Những điều cần làm khi phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm

Vân Anh (Nguồn: Healthline.com)
23/09/2022 - 16:57
Những điều cần làm khi phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm
Cảm cúm là bệnh thường gặp quanh năm, nhưng bệnh phổ biến hơn vào mùa thu - đông. Khi có các dấu hiệu cúm đầu tiên, bạn nên có những biện pháp chăm sóc tốt để hồi phục sức khoẻ nhanh chóng.

Cảm giác hơi nhột trong cổ họng, đau nhức cơ thể và sốt đột ngột có thể là một số dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn sắp bị cúm.

Virus cúm (hay gọi tắt là bệnh cúm) diễn ra rất phổ biến, nhất là khi thời tiết thay đổi. Điều quan trọng là bạn nhận ra các triệu chứng sớm để có thể bắt đầu chăm sóc bản thân, tránh để bệnh tiến triển nặng. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc những người có các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch hoặc hô hấp, điều này là cần thiết.

Sau đây sẽ là một vài lời khuyên giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi bị cúm cũng như ngăn ngừa sự lây lan virus cho người khác và cộng đồng.

1. Nhận biết các dấu hiệu bệnh cúm

Cúm có rất nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh, covid-19, nhưng các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn và đến nhanh hơn, cụ thể:

- Mệt mỏi

- Sốt đột ngột (thường trên 100 ° F [38 ° C])

- Ngứa hoặc đau họng

- Ho

- Ớn lạnh

- Đau cơ hoặc cơ thể

- Sổ mũi

Những điều cần làm khi bạn phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm - Ảnh 1.

Sốt, ho, sổ mũi là biểu hiện phổ biến khi bị cúm (Ảnh: Internet)

Lưu ý, sốt là biểu hiện thường gặp trong giai đoạn đầu của bệnh cúm, nhưng không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

2. Nên làm gì khi có các dấu hiệu cúm?

Rửa sạch tay

Khi thấy bản thân có dấu hiệu cúm, bạn nên rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi rút, đặc biệt sau khi ho hoặc hắt hơi. Nên rửa tay với xà phòng trong khoảng 20 giây, sau đó rửa lại với nước sạch, nên rửa tay trực tiếp dưới vòi nước.

Dùng khăn giấy khi hắt hơi, ho

Cúm rất dễ lây lan qua không khí khi bạn ho hoặc hắt hơi. Vì vậy, nên dùng khăn giấy bịt mũi, miệng khi ho, hắt hơi để giảm khả năng lây nhiễm, nhất là trong môi trường kín.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Khi ốm, cơ thể bạn cần bổ sung những thực phẩm bổ dưỡng để tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, Kẽm, như:

- Trái cây và rau củ giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, kháng viêm, có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm.

Một số loại rau củ quả mà bạn có thể lựa chọn: Trái cây có múi, chẳng hạn như cam và bưởi; Bông cải xanh; Bắp cải Brucxen.; Dưa lưới; Kiwi; Ớt; Khoai tây; Dâu tây; Cà chua.

Những điều cần làm khi bạn phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm - Ảnh 2.

Khị bị cúm nên ưu tiên ăn những món cháo, súp kết hợp với thịt, rau, trứng (Ảnh: Internet)

- Rau xanh

Các loại rau xanh như rau bina, cải xoăn và bắp cải chứa nhiều vitamin C và sắt có thể chống lại chứng viêm và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi bị cảm cúm.

Bạn có thể làm salad hoặc cho vào cháo, súp để tăng hương vị và cung cấp nhiều dinh dưỡng khác cho cơ thể.

- Tỏi

Các nghiên cứu cho thấy ăn tỏi sống có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Hơn nữa, hợp chất sulfur có trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm. Ngoài ra, sử dụng tỏi hằng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra.

Bạn có thể cho tỏi vào các món ăn hàng ngày, thậm chí có thể cho nó vào trà nóng, để tăng thêm hương vị và giúp trà dễ uống hơn, bạn nên cho thêm một chút mật ong.

Uống nhiều nước

Khi cơ thể bị ốm việc bổ sung nước lỏng là điều cần thiết để tránh cơ thể mệt mỏi, mất nước. Vì vậy, nên bổ sung 2 đến 2,5 lít nước/ngày đối với người lớn, trẻ em duy trì từ 1 đến 1,5 lít nước/ngày.

Ưu tiên uống nước ấm và uống nhiều lần trong ngày. Ngoài nước lọc, điện giải, nước ép, cháo, súp cũng là nguồn cung cấp nước tốt cho cơ thể khi bị ốm.

Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là cách giúp cơ thể được hồi phục nhanh khi bị cảm, bạn nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày, không nên vận động mạnh, có thể đi bộ, thiền hoặc tập yoga để giúp tinh thần thoải mái.

3. Không nên làm gì khi có dấu hiệu cúm?

Bên cạnh những việc cần làm, khi có dấu hiệu của bệnh cúm, bạn nên lưu ý và hạn chế một số vấn đề sau:

Không nên ra ngoài

Cúm rất dễ lây lan và có thể trở thành dịch. Do đó, nếu bạn nghĩ rằng mình bị cúm, không nên tiếp xúc với người khác. Nên tự cách ly trong vòng 5 đến 7 ngày để đảm bảo virus không thể lây nhiễm.

Đối với các thành viên trong gia đình, ngoài hạn chế tiếp xúc nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sát khuẩn các bề mặt, dụng cụ trong nhà, giữ không gian sống thoáng đãng.

Những điều cần làm khi bạn phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm - Ảnh 3.

Hạn chế tiếp xúc với người khác khi bị cúm (Ảnh: Internet)

Tránh một số thực phẩm, đồ uống không tốt

Để đảm bảo sức khỏe và giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng khi bị cúm, mọi người nên hạn chế một số thực phẩm, đồ uống sau:

- Rượu vì sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn và có thể khiến bạn khó chống lại bệnh cúm.

- Cà phê, trà đen, soda và những thứ tương tự vì có thể làm bạn mất nước

- Các sản phẩm từ sữa có thể làm đặc chất nhầy, khiến làm trầm trọng thêm các triệu chứng như nghẹt mũi, khó thở

- Thức ăn cay có thể gây chảy nước mũi, làm cho người bị cúm khó chịu hơn.

- Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo không lành mạnh vì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm chậm quá trình khỏi bệnh.

Không hút thuốc

Cúm là bệnh hô hấp với các triệu chứng như khó thở, hút thuốc lá sẽ kích thích phổi của bạn và làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn.

4. Hướng dẫn cách phòng ngừa cúm

Thông thường bệnh cúm không quá nguy hiểm, nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng xoang, viêm tim, viêm não, suy đa cơ quan,… Ngoài ra, cúm ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh nên cần có những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ bản thân, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Tăng cường sức đề kháng

Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng như cảm cúm.

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, mọi người nên tăng cường hệ miễn dịch qua chế độ ăn uống và luyện tập như:

- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất như trái cây, rau củ, rau xanh, thịt,…

- Tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập như chạy bộ, yoga, đạp xe,… Tuy nhiên, các bạn nên tập từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày, tùy vào thể trạng sức khoẻ, không nên tập quá sức vì có thể gây suy nhược, ốm yếu.

Những điều cần làm khi bạn phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm - Ảnh 4.

Nhiều chuyên gia khuyến khích mọi người nên tiêm phòng để ngăn ngừa bị bệnh cúm (Ảnh: Internet)

Vệ sinh sạch sẽ

Cảm cúm thường lây qua giọt bắn hoặc khi tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus. Vì vậy, các bạn nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không cho tay lên mắt, mũi, miệng.

Môi trường sống luôn được sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên. Giữ cho nhà cửa thông thoáng, tránh để ẩm mốc tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm phát triển.

Tiêm vaccine cúm mùa

Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo mọi người nên tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa cúm. Hơn nữa, người mắc bệnh cúm đã tiêm phòng sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc cần nhập viện thấp hơn. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu tiêm chủng.

Kết luận lại, khi thấy cơ thể bắt đầu có các triệu chứng của bệnh cúm như ho, hắt xì, đau đầu, mệt mỏi, sốt,... các bạn nên hạn chế tiếp xúc với mọi người, chăm sóc bản thân tốt hơn, dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định để quá trình hồi phục nhanh chóng và an toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm