạt ăn ngon lành. Các chị còn cái lá sen làm mũ che nắng cho tôi vì bà bảo trẻ con thành phố dễ ốm.
 
Các chị cũng thường chuẩn bị sẵn nhựa mít, gắn vào đầu một cành tre dài và dạy tôi cách bắt chuồn chuồn. Nhưng khi tôi vừa đưa cành tre đến sát đuôi chuồn chuồn, thì các chị đứng cạnh lại đọc câu “thần chú”: “Chuồn chuồn có cánh thì bay, có đứa con nít ra tay bắt mày!”. Tôi bực bội quay sang thì các chị lè lưỡi và cười phá lên rồi chạy túa đi. Đường làng giữa trưa nắng rộn tiếng cười của trẻ nhỏ.
 
Hay có những buổi trưa, các chị dẫn tôi ra đồng. Đứa trẻ thành phố loay hoay tìm cách để không bị lấm bẩn khi bước từ bờ be ruộng này sang bờ be bên kia. Hương lúa chín, nặng trĩu bông vẫn còn theo tôi đến mãi sau này.
 
Còn nhớ, có lần bà đi tìm và gặp lũ cháu đang lội ruộng. Thay vì quát um lên, bà nhẹ nhàng hỏi, có muốn bà làm cốm cho ăn không? Tất nhiên, điều kiện của bà là ăn cốm rồi buổi trưa không được trốn đi chơi để bà phải lo lắng nữa. Khi đó, tất nhiên những đứa cháu háu ăn đều vâng dạ đều tăm tắp.
 
Lúc đó là cuối hè đầu thu, vụ lúa mùa. Bà nội tôi hái một bó lúa nếp non thơm phức. Trên đường về, tôi và các chị còn lấy những hạt thóc bỏ vào miệng nhai. Vị bùi và thơm nức tan dần trong miệng. Lúa mang về, bà tuốt hạt, sàng bỏ rơm và thóc lép, đãi qua nước rồi cho vào chảo rang trong lửa nhỏ. Bà dặn các cháu đảo đều tay liên tục trong khoảng 30 phút.
thaophuongnguyen-161310011356-com-1.jpg
Ảnh minh họa

 

Chờ nguội, bà cho cả chảo lúa vào cối giã đều, một lúc lại xúc bỏ vỏ trấu. Bà giã khoảng 5-7 lần là được một mẻ. Cốm được bà chia thành từng nắm nhỏ đặt bên trong lá ráy xanh và bọc lá sen ra bên ngoài. Bà dặn mấy chị em ăn chung, ăn hết gói này rồi mở gói khác để cốm không bị khô.
 
Sau này, dù được ăn cốm làng Vòng, cốm Tú Lệ ngon nổi tiếng nhưng tôi vẫn nhớ mãi vị cốm thơm, dẻo do bà tôi tự tay làm hồi đó. Tôi cũng nhớ, khi lớn hơn, mỗi lần về chơi, thím tôi lại làm chả cốm để đổi món cho bọn trẻ. Thím mua thịt nạc băm, trộn với giò sống theo tỷ lệ 5 lạng thịt, 5 lạng giò sống và 2 lạng cốm.
cach-lam-cha-com.jpg
Ảnh minh họa

 

Thím nêm gia vị gồm mắm, muối, tiêu, đường, hành tím băm nhỏ vào thịt, giò sống, cốm và đập thêm 1 quả trứng gà nhỏ xinh rồi trộn đều đến khi hỗn hợp quện lại. Sau đó, vo viên lại thành từng nắm, ấn dẹt và cho vào chõ hấp. Hấp xong, nhìn hạt cốm nở bung rất thích mắt. Khi nào gần ăn thì cho vào chảo dầu nóng, chiên vàng. Lũ trẻ hau háu nhìn từ khi chả cốm còn trong chảo và đến bữa thì thi nhau gắp ăn ngon lành. Chả cốm có thể chấm với mắm tôm hoặc mắm nguyên chất bỏ thêm vài lát ớt.
tr13-menu-hong-cha-com-1.jpg
Ảnh minh họa

 

Mỗi khi sang thu, tôi lại thấy lòng nao nao, bà tôi rời xa cõi tạm đã gần 3 năm. Tình thương yêu bà dành cho các cháu nội ngoại, rồi sau này là các chắt vẫn đầy ăm ắp. Mỗi khi gặp nhau, nhắc chuyện ngày xưa, cảm giác như những người thân yêu của chúng tôi vẫn đang ở rất gần...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm