pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những gia đình rời Anh để theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số
Ảnh minh họa
Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến, ngày càng nhiều gia đình ở Anh đang theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số. Họ rời đất nước của mình để đến những nơi có chất lượng cuộc sống, trường học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng cách xin visa du mục kỹ thuật số. Với khả năng làm việc từ xa, họ có thể tiếp tục kiếm thu nhập từ công việc tại Anh trong khi sống ở những quốc gia có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Nghiên cứu từ nền tảng Jobbatical cho thấy 55% người lao động Anh, đặc biệt là những người từ 18 đến 34 tuổi, muốn làm việc ở một quốc gia khác. Theo một nghiên cứu của MBO Partners năm 2023, 24% dân du mục kỹ thuật số ở Mỹ (chiếm khoảng 35% dân du mục toàn cầu) đi du lịch cùng trẻ em.
TS. Kaisu Koskela, nhà nghiên cứu tại Trường Quản lý Nijmegen (Hà Lan), nói: "Mọi người đang ngày càng chán nản với lối sống ít vận động". Ngoài ra, bà cũng lưu ý rằng các chương trình visa du mục kỹ thuật số mới giúp các gia đình dễ dàng chuyển đến sống ở một quốc gia khác.
Gia đình du mục kỹ thuật số là sự tiếp nối tự nhiên của phong trào này – mọi người gặp gỡ, yêu nhau, lập gia đình và tiếp tục lối sống du mục của họ. Công việc không còn là lý do cho lối sống ít vận động và đối với nhiều người, có con cũng vậy.
TS. Kaisu Koskela
Cuộc sống phải chăng ở Tây Ban Nha
Năm 2016, Emma Joy Obanye và chồng Irene có 4 tháng làm việc ở Chiang Mai, Thái Lan - nơi họ tận hưởng cuộc sống với chi phí sinh hoạt thấp, cộng đồng doanh nhân năng động và thời tiết dễ chịu. Khi trở về Anh, cặp đôi thấy nơi này kém hấp dẫn hơn vì chi phí mua nhà ở London rất đắt đỏ và Irene, một người Tây Ban Nha, cảm thấy không được chào đón sau Brexit.
Obanye và Irene nhận ra rằng với chính sách làm việc từ xa linh hoạt, họ có thể duy trì thói quen và thu nhập của mình trong khi có thể chuyển ra khỏi Anh mà không gặp nhiều trở ngại. Irene làm việc trong lĩnh vực sản xuất âm thanh, còn Obanye là giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ doanh nhân.
Tây Ban Nha là lựa chọn hàng đầu của cặp đôi, và trong vòng 1 tuần sau khi quyết định chuyển đi, họ đã thuê một căn hộ ở Barcelona. Sau khi tìm được chỗ ở, cặp đôi suy nghĩ đến việc có con. Ban đầu định chọn thăm khám ở bệnh viện tư, nhưng cuối cùng họ đã chọn hệ thống y tế công và rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc, mô tả nó như "khách sạn".
Hiện tại, hai vợ chồng đã sở hữu một căn hộ ở trung tâm thành phố với khoản thế chấp hàng tháng là 600 euro. Chi phí nhà trẻ tư cho hai cậu con trai sinh đôi chỉ tốn 850 bảng Anh mỗi tháng, rẻ hơn mức trung bình 990 bảng ở Anh. Họ cũng có đủ khả năng thuê thêm bảo mẫu bán thời gian và người giúp việc nhà.
Ở Tây Ban Nha, người phối ngẫu phụ thuộc được cấp giấy phép lao động (văn bản cho phép người nước ngoài làm việc hợp pháp tại một quốc gia) và trẻ em có thể đăng ký vào trường học địa phương, giúp gia đình dễ dàng bắt đầu cuộc sống mới.
Thỉnh thoảng, Obanye, người đã sống ở Barcelona được 5 năm, nghĩ đến việc quay trở lại Anh, nhất là khi thấy các con trai lớn lên mà không có gia đình cô bên cạnh. Cô đã suy tính xem làm thế nào để gia đình có thể chi trả cho cùng một lối sống mà không phải hy sinh quá nhiều.
"Từ việc đi lại xa đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng kém, chất lượng cuộc sống của chúng tôi sẽ tệ hơn rất nhiều nếu chúng tôi trở lại Anh", Obanye nói. Cô đánh giá cao cộng đồng du mục kỹ thuật số hỗ trợ ở Barcelona và sẵn lòng đóng thuế cao hơn để có cơ sở vật chất và dịch vụ tốt hơn.
Lối sống gần gũi với thiên nhiên ở Bồ Đào Nha
Trải nghiệm tồi tệ với dịch vụ công của Anh, đặc biệt là Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), khiến Mike Cave, vợ Frances và con trai 8 tuổi chuyển từ London đến Lisbon, Bồ Đào Nha, vào năm 2022. Gia đình Mike chọn sống ở Oeiras vì lối sống ngoài trời thoải mái, được gần gũi với thiên nhiên và nhận thấy quyết định của họ rất đúng đắn.
Trong khi công việc của Mike và Frances gần như không thay đổi – Mike làm việc từ xa trong vai trò giám đốc của một công ty tiền điện tử và Frances quản lý các nhóm nhạc – thì cuộc sống thường ngày của con trai họ, người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và tự kỷ, có sự thay đổi rõ rệt nhất.
Ở Anh, con trai họ chật vật trong các lớp học đông học sinh với sự hỗ trợ hạn chế và cảm giác bị cô lập. Nhưng bây giờ, trong lớp học chỉ khoảng 7 học sinh tại một trường tư thục ở Bồ Đào Nha, cậu bé nhận được sự quan tâm nhiều hơn và đang phát triển tốt.
Một ngôi trường tương đương ở London vượt quá ngân sách của gia đình. Mặc dù ban đầu họ định cho con học trường quốc tế, nhưng học phí đã tăng đáng kể vào thời điểm họ chuyển đến Bồ Đào Nha. Mike coi đây là điều may mắn vì trường Bồ Đào Nha của con trai cung cấp chương trình học tiếng Bồ Đào Nha toàn diện, không giống như các trường quốc tế dạy bằng tiếng Anh.
Cuộc sống của chúng tôi ở Oeiras có nhiều điều rất tuyệt: chúng tôi được chăm sóc y tế tốt thông qua bảo hiểm tư nhân, có nhiều mức thuế ưu đãi hơn đối với tài sản tiền mã hóa và cộng đồng có cùng chí hướng, và tất nhiên còn có thời tiết tuyệt nữa.
Mike Cave
Tuy nhiên, việc xin visa D7 ở Bồ Đào Nha, dành cho những người có thu nhập thụ động, diễn ra khá lâu. Tình trạng visa chưa được giải quyết khiến gia đình không thể đi đến các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều gia đình khác cũng gặp tình trạng chậm trễ tương tự, không có mốc thời gian giải quyết rõ ràng. Tin vui là gia đình Mike cuối cùng cũng được gọi phỏng vấn và họ hy vọng sẽ sớm nhận được các giấy tờ cần thiết.
"Sau khi trải qua tất cả những khó khăn đó, chúng tôi sẽ được nhiều lợi ích. Chúng tôi sẽ ở lại Bồ Đào Nha cho đến khi có hộ chiếu châu Âu, tức là khoảng 6 năm", Mike chia sẻ.
Chi phí sinh hoạt phù hợp ở Malaysia
Để tránh gặp phải tình trạng như gia đình Mike, các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng cắt giảm thủ tục rườm rà và triển khai visa làm việc từ xa (thường được gọi là visa du mục kỹ thuật số).
Loại visa này được thiết kế để thu hút những lao động trí thức có thể làm việc từ xa, thường đi kèm với chương trình hấp dẫn: trang web đẹp mắt, thường bằng tiếng Anh, cùng với thông tin chi tiết về việc di chuyển đến và làm việc từ xa tại quốc gia đó, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nhà ở và mạng lưới cộng đồng.
Cách tiếp cận này tương tự như các sáng kiến visa khởi nghiệp, cũng chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu và trải nghiệm thân thiện với người dùng. Hiện nay, có hơn 60 chương trình cấp visa du mục kỹ thuật số, với chương trình mới nhất được Ý triển khai vào tháng 4 và Thái Lan vào tháng 5.
Một trong những người hưởng lợi từ chương trình visa du mục kỹ thuật số của Malaysia là Sarah Tate, người đã chuyển từ Leeds, Anh, đến Kuala Lumpur cùng chồng và cặp song sinh 4 tuổi vào năm 2012. Công việc đã đưa họ đến Malaysia, và họ dự định chỉ ở lại quốc gia này trong 2 năm.
"Tôi lớn lên cùng một người dì Malaysia, người đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về việc đi bộ qua rừng rậm để đến trường và về những con khỉ vào nhà để trộm thức ăn, vì vậy tôi đã tưởng rằng chúng tôi sẽ sống trong rừng. Sau đó, tôi đến đây và thấy nơi này giống như Paris vậy", Tate nói.
Bên cạnh những thành phố quốc tế nhộn nhịp, cộng đồng đa văn hóa yên bình, nền ẩm thực tuyệt vời, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi và môi trường an toàn hơn để nuôi dạy con cái tuổi thiếu niên, Tate đặc biệt cảm kích về mức thuế thấp và chi phí sinh hoạt phải chăng.
Trước đây, cả hai chúng tôi đều có công việc tốt, nhưng cuối tháng lại không đủ tiền chi tiêu, phải xoay xở với thẻ tín dụng và thế chấp, và không bao giờ đi du lịch nước ngoài", cô nói. "Bây giờ chúng tôi sống trong một ngôi nhà ở khu Kensington tại Kuala Lumpur, và tiền thuê nhà của chúng tôi rẻ hơn tiền thế chấp ở Leeds năm 2012.
Sarah Tate
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Vào mùa hè năm 2023, một thay đổi trong sự nghiệp của chồng Tate đã khiến anh phải chuyển về Anh, trong khi cô ở lại Malaysia với hai đứa con 16 tuổi của họ. Ban đầu, họ dự định đoàn tụ ở Anh sau khi sắp xếp ổn thỏa chuyện nhà cửa và xe cộ.
Nếu tôi có thể chuyển đến nơi khác trên thế giới với hai đứa trẻ bốn tuổi, từ bỏ nhà cửa và xe hơi nhưng vẫn giữ được công việc của mình, tôi có thể làm bất cứ điều gì", cô nói.
Sarah Tate
Nhưng cuộc sống ở Anh quá đắt đỏ. Dù cả hai vợ chồng cô đều có mức lương tốt, bao nhiêu đó cũng không đủ với mức sống hiện tại của họ. Ngạc nhiên trước cuộc sống tồi tệ hơn nhiều ở quê nhà, họ quyết định ở lại Kuala Lumpur. Visa du mục kỹ thuật số của Sarah cho phép cô tiếp tục công việc phát triển kinh doanh giáo dục và đưa chồng cô vào danh sách người phụ thuộc.
Khi visa hết hạn vào tháng 3/2026, có lẽ họ sẽ yêu cầu gia hạn hoặc tìm một chương trình tương tự khác ở nơi khác tại châu Á. Cô khuyến khích bất kỳ ai làm việc từ xa hãy cân nhắc chương trình visa du mục kỹ thuật số, đồng thời lưu ý rằng nước Anh không phải là nơi lý tưởng để sống. "Dù cũng muốn con mình có cơi hội trải nghiệm cuộc sống ở Anh nhưng tôi thấy khó có thể quay lại cuộc sống cũ", Tate nói.