pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những bàn tay khéo vén
Họ, là bà nội, bà ngoại, là mẹ, là vợ... bận rộn từ những ngày trước Tết rất lâu, để những mâm cỗ cúng ông bà ngày 30 Tết cho đến bữa cơm đoàn viên, nồi thịt kho, nồi măng kho và cả hũ dưa kiệu... cho bữa ăn ngon, cho tiếng cười giòn giã tạm quên đi những ngày xa nhau, những bận rộn mưu sinh.
Chính những người phụ nữ Việt từ thế hệ này đến thế hệ khác đã tạo ra những cái Tết đặc sắc từ khắp mọi miền, miền Bắc – Trung – Nam; từ vùng biển cho đến miền núi, Đông Bắc cho đến Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam... Nhà thơ Nguyễn Bính đã thấy điều đó: "Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều."
Tôi tin, tất thảy những người đàn ông trong gia đình đều cảm nhận rất rõ điều đó!
Ngày còn nhỏ, sống với bà nội. Từ 23 tháng Chạp, tôi thấy bà đã lo toan cho cả cái Tết. Bà mua dừa, gừng, nguyên vật liệu về để làm mứt. Khi đó, ít ai mua mứt ở chợ mà tự làm những mẻ mứt Tết. Để làm một mẻ mứt Tết là cả một kỳ công. Đêm, bên bếp than hồng liu riu lửa, cả nhà ngủ, còn nội vẫn lặng lẽ ngồi canh chảo, đợi cho đường keo lại, rồi lấy cái nia rải mứt ra, sáng hôm sau đem phơi nắng. Những chảo mứt dừa, mứt gừng ấy nội nào có ăn đâu, mà lại phân chia cho các cô, các cậu tôi như chia hương vị Tết.
Nội tôi tuyệt đối không mua bánh tét gói sẵn bán ở chợ, mà phải tự gói. Nội gói bánh tét rất đẹp, bàn tay người phụ nữ ấy cũng ngâm nếp, hầm đậu xanh, thái thịt ba chỉ tẩm hương liệu... Bàn tay ấy thả bánh vào nồi, cả đêm canh lửa. Cái thú thức đêm nấu bánh tét thời thơ ấu của tôi là được gói thêm mấy chiếc bánh ú. Bánh ú chín trước, vớt ra ăn nóng trong đêm lửa reo rất ngon.
Tôi vẫn thường đi đến các thôn xóm vào những ngày cuối năm. Ở các làng quê, người phụ nữ của nhà nhà tất bật lo bao nhiêu chuyện. Đâu phải chuyện cái ăn ngày Tết mà còn chuyện lau dọn nhà cửa, chuyện bếp núc và cả chuyện quà cáp bên nội - bên ngoại. Ở những ngõ Tết làng quê ấy, trong nắng lóa cuối đông, họ ra vườn rọc lá chuối. Có khi cùng gói bánh chung ngay tại sân nhà ai đó. Nồi bánh tét chung mà nhiều gia đình góp lại nấu giữa sân. Cánh đàn ông có mặt chủ yếu là uống rượu, mồi nhậu cũng từ tay người đàn bà.
Người đàn bà Việt đôi khi buôn bán trong phiên chợ. Họ bán Tết với đủ mọi thứ từ bánh kẹo, trái cây đến lá dong, lá chuối và cả rau xanh, thịt cá... Họ bán vơi hàng, vơi khách lại để đó chen cùng người khác đi mua ít đồ về cho gia đình ăn Tết.
Ngày Tết, người Việt luôn có thói quen đẹp là gửi cho nhau chút quà đầu năm. Người phụ nữ trong gia đình suy nghĩ mua gì cho hợp bên ngoại, mua gì bên nội, rồi tới sui gia... Chiều lòng cả nhà, người phụ nữ lo ngâm măng, nấu nồi măng hầm. Chồng thích ăn tai heo ngâm dấm? Có ngay!.. Con thích ăn củ kiệu tôm khô? Chẳng khó khăn gì!
Phong tục Việt có mâm cỗ cuối năm, có tiệc đoàn viên, có bữa ăn ngày Tết. Bếp nhà đỏ lửa, người phụ nữ vào bếp lo món ăn. Ngày Tết sum vầy ấy có bàn tay của những người đàn bà. Ngay cả chuyện sắm cho con quần áo mới, mua thêm cho chồng đôi giày và cả bình hoa cắm trong phòng khách... cũng một tay người phụ nữ liệu lo.
Cả nghìn năm nay, 365 ngày đất trời thay đổi nắng mưa nhưng có một điều vẫn vẹn nguyên không đổi: Trong những ngày Tết ấy, người phụ nữ Việt đã trao tặng sự khéo vén của mình để những người đàn ông, những thành viên trong nhà hạnh phúc.