pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân Ngày của Cha 20/6: Những hình bóng yêu thương
Ảnh minh họa
1. Cha tôi là người trầm lặng, khá kiệm lời. Đã thế cha là bộ đội, vắng nhà triền miên. Khi chị gái, anh trai rồi tôi chào đời, cha đều không có mặt. Mỗi dịp cha về, đó luôn là thời điểm không dễ chịu. Cha không gần gũi, hỏi han chúng tôi. Cha không ân cần, quan tâm đến mẹ. Nếu có phải nói, cha nói y như ra mệnh lệnh của nhà binh. Nếp sống gia đình xáo trộn. Mọi người lặng lẽ, gượng gạo bên nhau. Có lần, khi cha vừa đeo ba lô trở lại đơn vị, tôi nói như thở phào: "Chỉ khi cha đi rồi thì nhà mình mới có tiếng cười được!". Mẹ nghiêm mặt, ý nhắc tôi không được hỗn thế.
18 tuổi, tôi bắt đầu biết yêu, cũng là lúc biết được sự thật, trong tim cha luôn có bóng hình một người đàn bà khác. Kể từ đó, tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi đã không đừng được việc gieo rắc những ý nghĩ tiêu cực, nghi ngờ về đàn ông. Mối tình đầu tan vỡ nhanh chóng. Tôi cũng ngấm ngầm hờn trách cha nhiều hơn.
Năm 22 tuổi, tôi nhận bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi mà không cần báo tin vui cho cha biết. Năm 24 tuổi, tôi khủng hoảng trầm trọng trong công việc mà không hề nghĩ đến chuyện gọi điện cho cha để tìm sẻ chia. Mẹ ốm, anh trai và chị gái đều ở xa, tôi tất tưởi xoay xở một mình, không hề có ý nghĩ sẽ gọi cha về để cùng chung sức chăm sóc mẹ. Năm tôi 28 tuổi, cha kết thúc đời quân ngũ, trở về. Mỗi khi gọi điện về nhà, nếu cha nhấc máy, bao giờ tôi cũng chỉ nói duy nhất một câu: "Mẹ đâu ạ, cho con gặp mẹ với!". Năm tôi 30 tuổi, mẹ ốm nặng rồi vĩnh viễn ra đi. Trong căn nhà xưa cũ, chỉ mình cha ở lại. Tôi ít gọi điện, ít về nhà...
Năm nay, tôi 34 tuổi. Sau khi đã trải qua rất nhiều va vấp, nhọc nhằn, tôi đã tìm được bình an với công việc ổn định cùng một người đàn ông hiền lành, tốt tính. Một ngày, tôi bất ngờ nhận tin báo cha bị ốm. Khi bác sĩ yêu cầu một số giấy tờ tuỳ thân để hoàn tất hồ sơ bệnh án, phải ngần ngừ mãi cha mới đưa tôi chiếc chìa khoá: "Về mở hòm gỗ ra, cha để cả trong đó".
Tối ấy, tôi quay trở về nhà. Ngay khi nắp chiếc hòm của riêng cha được mở ra, tôi ngạc nhiên vô cùng. Trong đó, có đến gần 20 quyển sổ nhật ký. Cha xếp chúng ngăn nắp theo trình tự ngày tháng ở ngoài bìa. Nhiều trang viết đã ố màu thời gian. Tò mò, tôi đọc chúng. Người cha trầm lặng, xa lạ, kiệm lời mà tôi biết đã dồn tất cả những gì gọi là cuộc sống quanh mình vào vô vàn con chữ. Ở đấy có sự giằng xé, đau khổ khi buộc phải lựa chọn giữa tình và hiếu vào ngày nội ép buộc cha phải lấy mẹ. Ở đó có tình cảm tha thiết, chân thành không thể phai nhạt dành cho mối tình đầu. Ở đó chứa chất những trang viết về người vợ mang theo bao nghĩ suy về nghĩa vụ, trách nhiệm hoà trộn niềm biết ơn, day dứt. Ở đó là những cồn cào, lo lắng, mong nhớ về ngày các con chào đời mà cha không thể xin nghỉ để về. Ở đó có lời trách móc, lên án bản thân khi vào những đợt nghỉ phép về nhà, mong muốn được thể hiện tình cảm, được ôm các con vào lòng mà cha không sao làm được. Ở đó, cha căm ghét tính kiệm lời, lạnh nhạt bề ngoài của mình. Ở đó ghi tỉ mỉ về niềm tự hào, lo lắng vào đúng những ngày, những sự kiện trọng đại mà tôi và anh, chị em mình đã trải qua. Ở đó có cả những buồn đau, cô đơn của tuổi già đơn chiếc...
Trang nhật ký cuối cùng đã gấp lại. Tôi ngồi im, lặng lẽ khóc. Chưa bao giờ tôi thấy có lỗi nhiều đến thế khi cứ ôm những tủi hờn, oán hận về cha.
2. Tôi gục đầu bên thềm nhà nghe tiếng lá xao xác ngoài sân. Tôi không còn nhớ nổi đã bao lần mình xách va li trở về nhà mỗi lần thất bại trong tình yêu, công việc, hôn nhân. Bố luôn đón tôi với một nụ cười nhẹ tênh.
Tôi quyết định dừng lại ở cuộc hôn nhân thứ hai này. Bố đi làm về, nhìn thấy tôi với hành lý bên mình. Sự buồn bã thoáng qua rất nhanh trên gương mặt nở nụ cười hiền: "Về đấy hả con? Đợi bố lâu chưa? Về sao không gọi điện báo cho bố? Thôi vào nghỉ ngơi đi, để bố đi nấu cơm ăn kẻo đói".
Bố vẫn thường đón tôi như đứa con đi xa trở về vì nhớ nhà, nhớ quê. Bố thường ít khi hỏi ngay tắp lự về "cơn giông bão" tôi vừa đi qua. Khi nào tôi muốn kể thì bố sẽ lắng nghe.
Mẹ mất từ khi tôi lên hai. Bố tôi là nông dân. Ngày xưa, đến mùa lúa chín, tôi thường theo bố ra đồng, líu ríu theo sau những gánh lúa vàng thơm của bố. Tôi theo bố trên cả những bãi sông quê mình, nhặt nhạnh con ốc, con cua mỗi lần bố kéo chài lên bãi. Tôi đi lấy chồng, xa bố và khoảng trời tươi đẹp.
26 tuổi, tôi lấy một gã nhà văn. Gã trầm tính, hiền khô. Điều đó khiến tôi thích gã. Lấy gã về, tôi mới biết, hôn nhân không mộng đẹp như tôi nghĩ. Gã vùi mình vào văn chương, quên mất mình còn có một người vợ. Ngày cũng như đêm, tôi một mình. Tôi bỏ gã, sau nhiều lần do dự. Điều khiến tôi do dự là bố. Người ta vẫn luôn sợ chính sự bao dung của người thân yêu của mình.
Người đàn ông tôi vừa rời bỏ là một người đàn ông đáng thương. Anh "mắc bẫy" bởi một người đàn bà, rồi họ có con. Tôi giữ lập trường, căn nhà ấy không có chỗ dành cho tôi. Và tôi lại trở về với bố.
Tôi bắt đầu thấy mình trở thành một gánh nặng của bố. Là gánh nặng của một người mình yêu thương thật buồn. Như đọc được suy nghĩ của tôi, bố bảo: "Bố chỉ muốn con đến với một người đàn ông có thể yêu thương con nhiều hơn bố. Luôn nhớ, căn nhà này mãi có chỗ cho con. Nếu muốn, con hãy tiếp tục đi".
Bố dường như vẫn là người hiểu tôi nhất. Tôi cũng đã hiểu, với bố, sự trở về của tôi, đối với bố, niềm vui nhiều hơn vạn nỗi buồn.