Những đứa trẻ thoát khỏi lồng sắt và câu chuyện có hậu về tình người

Tiểu Di
02/04/2024 - 10:17
Những đứa trẻ thoát khỏi lồng sắt và câu chuyện có hậu về tình người

Hai cháu bé đã được đến lớp. Ảnh: VOV

Ngày 1/4 thông tin từ phía lãnh đạo UBND phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, Nhóm trẻ- Lớp mẫu giáo Hương Sen Hồng (ở khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) đã nhận 2 con của người cha đánh con trong lồng sắt vào học.

Thời gian đầu, chủ nhóm trẻ Hương Sen Hồng miễn phí tiền học, tiền ăn cho 2 bé. Về sau, UBND phường sẽ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền nhanh chóng một clip về người cha dùng tay đánh con mình trong một chiếc lồng sắt đặt trên xe ba gác.

Cơ quan chức năng xác minh người đàn ông là Hoàng Nam (45 tuổi, quê Thừa Thiên Huế). Theo chính quyền phường Thuận Giao, vợ ông Nam bỏ đi được 2 năm. Một mình ông bán vé số dạo nuôi 3 đứa con là Bảo, Long và Hoàng Phi Hùng (2 tuổi). Hằng ngày, ông chở 3 đứa con đi bán vé số bằng chiếc xe ba gác, phía sau có khung sắt bao quanh và mái che. Cuộc sống quá khó khăn nên ông không có khả năng lo cho các cháu ăn học.

Những đứa trẻ thoát khỏi lồng sắt và câu chuyện có hậu về tình người- Ảnh 1.

Người cha trong lúc nóng giận đã đánh con mình

Trong lúc con hiếu động, ông Nam đã dùng tay đánh con mình. Sự việc được người dân ghi hình bằng điện thoại và công khai trên mạng xã hội.

Vẫn là đặc thù của mạng xã hội, nên đã có vô vàn những lời bình luận bày tỏ cảm xúc và phần lớn trong số đó lên án hành vi của người cha. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành giám định thương tích của cháu bé trên cơ sở đó có hình thức xử lý với người cha.

Đương nhiên hành vi bạo hành trẻ là trái pháp luật ở bất kỳ mức độ nào và đáng bị lên án xử lý dù ở mức độ nhẹ nhất là xử phạt vi phạm hành chính.

Với cộng đồng mạng và dư luận nói chung, việc bày tỏ cảm xúc phẫn nộ bất bình với hành vi sai phạm của người cha là cần thiết, đó là biểu lộ sự bất bình với hành vi sai trái. Nhưng như vậy cõ lẽ là chưa đủ?

Để mở máy tính hay điện thoại viết một dòng bình luận là điều vô cùng đơn giản và bất cứ ai cũng có thể làm được. Nhưng cũng thật dễ dàng để đưa ra những lời phán xét thậm chí là lên án, kỳ thị.

Xét trên một phương diện nào đó, mỗi cá nhân đều có một phần trách nhiệm với những điều dù là hay là dở ở xã hội mà họ đang sống. Lên tiếng từ thời điểm sớm hơn, chung tay trong những phong trào xã hội, làm tốt hơn nữa công việc của chính mình, đóng góp ở mức có thể với cộng đồng... là những điều bất cứ ai cũng có thể làm. Thậm chí đơn giản hơn nữa là viết những dòng bình luận góp ý phê phán một cách có trách nhiệm cũng là một cách đóng góp phần mình cho xã hội.

Chúng ta đang có những phong trào nhân văn từ những tổ chức chính trị xã hội những hội nhóm tự nguyện tất cả cùng hướng đến mục tiêu: không ai bị bỏ lại phía sau.

Thực tế một những bức ảnh người cha hay người mẹ trên một chiếc xe máy chở theo một thùng chuyên dụng đựng hàng và trong thùng đó là đứa con nhỏ đang say ngủ từng lay động cảm xúc của hàng ngàn người thậm chí nhiều hơn thế.

Đó là những người cha người mẹ vất vả với miếng cơm manh áo và chắc chắn họ cũng không có "chỗ dựa" một nơi gửi con đủ tốt để rồi họ phải đem theo con mình rong ruổi mưu sinh.

Ở câu chuyện này, gánh nặng của người cha, không phải chỉ một đứa trẻ mà là có tới 3, chắc chắn để thu xếp cuộc sống cho 4 cha con không hề đơn giản nhất là khi những đứa con anh còn quá nhỏ. Những căng thẳng, nhọc nhằn cả về thể chất, tinh thần đã đè nặng lên đôi vai người cha không chỉ một ngày hai ngày mà phải tính bằng tháng, bằng năm.

Nỗi lo của người cha không chỉ đơn thuần là chuyện cơm áo, mà việc chăm sóc 3 con đang ở lứa tuổi quá nhỏ chắc chắn cũng rất vất vả căng thẳng mệt mỏi. Ở mức độ nào đó, khi người vợ ra đi bỏ lại 3 đứa con nhỏ, người chồng chấp nhận vất vả để nuôi dưỡng con mình, một việc làm của một người cha có trách nhiệm.

Và khi đã căng thẳng người ta dễ có phản ứng tiêu cực trút những cảm xúc tiêu cực bực dọc thành hành vi tiêu cực lên chính những đối tượng mà thường ngày họ thương yêu chăm sóc nhiều nhất.

Phê phán cái sai là cần thiết, nhưng con người cũng rất khó có thể phục thiện chỉ nhờ vào những lời lên án thậm chí mạt sát. Họ cần nhiều hơn thế, cần tình yêu thương, sẻ chia từ chính cộng đồng.

Xã hội vẫn còn những điều tốt đẹp. Sau cơn "sục sôi" của mạng xã hội, đã có những hành động đẹp, thiết thực từ những người đứng đầu Nhóm trẻ-Lớp mẫu giáo Hương Sen Hồng. Và chắc chắn điều tử tế sẽ tiếp tục lan tỏa, người cha đơn thân được san sẻ gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần và quan trọng hơn những đứa trẻ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Những đứa trẻ đã thoát khỏi cái lồng sắt để được đến lớp với các bạn cùng trang lứa, người cha thoát khỏi "cái lồng" của những khó khăn bủa vây, những người đã nặng lời với người cha có lẽ cũng nhận ra mỗi người cần sẻ chia nhiều hơn thay vì lên án, chỉ trích.

Câu chuyện có hậu cho 4 cha con và cho cả cộng đồng mạng và xã hội...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm