Những cuộc ‘ngã giá’ tài sản li hôn trước ngày cưới ở thung lũng Silicon

17/04/2018 - 13:23
Ở thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) vùng đất giàu có với những ông chủ sở hữu khối tài sản lớn đầy cá tính, những nhà thương thuyết cứng rắn và khôn khéo thì tài sản li hôn luôn là câu chuyện đầy phức tạp. Để không đưa mình vào thế khó, nhiều chủ nhân khối tài sản kếch xù đã "ngã giá" với người bạn đời tương lai về tài sản khi chung sống và phân chia tài sản khi li hôn.
Mark Pincus, nhà đầu tư đầu tiên của Facebook và Twitter với giá trị tài sản cá nhân lên tới 1,28 tỷ đô la, đã làm thủ tục chia tay vợ là Alison Gelb Pincus, người đồng sáng lập công ty kinh doanh và trang trí nội thất One Kings Lane.

Hai vợ chồng Pincus kết hôn năm 2008, một năm sau khi Mark thành lập Zynga, công ty này đã trở thành một công ty trị giá 1 tỉ USD trong vòng 4 năm. Mark nộp đơn xin ly dị, song Alison Gelb yêu cầu tòa án hủy bỏ hợp đồng hôn nhân vì giá trị tài sản của Mark đã tăng mạnh trong suốt cuộc hôn nhân của họ.
miranda-kerr-and-evan-spiegel.jpg
Tỷ phú Evan Spiegel và Miranda Kerr

Việc giải quyết các vấn đề ly hôn luôn khó khăn ở thung lũng Silicon. Có lẽ đó là lý do tại sao Evan Spiegel, nhà tỷ phú 26 tuổi, người sáng lập của Snapchat, đã tìm kiếm một "hợp đồng hôn nhân khắc nghiệt" trước khi kết hôn với người mẫu Miranda Kerr. Với khối tài sản hơn 4 tỷ USD, mà phần lớn là cổ phần của Snap Inc, hợp đồng tiền hôn nhân sẽ là pháo đài an toàn cho Evan nếu “bong bóng tình yêu” giữa họ vỡ tung.

"Khi người ta tới thung lũng Silicon rồi kiếm được rất nhiều tiền, họ không muốn người vợ hoặc chồng mà họ không còn tình cảm được chia sẻ số tiền mà họ vất vả kiếm được", ông Michael Pascoe, luật sư tại Văn phòng Luật thung lũng Silicon nói.

Theo luật bang California, bất cứ điều gì bạn sở hữu trước khi kết hôn được tính là tài sản cá nhân của bạn. Tuy nhiên, bất kỳ tài sản nào có được hoặc thu nhập kiếm được trong cuộc hôn nhân được tính là "tài sản chung", và trong trường hợp vợ chồng ly dị, theo luật, tài sản này được chia đều cho cả hai bên.

Vì lý do này, những người sắp kết hôn đưa ra những thỏa thuận trước hôn nhân, thậm chí cả kế hoạch ly hôn rõ ràng, Mark Ressa ở công ty luật Bay Area Divorce, cho biết, ông nhận thấy, việc tìm kiếm một hợp đồng hôn nhân có từ những năm đầu của thập kỷ 30 thế kỷ trước. 

Mark Ressa chia sẻ: "Tôi đang nhìn thấy những cặp vợ chồng rất trẻ, những người có tất cả những gì mà đa số chúng ta đều thèm muốn: Sự giàu có, quyền lực, sự ảnh hưởng và tất nhiên họ quan tâm đến việc bảo vệ sự giàu có đó”.

Jeffrey Verdon, một luật sư vừa thành lập một văn phòng luật tại thung lũng Silicon, cho biết: "Nhiều người ở thung lũng Silicon tạo ra sự giàu có của họ trước khi kết hôn, khi những tài sản lên tới 10 triệu USD, họ luôn tìm kiếm một hợp đồng hôn nhân an toàn để tìm mọi cách bảo vệ khối tài sản của mình.

Và khi nói về ly hôn, một số khách hàng ở thung lũng Silicon cũng muốn trục lợi đối tác bằng mọi giá thay vì giải quyết trong êm ấm. Do vậy, các tỷ phú tương lai luôn chú trọng và quan tâm tới hợp đồng hôn nhân”.

Cơ hội cho công ty luật kiếm bộn tiền

Verdon cho biết thêm: "Bạn có thể thực sự là một doanh nhân thông minh nhưng đôi khi bạn không thể nắm chắc hoặc chi phối được “đối tác” cũ và dính vào những vụ kiện tụng dai dẳng đòi hỏi phần lớn tài sản của bạn. Đôi khi, bạn phải chi rất rất nhiều tiền để được giải thoát. Đó chính là lý do để những công ty tư vấn luật mọc lên như nấm tại thung lũng Silicon”.
anh123.jpg
Ảnh minh họa

Ngay khi một bên nộp đơn xin ly hôn, tài sản của cả hai vợ chồng sẽ bị đóng băng cho đến khi đạt được thỏa thuận. Điều này có thể gây bực bội cho những cá nhân có thu nhập cao muốn luân chuyển vốn, đặc biệt khi việc kiện tụng có thể mất vài năm. Nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn cản được một số người cố gắng cơ cấu lại công ty hoặc giấu tiền, mặc dù họ có nghĩa vụ pháp lý phải tiết lộ tất cả tài sản và thu nhập.

Với sự phức tạp của các vấn đề tài chính, các cặp vợ chồng ở thung lũng Silicon khi chia tay thường thuê các thẩm phán tư nhân cao tay để tìm các hình thức đền bù hoặc các vấn đề hỗ trợ tài chính nuôi con. Ngoài tranh cãi về tài chính và cổ phần, các thẩm phán này thường xuyên phải phân xử trong những tranh giành về quyền nuôi con.

Thẩm phán Madeleine Simborg nói: "Tiêu chuẩn của tôi là dành mọi ưu tiên và những gì có lợi nhất cho trẻ em. Tôi nghiên cứu mỗi hộ gia đình và xem các mối quan hệ, đánh giá mọi chi tiết về mỗi bên và trẻ em ở với bên nào sẽ được hạnh phúc nhất".

Việc ly hôn của những triệu phú hay tỷ phú tại thung lũng Silicon không chỉ khiến các luật sư, thẩm phán đau đầu mà còn mang lại lợi nhuận không thể thiếu cho họ. Đối với triệu phú, lệ phí pháp lý cho một cuộc ly hôn có thể tốn kém từ  50.000 USD đến  200.000 USD (tương đương 1,1-4,4 tỉ đồng).

Đối với các tỷ phú, chi phí còn hơn thế nhiều, tùy thuộc vào việc bạn giàu có, nổi tiếng và “đối tác” cũ của bạn “khó chơi” tới mức nào, hoặc nếu cả hai đều không muốn “cắn xé” nhau tại tòa án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm