Những điều bệnh nhân cúm nên tránh

Quỳnh Chi (Tổng hợp)
12/02/2025 - 21:50
Những điều bệnh nhân cúm nên tránh

Ảnh minh họa

Bệnh cúm thường khởi phát cấp tính và sốt (một số trường hợp có thể sốt cao tới 39-40 độ C), kèm theo các triệu chứng toàn thân như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi cực độ, chán ăn, đau họng và ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó chịu sau xương ức, đỏ bừng mặt, sung huyết kết mạc nhẹ, nôn mửa, tiêu chảy…

Cúm mùa chủ yếu lây truyền qua các giọt dịch tiết đường hô hấp và cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các niêm mạc như miệng, mũi, mắt. Thời gian ủ bệnh phổ biến là 1-4 ngày (trung bình là 2 ngày), bệnh có khả năng lây lan từ khi kết thúc thời gian ủ bệnh đến giai đoạn cấp tính của bệnh.

Khi bị cúm, cổ họng người bệnh bị đau rát, khó chịu khiến việc ăn uống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, người bị cúm không nên ăn các loại thực phẩm cứng để tránh cơn đau trở nên trầm trọng. Thay vào đó, người bệnh nên ăn các món mềm, dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, có tác dụng giải cảm như các loại cháo gà, thịt bằm, cháo hành, tía tô…

Thức ăn nhanh cũng là loại thực phẩm nên tránh tuyệt đối khi bị cúm bởi không tốt cho sức khỏe. Thức ăn nhanh tiện lợi nhưng ít chất dinh dưỡng và không hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Để cơ thể nhanh chóng bình phục, người bệnh nên ăn những thực phẩm tươi ngon và giàu chất dinh dưỡng.

Bình thường, các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào… cũng khiến người bệnh chướng bụng, đầy hơi và cần tiêu hao năng lượng để tiêu hóa. Sau những ngày đau ốm kéo dài, để cải thiện hệ tiêu hóa, người bệnh nên lựa chọn các phương pháp chế biến món ăn nhẹ nhàng, thực phẩm mềm, thanh đạm.

Một số gợi ý để bệnh nhân cúm có thể tham khảo là các món ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp… có đầy đủ cả chất đạm và xơ.

Ngoài ra, khi bị cúm, người bệnh cần tránh làm việc quá sức, phải bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh cần ngủ đủ giấc, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, không thức quá khuya, không nên suy nghĩ quá nhiều, không để tinh thần căng thẳng… Cơ thể được chăm sóc, nghỉ ngơi đầy đủ, sức khỏe sẽ nhanh hồi phục.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh cúm sẽ có nguy cơ mất nước nên sẽ rất nguy hiểm nếu trong thời gian mắc bệnh, người bệnh vẫn cố tập thể dục như lúc khỏe. Vận động quá mức khi đang bị cúm sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm hoặc trì hoãn sự phục hồi của cơ thể. 

Hãy lắng nghe cơ thể để có sự vận động nhẹ nhàng với thời gian phù hợp (đi bộ, tập vài động tác yoga…), giúp giãn gân cốt và thở tốt hơn.

Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm là cách hiệu quả để phòng ngừa cúm và có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc cúm cũng như các biến chứng nghiêm trọng. Sử dụng sớm thuốc chống virus cúm, đặc biệt là trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh, có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh cúm nặng và tử vong. Lưu ý, thuốc kháng virus phải được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi một thành viên trong gia đình bị cúm, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với nhau, đặc biệt là khi trong gia đình có người lớn tuổi hoặc bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Khi cha mẹ đưa trẻ có triệu chứng cúm đến bệnh viện điều trị, nên bảo vệ cả trẻ và bản thân (đeo khẩu trang) để tránh lây nhiễm chéo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm