pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những chàng trai góp sức mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ
Sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ xương lá bồ đề
Tạo sinh kế cho lao động nữ từ lá bồ đề
Anh Vũ Trung Đức tốt nghiệp ngành Hóa dược tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ lâu, anh nhận thấy, tại xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), quê hương mình, có nhiều lao động nữ trên 35 tuổi không có việc làm. Họ chấp nhận làm thuê với tiền công giá thấp, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh.
Tận dụng thế mạnh của địa phương về dược liệu, anh nghiên cứu các sản phẩm từ cây dược liệu, với mong muốn có thể giải quyết việc làm cho họ. Với số vốn ban đầu gần 20 triệu đồng, anh đã cùng các cộng sự của mình góp vốn, thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ. Hợp tác xã Sinh Dược đã nghiên cứu những sản phẩm chủ lực như xà bông thảo dược, muối ngâm chân, muối tắm bé, đặc biệt là đồ thủ công mỹ nghệ từ lá bồ đề.
Anh Trung Đức chia sẻ: "Tình cờ xem các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ lá bồ đề, tôi nghĩ tại sao mình không làm từ lá bồ đề tại chính quê hương của mình. Năm 2018, chúng tôi đã cho ra mắt dòng sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ xương lá bồ đề. Xương lá bồ đề được lấy bằng cách thu hoạch lá bồ đề tươi, sau đó ngâm trong nước trắng khoảng 1 - 2 tháng, lá sẽ tự phân rã, sau đó dùng bàn chải nhỏ chải hết phần thịt lá, còn thân lá đem phơi, sấy khô và phân loại, nhuộm màu. Xương lá sau khi được xử lý sẽ được dùng làm tranh, ốp lưng điện thoại...".
Hiện tại, hợp tác xã Sinh Dược có hơn 30 mặt hàng. Mỗi sản phẩm là kết tinh tâm huyết của từng xã viên. Hợp tác xã Sinh Dược tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, với mức lương trung bình khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
"Tôi muốn dành tặng chị em những sản phẩm tâm huyết"
Anh Dương Ngọc Trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Befine, chia sẻ: "Tôi là một chàng trai sinh năm 1997, ở huyện Thạch Thành, vùng quê miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Khi còn nhỏ, tôi thấy mẹ mình thường dùng dầu gội bồ kết. Tóc mẹ mềm mượt, chắc khỏe lắm.
Sau này, mẹ dùng các sản phẩm gội đầu công nghiệp, tóc mẹ bị rụng nhiều, mái tóc không còn óng mượt nữa. Tôi cũng được chứng kiến em gái mình dùng nhiều sản phẩm chăm sóc da, khiến da bị bào mòn đi. Ra thành phố học đại học, tôi thấy xã hội càng phát triển, phụ nữ càng dùng nhiều mỹ phẩm để làm đẹp hơn.
Nhưng trong số đó, không ít người dùng phải sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hại cho da, cho tóc. Những sản phẩm đó giúp làm đẹp nhanh chóng nhưng không an toàn và gây ra những tác dụng phụ.
Vậy là tôi luôn ấp ủ mong muốn phát triển dòng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, vừa giúp chị em làm đẹp an toàn, không gây hại cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường. Từ năm 17 tuổi, tôi đã mong muốn tạo thương hiệu sản phẩm mang đậm chất quê hương, mang theo ước mơ chinh phục thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới.
Năm 2018, tôi bắt đầu trồng cây dược liệu. Tôi trồng hoa hồng, tía tô, trầu không. Cũng trong thời gian này, tôi hợp tác cùng các chuyên gia, là những dược sĩ giàu kinh nghiệm và các chuyên gia công nghệ của Đại học Bách Khoa nghiên cứu công thức, đầu tư máy móc, trang thiết bị để cho ra đời sản phẩm đầu tiên là tonner (nước dưỡng da) từ hoa sen, hoa hồng, trầu không, tía tô.
Năm 2019, tôi ra mắt thêm dòng tonner hoa bưởi. Cứ vậy, tôi phát triển nhiều sản phẩm khác như cao gội đầu bồ kết rồi đến dầu gội đầu bồ kết; các dòng sản phẩm tinh dầu chăm sóc da và tóc như tinh dầu bưởi, tinh dầu hương nhu, tinh dầu quýt, sả chanh, mùi già…
Đến nay, kho sản phẩm mang thương hiệu Befine của tôi đã tăng lên nhiều. Tôi đã có showroom cùng nhiều đại lý bán sản phẩm trên cả nước. Vùng nguyên liệu của tôi được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sản xuất chưng cất nhiệt độ thấp, áp suất thấp nên đòi hỏi sự công phu từ những bước đi đầu tiên. Sản phẩm thu được mang dược tính cao, hàm lượng mùi hương tự nhiên. Tôi hạnh phúc khi nhận được những phản hồi tích cực của người dùng".