pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết về biến thể Omicron XEC đang gây bùng phát Covid-19 tại Thái Lan

Từ tháng 1/2022, Omicron - biến thể cuối cùng được xác định là "biến thể đáng quan ngại" - đã đa dạng hóa đáng kể, với các biến thể cùng dòng tạo ra hầu hết các biến thể hiện đang lưu hành hiện tại.
Trong đó, biến thể Omicron XEC được phát hiện lần đầu tiên ở Đức, vào 26/6/2024 và được phát hiện ít nhất tại hơn 15 nước trên thế giới, bao gồm cả châu Âu, châu Á, biến thể này chiếm 10 - 20% số ca nhiễm mới ở một số khu vực. Vào ngày 24/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại XEC là “biến thể đang được theo dõi”.
Theo Trung tâm thông tin COVID-19 của Chính phủ Thái Lan báo cáo từ ngày 1/1 đến ngày 14/5/2025, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt tại Thái Lan, với tổng cộng 71.067 ca nhiễm và 19 ca tử vong.
1. Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron XEC là gì?
Biến thể Omicron XEC là gì? Đây là chủng tái tổ hợp của Omicron, lai từ hai biến thể phụ KS.1.1 (FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE) hay còn gọi là biến thể lai. XEC có một số đột biến trên protein gai, là thứ mà SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19) sử dụng để bám vào tế bào và lây nhiễm.
Theo dữ liệu nghiên cứu cho thấy, biến thể XEC có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể phụ Omicron khác, từ 84 - 110%. Những may mắn rằng cho tới hiện tại thì tỉ lệ tử vong do biến thể Omicron XEC vẫn rất thấp , ở mức 0,03% và chưa ghi nhận các báo cáo là biến thể này có thể gây bệnh nặng hơn và không khiến nhiều người phải nhập viện hơn.

Biến thể XEC có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể phụ Omicron khác, từ 84 - 110% (Ảnh: ST)
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng nhiễm biến thể XEC cũng không có sự khác biệt so với các triệu chứng do các biến thể Omicron trước đó đã được liệt kê. Bao gồm:
- Ho.
- Đau họng.
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi.
- Tiêu chảy.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Khó thở hoặc thở hụt hơi.
- Mất vị giác hoặc khứu giác.
- Mệt mỏi.
- Nhức đầu.
- Đau nhức cơ thể.
- Chán ăn.
- Buồn nôn và nôn mửa.
Các triệu chứng ban đầu có thể nhẹ ở một số người nhưng cũng có thể chuyển nặng hơn khi bệnh tiến triển. Trong đó, tình trạng khó thở dường như xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu hay người không tiêm vắc-xin cập nhật.
XEC, giống như các biến thể COVID khác, lây lan từ người sang người thông qua các giọt hô hấp khi người bị nhiễm bệnh thở, nói, ho hoặc hắt hơi. Đặc biệt, những nhóm người có rủi ro cao biến chứng nặng và cần nhập viện điều trị khi nhiễm COVID-19 vẫn cần chú ý, bao gồm:
- Người lớn trên 65 tuổi.
- Người đang có các bệnh mãn tính gồm: Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Người ghép tạng hoặc người đang điều trị một số bệnh tự miễn, chẳng hạn như: Bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,...

XEC, giống như các biến thể COVID khác, lây lan từ người sang người thông qua các giọt hô hấp khi người bị nhiễm bệnh thở, nói, ho hoặc hắt hơi (Ảnh: ST)
2. Liệu vắc-xin COVID được cập nhật năm 2024-2025 có bảo vệ chống lại XEC không?
Theo CDC, vắc-xin dự kiến sẽ có hiệu quả tốt đối với XEC và các biến thể khác đang gia tăng. Trừ khi bạn có các khuyến cáo tiêm chủng khác của bác sĩ thì việc tiêm vắc-xin vẫn luôn là cách tốt và an toàn nhất để phòng ngừa COVID-19 trong việc bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng, phải nhập viện và tử vong. Bên cạnh tiêm vắc-xin, các thói quen lành mạnh khác cũng rất quan trọng, bao gồm:
- Đeo khẩu trang: Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tất cả mọi người từ 2 tuổi trở lên, việc đeo khẩu trang đúng cách ở những khu vực lưu thông gió kém, chẳng hạn như trên các phương tiện công cộng gồm xe buýt, tàu điện ngầm, tàu hỏa, máy bay sẽ giúp hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc và lây lan của các bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả COVID-19. Điều này đặc biệt đúng nếu trong phạm vi xung quanh bạn có người đang ho, hắt hơi, sổ mũi hay các triệu chứng bệnh hô hấp khác mà bạn lại không thể di chuyển ra xa họ.
- Rửa tay thường xuyên: Bạn có thể rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 giây hoặc dùng nước rửa tay khô chứa ít nhất 60% cồn, nhất là sau khi chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng gồm có cửa nhà vệ sinh, bồn cầu, vòi nước, bàn ăn, ghế trên xe công cộng,...
- Giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tụ tập đông người nếu không cần thiết: Điều này giúp giảm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp và phơi nhiễm với giọt bắn từ những người mang mầm bệnh, người có các triệu chứng hô hấp. Khoảng cách an toàn (thường là khoảng 1 mét) giúp giảm đáng kể việc hít phải những giọt bắn này và giảm nguy cơ lây lan bệnh.
- Duy trì hoạt động thể chất và có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng: Các thói quen lành mạnh này nên được duy trì kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ sẽ rất có lợi với hệ miễn dịch. Một hệ miễn dịch mạnh mẽ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm bệnh.
Theo WHO đánh giá, trong năm 2025, tác động của COVID-19 đối với cuộc sống có thể ít hơn so với những năm trước, nhưng bệnh do COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan rộng ở mọi nơi trên thế giới và gây ra những nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy mỗi người dân không nên coi thường và cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 đồng thời nhanh chóng thăm khám và cách ly khi phát hiện có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19.