Gánh nặng gia đình của "thế hệ bánh mì kẹp"

Kim Ngọc
06/07/2024 - 09:08
Gánh nặng gia đình của "thế hệ bánh mì kẹp"

Ảnh minh họa

Được gọi là "thế hệ bánh mì kẹp", họ không chỉ chăm sóc cha mẹ già mà còn phải nuôi dạy cháu.

Điều đầu tiên Ann Jeffrey (ở Anh) làm mỗi buổi sáng là kiểm tra xem mẹ cô còn thở không. Mẹ của Jeffrey năm nay 84 tuổi, bà được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ vào năm 2016. 

Jeffrey đã phải giảm giờ làm việc để có thời gian chăm sóc mẹ nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cô chuyển đến sống cùng mẹ và trở thành người chăm sóc toàn thời gian. Hai tháng sau, cô thông báo với cấp trên không thể trở lại công ty làm việc. 

Hiện tại, Jeffrey ở nhà chăm sóc mẹ mỗi ngày. Mẹ cô bị liệt nửa dưới cơ thể và chỉ ăn được thức ăn xay nhuyễn.

Tình cảnh của Jeffrey đang dần trở nên điển hình ở Anh. Khi dân số của đất nước già đi, ngày càng nhiều người đảm nhận công việc chăm sóc người thân của mình. Trách nhiệm này chủ yếu đặt lên vai những người trên 50 tuổi. 

Được gọi là "thế hệ bánh mì kẹp", họ không chỉ chăm sóc cha mẹ già mà còn phải nuôi dạy cháu. Ước tính, hơn 6 triệu người trong lực lượng lao động ở Anh, tương đương cứ 5 người thì có 1 người, phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc kép này.

Tại Mỹ, hiện có gần 80 triệu gia đình đang đồng thời chăm sóc trẻ em và cha mẹ già, chiếm khoảng 25% dân số. Ước tính, đến năm 2030, mỗi ngày sẽ có khoảng 10.000 người Mỹ bước sang tuổi 65. Gia đình Lisa Ling, cộng tác viên của đài CBS News, là một phần của "thế hệ bánh mì kẹp". 

Gánh nặng  của “thế hệ bánh mì kẹp”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mỗi sáng, Paul, chồng của Ling, thường giúp hai cô con gái chuẩn bị đi học. Có hôm anh phải hỗ trợ đưa người mẹ 92 tuổi của mình đến phòng khám. Ling mô tả buổi sáng của vợ chồng cô rất bận rộn, khi vừa phải lo cho con nhỏ vừa giúp mẹ già.

Trách nhiệm chăm sóc lớn

Tại Mỹ, ước tính có khoảng 53 triệu người chăm sóc không được trả lương. Như Ty Lewis, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ rằng, mẹ cô, bà Gertrude, cần được chăm sóc. Trách nhiệm này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức trong khi Lewis và chồng còn phải nuôi dạy hai con. "Mẹ tôi cần được chăm sóc 24/24 giờ, bà ấy không thể ở một mình", cô nói.

Trong trường hợp của Lauren Shin, kể từ khi cha mẹ chuyển đến sống với cô vào năm 2017, Shin nhận thấy sức khỏe của mẹ ngày một yếu. Được bác sĩ chẩn đoán mắc Alzheimer, ban đầu, bà cụ vẫn có thể kiểm soát được hành vi của mình nhưng dần trở nên mất kiểm soát hành vi. 

Cha của Shin là người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, bón cơm và nói chuyện với vợ. Shin nói: "Không có khoảnh khắc nào cha không ở bên cạnh mẹ".

Gánh nặng  của “thế hệ bánh mì kẹp”- Ảnh 2.

Tranh minh họa

Ở Anh, phân tích mới của Viện Nghiên cứu Việc làm (IES) cho thấy, tình trạng gia tăng số người trung niên không tham gia thị trường lao động phần lớn là do họ phải đảm đương nhiều trách nhiệm chăm sóc. 

Theo khảo sát Nguồn lực Gia đình của Bộ Lao động và Lương hưu (DWP) nước này, số lượng người chăm sóc không chính thức đã tăng 700.000 người kể từ đại dịch Covid-19, đạt 5,2 triệu người trong giai đoạn 2022 - 2023. 

Theo phân tích, kể từ khi có đại dịch Covid-19, đa số người từ 55 đến 64 tuổi ở Anh đã trở thành người chăm sóc không được trả lương và hiện họ thực hiện công việc này ít nhất 35 giờ một tuần.

Alice Martin, người đứng đầu nghiên cứu tại Quỹ Lao động của Đại học Lancaster (Anh), cho biết: "Dân số đang già đi và người già đang trải qua nhiều năm bệnh tật, đặt ra nhu cầu được chăm sóc rất lớn. Đó là yếu tố thực sự sẽ đẩy mọi người, thường là phụ nữ, rời khỏi công việc được trả lương".

Gánh nặng tài chính

Đối với Jeffrey, việc tìm người thay cô chăm sóc mẹ một ngày để cô đi dự đám tang người thân là điều vô cùng khó khăn. Dịch vụ chăm sóc tạm thời tại viện dưỡng lão gần như không có. Lựa chọn duy nhất là đặt thời gian lưu trú tối thiểu một tuần tại cơ sở chăm sóc với chi phí là 1.500 bảng Anh (tương đương hơn 48,5 triệu đồng).

Để chăm sóc mẹ, gia đình Lewis đã phải chi một khoản tiền không nhỏ. Medicare, chương trình bảo hiểm y tế liên bang chủ yếu dành cho người trên 65 tuổi, không chi trả dịch vụ chăm sóc dài hạn nên những gia đình như Lewis phải tự chi trả. Mẹ của Lewis là giáo viên nhưng lương hưu và trợ cấp xã hội không đủ để trang trải chi phí. 

Tính riêng năm ngoái, chi phí chăm sóc mẹ cô đã lên tới 90.000 USD (tương đương gần 2,23 tỷ đồng), trong đó chỉ có 66.000 USD (gần 1,68 tỷ đồng) là tiền lương hưu của bà, gia đình Lewis phải thanh toán phần còn lại. Lewis nói: "Tôi làm nhiều công việc một lúc: chạy Uber, đi dạy học 2 ngày một tuần. Tôi phải làm thêm công việc bán thời gian để kiếm tiền".

Căng thẳng tài chính ngày càng phổ biến, với một nửa số người Mỹ trưởng thành không chắc chắn họ có đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc cha mẹ già hay không. Trung bình, chi phí chăm sóc tại nhà ở Mỹ là 61.000 USD/năm (tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng/năm) trong khi chi phí để ở phòng riêng tại viện dưỡng lão gần gấp đôi.

Đầu năm nay, Jeffrey bị viêm họng, mũi và tai mà nguyên nhân là do căng thẳng. Trong khi Jeffrey đang cố gắng bỏ thuốc lá, bác sĩ khuyên cô không nên làm vậy vì sẽ khiến căng thẳng tăng thêm.

Emily Holzhausen, Giám đốc Chính sách và các vấn đề công tại Carers UK, cho biết, trách nhiệm chăm sóc đi liền với tình trạng sức khỏe của người chăm sóc cũng giảm sút. Theo Carers UK, hơn 3/4 số người chăm sóc (79%) cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng. 

Gần một nửa (49%) cảm thấy chán nản, trong khi 54% cho biết sức khỏe thể chất của họ bị ảnh hưởng. Hơn 1/5 (22%) số người bị thương khi chăm sóc người thân.

Lựa chọn nào cho tương lai?

Gia đình Shin quyết định chuyển mẹ đến một cơ sở chăm sóc ở Anaheim (bang California, Mỹ), nơi có nhiều cư dân là người Mỹ gốc Hàn như mẹ cô. Mặc dù những tháng đầu khá khó khăn nhưng cuối cùng, mẹ Shin cũng thích nghi và có bạn mới.

Bất chấp những thách thức phải đối mặt, Lewis vẫn tận tâm chăm sóc mẹ. Khi được hỏi, liệu có chọn con đường khác không, cô khẳng định không thay đổi quyết định. Lewis suy ngẫm về giấc mơ của mình - làm việc chăm chỉ để tận hưởng cuộc sống nghỉ hưu thoải mái - nhưng thực tế không diễn ra như vậy. 

Một tin vui đến với gia đình Lewis vào tháng 2/2024 là mẹ cô đã đủ điều kiện tham gia Dịch vụ Hỗ trợ Tại nhà, một chương trình hỗ trợ y tế của bang California. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2024, Lewis vẫn chưa biết mẹ mình sẽ nhận được bao nhiêu giờ chăm sóc hoặc khi nào hỗ trợ sẽ bắt đầu.

Về phần Jeffrey, cô biết mình phải quay lại làm việc vì chưa có kế hoạch nghỉ hưu phù hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không tham gia lực lượng lao động, Jeffrey thấy mất kết nối và nghĩ rằng mình không phù hợp với công việc văn phòng, đặc biệt là khi cô khá "mù" công nghệ. 

Jeffrey hy vọng mình sẽ tìm được công việc trong ngành chăm sóc sức khỏe. "Tôi nghĩ khi tôi chăm sóc người khác, tôi sẽ không căng thẳng như khi chăm sóc mẹ vì chúng tôi không có ràng buộc tình cảm. Tôi nghĩ tôi có thể giúp đỡ người khác trong những ngày cuối đời của họ", người phụ nữ này cho biết.

Nguồn: Telegraph, CBS News
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm