'Những giấc mơ lóng lánh' khắc họa câu chuyện gia đình - sự nghiệp của nữ nghệ sĩ

13/05/2018 - 18:10
Vở "Những giấc mơ lóng lánh" của đạo diễn Thái Kim Tùng vừa được diễn ở sân khấu 5B (TPHCM), nói về khó khăn trong sự chọn lựa giữa tình yêu nghề và gia đình. Vở kịch cũng chính thức mở ra một hướng đi thể nghiệm hoàn toàn mới lạ, độc đáo khi mà ranh giới giữa nghệ sĩ biểu diễn và khán giả đã chính thức được xóa bỏ.
Đây là vở diễn đầu tiên được dàn dựng theo phong cách thể nghiệp hoàn toàn mới: sàn diễn được bố trí cố định ở trung tâm và nhứng góc cố định của khán phòng, khán giả được xếp ngồi xung quanh; xuyên suốt buổi diễn sẽ không có sự thay đổi phông màn cho các lời diễn vì mỗi diễn viên đều có một góc diễn cố định của riêng mình... Vở diễn "Những giấc mơ lóng lánh" của đạo diễn Thái Kim Tùng đã có buổi công diễn thành công mỹ mãn. 
nhung-giac-mo-long-lanh-2.JPG
Sân khấu được bố trí mới lạ, khán giả có thể ngồi bốn phía theo dõi diễn tiến vở kịch. Ảnh: Mễ Thuận

Những ai đã quen với mô hình hoạt động của sân khấu cà phê kịch Ví Dầu của Thái Kim Tùng, sẽ có thể hình dung được phong cách dàn dựng vở diễn "Những giấc mơ lóng lánh". Đây là phiên bản hoàn hảo hơn khi không gian quy mô, thời lượng của vở kịch đều được mở rộng. Có thể nói, việc theo đuổi mô hình cà phê kịch cùng Ví Dầu trong suốt 6 năm qua chính là những trải nghiệm, tiền đề giúp Thái Kim Tùng đạt được thành công khi bắt tay vào dàn dựng vở kịch này.

Clip một số trích đoạn trong vở diễn:

Nói thêm về mô hình sân khấu thể nghiệm này của mình, Thái Kim Tùng cho biết anh đang theo đuổi nguyên bản từ một trong những người sáng lập là Bernard da Costa, nghĩa là giảm thiểu yếu tố trình diễn trong các vở kịch. "Khác với các sân khấu lớn, điểm thú vị của mô hình này là xóa bỏ ranh giới giữa khán giả và diễn viên, người xem như đang chứng kiến một câu chuyện ở bên cạnh nhà, hay đang dạo phố bất chợt thấy chuyện bất bình… Khán giả sẽ thấy thú vị khi tồn tại một thế giới khác (thế giới của vở kịch) ngay sát bên cạnh mình và đôi khi hòa vào hồi nào không biết", Thái Kim Tùng chia sẻ.
nhung-giac-mo-long-lanh-3.JPG
Một cảnh trong vở diễn "Những giấc mơ lóng lánh"

Thái Kim Tùng cũng cho biết thêm những khó khăn về việc dàn dựng ở thể loại này: "Bước đầu cần phải chọn lựa chất liệu kịch bản kỹ càng, câu chuyện vừa vặn với không gian và đủ sâu sắc trong thời lượng 100 phút. Cách bày trí phòng diễn thay đổi theo vở diễn, không sân khấu cố định mà câu chuyện kịch được diễn viên kể từ khắp nơi trong khán phòng, khán giả không thụ động xem kịch mà phải chủ động dõi theo, cũng như ở ngoài đời, ta đang ngồi ăn sáng và chợt nghe âm thanh bất thường ngoài đường thì phải choàng mình ra mới theo dõi được".

nhung-giac-mo-long-lanh-14.JPG
NSƯT Mỹ Uyên (trái) và Tuyết Thu vướng mối tình tay ba trong vở kịch

Với các khán giả theo dõi vở kịch "Những giấc mơ lóng lánh" thì họ đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi tính chân thực, gần gũi, thậm chí được tương tác trực tiếp với các diễn viên trong một vài tình huống kịch. Ví dụ khán giả đã có thể trả lời khi diễn viên dành cho họ những câu hỏi tham khảo ý kiến, hay như việc khán giả được nhận kẹo kéo từ nhân vật là anh chàng bán kẹo kéo, hoặc việc khán giả vui vẻ dịch chuyển chỗ ngồi khi diễn viên cần không gian mới cho vở diễn... Tất cả những tương tác này đã khiến khán giả cảm giác được hòa mình vào câu chuyện đang diễn tiến. 

nhung-giac-mo-long-lanh-10.JPG
Nam diễn viên trẻ Huỳnh Tấn Phát cùng NSƯT Tuyết Thu vào vai hai mẹ con với nhiều mâu thuẫn không thể giảng hòa 

"Những giấc mơ lóng lánh" của tác giả Tùng Phi, đạo diễn Thái Kim Tùng, là kịch bản được viết và dựng mới đầu tiên của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B kể từ khi chính thức hoạt động trở lại vào đầu tháng 4. Vở kịch kể về giấc mộng sân khấu bị chôn vùi của một người phụ nữ sau những đau đớn khi bị người tình, cũng là bạn diễn bội bạc khi cô đang mang thai đứa con trai. Rời bỏ ánh đèn sân khấu, cô sống ẩn mình với thân phận một người thợ may ở một khu phố nhỏ.

Khi con trai lớn lên lại ôm giấc mộng làm nghệ sĩ. Với nỗi ám ảnh trong quá khứ, người mẹ và con trai không thể tìm được tiếng nói chung, bi kịch, nỗi đau cũng từ đó nảy sinh, khơi lại trong lòng người mẹ. Nhưng chính những con người tứ xứ, sống bằng đủ thứ nghề nghiệp bình dân (bán kẹo kéo, hớt tóc, đấm bóp giác hơi, bán quán nhậu...) nhưng sống có nghĩa tình của cái khu phố "đặc sản Sài Gòn" đó đã ít nhiều góp tay giúp 2 mẹ con hàn gắn, giúp giấc mộng sân khấu của cả mẹ và con họ được hồi sinh, tỏa sáng.

nhung-giac-mo-long-lanh-8.JPG
Nghệ sĩ Công Ninh cùng các diễn viên tham gia vở diễn
nhung-giac-mo-long-lanh-16.JPG
Giám đốc Nhá hát sân khấu nhỏ 5B Mỹ Uyên xúc động phát biểu khi khi vở diễn kết thúc

Vở có sự tham gia của NSƯT Công Ninh, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Tuyết Thu, Trung Dũng, Huỳnh Tấn Phát, Tuyền Mập, Quốc Định... Suất diễn tiếp theo sẽ vào lúc 20h tối 20/5.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm