Những cuộc hôn nhân “có cũng như không”

Lan Hương
14/03/2023 - 12:27
Những cuộc hôn nhân “có cũng như không”

Ảnh minh họa

Khi vợ chồng không còn tiếng nói chung thì ly hôn là hướng đi nhiều người trong cuộc chọn lựa. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể thẳng tay ký vào đơn ly hôn.
Hôn nhân "nhạt"

Trước tinh thần lạc quan, vui vẻ của chị H. (38 tuổi, biên tập viên một đài truyền hình) trong lần gặp đầu tiên, chúng tôi không ngờ đằng sau chị lại là một cuộc hôn nhân "hờ hững". Chị và chồng đã không còn tình cảm với nhau, 2 người ly thân đến nay cũng đã được 7 năm.

Quen biết nhau từ thời học đại học, chị H. ấn tượng bởi anh T. là một người có học thức, có ý chí phấn đấu trong công việc và yêu thương chị. Bước vào cuộc hôn nhân 2 năm đầu trong êm ấm, hạnh phúc, anh T. chăm sóc chị và chuẩn bị đón chào "thiên thần nhỏ" đến với gia đình. 

Sau khi có con, anh T. lại lao vào công việc, bỏ bê vợ con, chị H. tuy sống chung với mẹ chồng nhưng không được sự hỗ trợ của bà. Chị một mình lo cho con, chăm sóc nhà cửa và công việc. Từ một người xinh đẹp, năng nổ, tự tin, chị H. khiến đồng nghiệp không nhận ra trong dáng vẻ của một bà mẹ bỉm sữa.

Chị H. đã từng quyết định ly hôn nhưng sau những níu kéo từ chồng và hai bên gia đình nên cuộc hôn nhân lại tiếp tục. Hai anh chị dọn ra ngoài ở riêng nhưng anh T. vẫn vùi đầu vào công việc. Từng học tập, làm việc tại nước ngoài nên cách làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp với anh. 

Anh mải mê đi tìm hoài bão, đam mê của chính mình, cứ khởi nghiệp rồi thất bại, loay hoay với vòng lặp đấy khiến chị H. vô cùng mệt mỏi. Hai người dường như không còn tìm được tiếng nói chung, không quan tâm, chia sẻ được cùng nhau, hai người quyết định sẽ không can thiệp vào cuộc sống của đối phương nữa. 

Những cuộc hôn nhân “có cũng như không” - Ảnh 1.

Khi vợ chồng không còn tiếng nói chung thì ly hôn là hướng đi nhiều người trong cuộc chọn lựa. Ảnh minh họa

Công việc của ai người đấy làm, phòng của ai người đấy dọn, ai về sớm thì sẽ là người đón con và nấu cơm cho con. Mối liên hệ duy nhất của cả hai là để tiếp tục đồng hành cùng con. Với công việc ổn định, chị H. có thể tự chăm lo cho con. Chị cố gắng dành nhiều thời gian đi chơi cùng con, cùng con ôn bài…

"Sợ nhất là Tết, khi phải đối diện với những mối quan hệ trong gia đình, chúng tôi phải diễn vở kịch hạnh phúc trước rất nhiều người, đặc biệt là họ hàng, bố mẹ hai bên", chị H. tâm sự. Ngày thường, công việc hối hả cuốn chị H. vào guồng quay cuộc sống nhưng Tết đến, chị và chồng phải về quê thăm gia đình, đối diện với bao nhiêu ánh nhìn từ mọi người xung quanh.

Bố mẹ hai bên của chị H. có thể hiểu tình trạng của vợ chồng chị nhưng họ hàng, họ bán tín bán nghi nên anh chị phải thể hiện rằng mình đang hạnh phúc. Khoảng thời gian ấy, chị H. chỉ muốn đi thật xa để lảng tránh tất cả.

Tự tìm niềm vui khác

Từ hạnh phúc những năm tháng đầu hôn nhân đến ngỡ ngàng vì chồng thay đổi rồi đau khổ và tự tìm cách thoát ra, chị H. nói: "Mình dằn vặt, đau khổ nhưng người ta không thay đổi thì bản thân mình phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Tự mình phải làm mới mình và cứu lấy chính mình". Chị tìm những nguồn vui khác như thay đổi công việc, cân bằng lại thời gian làm việc, học những kỹ năng mới…

Có nhiều người khuyên chị hãy thoát ra khỏi cuộc hôn nhân này thì mới có hạnh phúc, tại sao chị cứ phải gắn bó với một người không xứng đáng với chị. Bản thân chị cũng hiểu điều đó, chị cũng mong bản thân mình có thể thay đổi nhưng chị sợ. Chị sợ cái cảm giác một mình với một đứa trẻ. 

Mặc dù chị có thể lo cho con kinh tế nhưng về tinh thần, chị không biết mình sẽ xử lý như thế nào nếu con bị bắt nạt ở lớp, ra ngoài bị bạn bè chê cười… "Chỉ cần nghĩ đến đấy thôi, tôi đã cảm thấy thương con rất nhiều. Là một người mẹ, tôi luôn mong con mình hạnh phúc trọn vẹn", chị H. chia sẻ.

Chồng chị là người có học thức, không phải kẻ vũ phu hay tệ bạc đến mức phải ly hôn. Chỉ là giờ đây họ không còn tiếng nói chung, những mâu thuẫn cứ tự mọc ra, không thể được giải quyết cùng nhau. Những kỳ nghỉ dài, chị cùng hội bạn thân phiêu lưu khắp đó đây. Giờ đây, cố gắng học mỗi ngày, kiếm tiền đi du lịch, gặp bạn bè… là niềm vui để chị H. tiếp tục cố gắng cùng con.

Đừng "tự tiêm chất độc hại cho mình mỗi ngày"

Thạc sĩ Vera Thiên Ân, giảng viên, nhà tham vấn tại Công ty TNHH Tư vấn tâm lý và đào tạo Học viện Coaching Thiên Phúc, cho biết, tình trạng "hôn nhân lạnh" đã xuất hiện từ lâu trong đời sống vợ chồng. Đó là tình trạng mối quan hệ không hạnh phúc bởi nhiều nguyên nhân như vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, vợ hoặc chồng ngoại tình… 

Dù giữa hai người đã không còn tình cảm nhưng có nhiều lý do khiến họ không ly hôn. Có người vì cha mẹ mà duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Có cặp đôi dù không hạnh phúc nhưng vẫn không chia tay vì lo lắng họ hàng, đồng nghiệp sẽ nói ra nói vào nếu mình ly hôn. 

Nhiều người như chị H., lo sợ việc ly hôn khiến mình không chăm lo cho con được trọn vẹn… Và họ chấp nhận trở thành "diễn viên" trong cuộc hôn nhân của chính mình.

Chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cả hai người đều bị những ảnh hưởng tâm lý nhất định. Trước nỗi đau đang phải gánh chịu, họ thường có xu hướng chui vào "tổ kén" của mình để dưỡng thương. Họ chờ đợi trong vô vọng người đàn ông của mình thay đổi. 

Họ sợ dư luận bủa vây, chịu sức ép về thời gian nên khó có cơ hội làm lại với người mới. Khi sống trong một gia đình không hạnh phúc, những đứa trẻ cũng chịu rất nhiều tổn thương. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được những xa cách, hờ hững trong cách thể hiện tình cảm của cha mẹ với nhau. Chúng sẽ cảm thấy cô đơn, buồn bã trong chính ngôi nhà của mình. Điều này còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.

Theo chuyên gia Vera Thiên Ân, nếu bạn đang trong một cuộc "hôn nhân lạnh" thì cần lựa chọn hướng giải quyết cụ thể cho mình. Nếu thực sự tiếp tục cuộc hôn nhân này, cả hai cần phải thay đổi, từ cách sống, cách nhìn nhận vì con, vì bản thân, vì tương lai. 

Mỗi người cần học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng, biết yêu thương bản thân hơn, làm mới mình mỗi ngày, tạo thêm những sắc màu cho cuộc hôn nhân của mình. Nếu không thay đổi, hãy dũng cảm giải thoát cho cả hai để sau này không hối tiếc vì đã tự mình "tiêm chất độc hại" cho mình mỗi ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm