Những đứa trẻ cô đơn khi vào lớp 1

24/08/2017 - 07:20
Trong mắt bạn bè cùng lớp, chúng là “bác học” nhưng bản thân những “bác học” này vô cùng cô đơn suốt 5 ngày mỗi tuần trước những giờ học mà chúng đều biết cả rồi.
hs-lop-1.jpg
Trẻ không hứng thú học khi biết kiến thức trước. Ảnh minh họa

Dù tháng 9 mới chính thức bước vào lớp 1 nhưng bé Bin (con chị Nguyễn Thu Hoài, Thanh Nhàn, Hà Nội) đã hoàn toàn có thể “tốt nghiệp” lớp 1 khi đọc thông, viết thạo, làm toán “nhoay nhoáy” trong phạm vi 100.
Những ngày này, tham gia CLB trông hè của trường tiểu học, bé Bin cảm thấy chán ngắt vì “giờ cả lớp mới học viết các nét”. Còn Bin được mẹ dạy học từ sớm nên bé đã đọc truyện vanh vách hoặc viết theo những lời mẹ đọc. Bin học toán Ucmas từ lúc hơn 4 tuổi nên những phép cộng trừ trong phạm vi 100, bé trả lời nhoay nhoáy, thậm chí không cần đặt phép tính.

Trong khi các bạn ở lớp mới đang ở giai đoạn làm quen với các con số thì Bin đã hoàn thành xong cuốn sách Bộ đề thi Violympic Toán lớp 1 gồm mười mấy chương. Chẳng những vậy, tiếng Anh của em cũng được mẹ “đầu tư” từ rất sớm và hiện tại em có thể đọc những quyển truyện tiếng Anh dành cho thiếu nhi.

Chị Thu Hoài quan niệm, sẽ tự dạy học cho con theo cách của mình. Việc con đến trường chủ yếu là để có thêm bạn, được vui chơi. Thế nên, trong khi rất nhiều chuyên gia giáo dục phản đối việc dạy chữ sớm cho con thì chị cứ đi theo cách riêng của mình. “Việc con học trước kiến thức khiến tôi không cần phải quan tâm cô sẽ dạy như thế nào ở trường. Thế nên, dù con vào lớp 1, tôi không phải lo chọn cô cho con”, chị Thu Hoài bộc bạch.

lop-1.jpg
Tâm lý của trẻ chỉ luôn hào hứng, tò mò với những cái mới. 

Cũng giống trường hợp bé Bin, năm ngoái, khi bước vào lớp 1, bé Mai Anh (Minh Khai, Hà Nội) đã có những ngày đi học buồn chán, thậm chí không khác gì “tra tấn” cũng chỉ vì đã biết hết kiến thức, trở thành “bác học” so với các bạn trong lớp.

Những ngày đi học với Mai Anh không còn sự háo hức, thay vào đó là sự buồn bã khi cả ngày chỉ “ngồi không”, buồn ngủ, ngáp… Khi các bạn nghe giảng thì bé chẳng biết làm gì. Đặc biệt, ngày thứ hai đầu tuần với bé không khác gì tra tấn, bé phải vật vã trải qua 5 ngày đi học cực kỳ tẻ nhạt vì cô dạy toàn những kiến thức bé đã biết từ lâu.

Theo TS. giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐHSP Hà Nội), với những học sinh biết trước kiến thức, các em mất hết hứng thú khi cô nghe cô dạy lại. Tâm lý của trẻ chỉ luôn hào hứng, tò mò với những cái mới. Chính vì vậy, việc cho con học chữ trước là không cần thiết, thậm chí không tốt cho học sinh. Bởi con học giỏi ngay từ đầu sẽ chủ quan, coi thường việc học, chán học vì thấy mọi thứ quá dễ dàng. 

Để con đi từ từ, từ chỗ học hành chậm chạp, viết bẩn, lem luốc, đến chỗ tự bé tiến bộ dần dần, chắc chắn sẽ là bước đi hợp lý. Khi bé tự đi trên đôi chân của mình, không có sự giục giã, ép buộc của cha mẹ, bé sẽ ý thức tốt hơn về trách nhiệm của bản thân.

"Trẻ cần có 6 năm đầu đời được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn trẻ sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương nhận định. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm