Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình mà bạn tính đó chung thủy và không bị nhiễm HIV có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngoài ra, dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục có thể làm giảm được lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Nhiều người cho rằng, một người nhìn khỏe mạnh không thể bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây là quan nhiệm sai lầm, vì ai cũng có thể nhiễm HIV nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su; tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV…
Hiện nay vẫn còn nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng nhìn bên ngoài có thể biết một người nhiễm HIV và một người nhìn bề ngoài khỏe mạnh thì anh hoặc chị ta không bị nhiễm HIV và có thể dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn với các đối tác này. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng người nhiễm HIV thường gày gò, ốm yếu, da bọc xương...
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiểu như vậy là không chính xác vì người nhiễm HIV vẫn có giai đoạn dài sống khỏe mạnh như người bình thường nên nhìn bề ngoài không thể biết một ai có nhiễm HIV hay không. Chỉ có xét nghiệm mới khẳng định một người nhiễm HIV hay không.
Hiện vẫn có người cho rằng muỗi đốt có thể làm lây truyền HIV. Tuy nhiên cho đến nay các nhà khoa học chưa phát hiện được trường hợp nào lây nhiễm HIV do muỗi đốt người nhiễm HIV truyền sang người lành.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, ăn chung với người bị nhiễm HIV sẽ bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên do HIV chỉ lây qua 3 con đường (máu, tình dục, sữa mẹ) mà không lây qua các giao tiếp thông thường như ăn uống chung, sinh hoạt chung, làm việc chung... nên ăn uống chung với người nhiễm HIV không thể làm lây nhiễm HIV.