pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhóm sinh viên Đà Nẵng sáng chế thiết bị thu gom rác thải mặt nước
Nhóm nghiên cứu vận hành thiết bị tại cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng
Clean-UED được thiết kế hoàn toàn tự động. Khi đầy rác, thiết bị này sẽ tự động tắt và dừng thu gom. Sức chứa của hố thu gom khoảng 4kg rác cho một lần thu. Tùy vào mức độ rác tại các thủy vực, thiết bị có thể thu được nhiều lần trong một ngày.
Đặc biệt, thiết bị được thiết kế để thu tất cả các loại rác thải trôi nổi, từ nhựa, gỗ đến các loại rác hữu cơ. Thiết bị gồm hố thu, mô tơ đặt bên dưới để tạo lực hút nước vào hố thu kéo theo rác thải vào.
Bên trong thiết bị có một giỏ rác, sau khi hút nước và rác vào, rác sẽ đọng lại ở giỏ và nước sẽ trở lại môi trường. Hiện tại, thiết bị này được thiết kế với nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với đặc tính của các dạng thủy vực: nước ngọt, nước lợ hay vùng biển.
Ths.Trần Ngọc Sơn cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề "nóng" không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Sau mỗi trận mưa hoặc lũ lớn, một lượng lớn rác thải bị nước cuốn đi, đặc biệt là rác thải nhựa.
Để thu gom lượng rác thải này trên khắp các ao, hồ, sông, suối, bờ biển hay các âu thuyền, cảng cá là điều hết sức khó khăn, vì nguồn nhân lực hạn chế và trang thiết bị chủ yếu là thủ công. Vì thế, việc sáng chế ra Clean-UED có thể giải quyết được vấn đề.
"Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sản xuất và bàn giao thiết bị cho Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), góp phần bảo vệ môi trường cho khu dự trữ sinh quyển và lắp đặt tại âu thuyền cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng)", Ths. Trần Ngọc Sơn cho biết.
Nhóm nghiên cứu thiết bị gồm 5 sinh viên: Phạm Thị Phương, Đỗ Đăng Hiếu, Trịnh Văn Huy, Nguyễn Hồ Quốc Bảo và Phan Văn Đà. Khó khăn nhất với nhóm là quá trình lên ý tưởng thiết kế và thử nghiệm để phù hợp với từng dạng thủy vực, với điều kiện thủy văn khác nhau. Vì thiết bị hoạt động dựa trên sự cân bằng sức nổi của hố thu và thiết bị bơm chìm.
Đến nay, khi đưa vào thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả bất ngờ của Clean-UED. Máy có thể đặt ở các điểm như sông, hồ, cảng cá và bãi biển, có công suất 15 mét khối nước/giờ. Ngoài ra, sản phẩm này được thiết kế gọn, dễ vận hành, chi phí sản xuất thấp.
Không dừng ở đó, nhóm tiếp tục nghiên cứu nâng cấp lên phiên bản tiếp theo. Dự kiến, sản phẩm sẽ được bổ sung chức năng lọc và làm sạch nước mặt tại các khu vực thu gom. Với công suất thiết kế của bơm chìm là 15.000 lít nước trong 1 giờ.
Với khối lượng nước được bơm là rất lớn trong thời gian thu gom rác trôi nổi, vì vậy, nhóm dự định sẽ thiết kế thêm một bể lọc và tách dầu, chất bẩn sau khi nước được bơm qua hố thu rác. Như vậy, thiết bị không chỉ giúp thu gom rác thải mà còn làm sạch các thủy vực.
Các thành viên của nhóm cho biết, "kim chỉ nam" của nhóm chính là chung tay bảo vệ môi trường sống. Sau cơn bão Yagi vừa qua, lượng rác thải ra sông, suối, ao, hồ, các môi trường nước nói chung rất lớn.
Nhóm mong muốn thiết bị sẽ hỗ trợ cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trong việc thu gom rác tự động.