Những lao động bất đắc dĩ chuyển nghề trong giãn cách xã hội

Trường Hùng
22/08/2021 - 08:15
Những lao động bất đắc dĩ chuyển nghề trong giãn cách xã hội

Bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi) nhặt phế liệu trước Khu đô thị Royal City

Mất việc kể từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, bà Nguyễn Thị Vinh (52 tuổi, quê quán tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phải chuyển sang nghề lượm phế liệu. Đây cũng là tình cảnh chung của những lao động tự do, lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt trên địa bàn thành phố.

Mất việc, mắc kẹt lại Hà Nội vì giãn cách xã hội

Dựng tạm chiếc xe đạp chở hai bao phế liệu vào cột đèn trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), bà Vinh vào một chốt trực gần đó xin uống nước cho đỡ khát.

Cực chẳng đã vì mắc kẹt ở Hà Nội đã lâu, gần 10 ngày nay, cứ 5 giờ chiều hàng ngày, bà Vinh xách xe đạp ra đường lượm rác. Dẫu biết việc này vi phạm quy định giãn cách xã hội của thành phố nhưng trong hoàn cảnh nợ tiền trọ, tiền tích cóp cạn kiệt, hai mẹ con bà không biết làm gì hơn để lo cho cuộc sống những ngày sắp tới.

Sống dựa vào rác qua “mùa giãn cách” - Ảnh 1.

Bà Vinh nhặt phế liệu trên đường Nguyễn Trãi

Không đăng ký tạm trú tạm vắng, không hợp đồng lao động, cả hai đều không thuộc diện hỗ trợ trong gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Khi được hỏi, bà Vinh cũng không biết đến thông tin này. "Chỗ tôi ở trọ chưa có cán bộ nào đến hỏi về tình hình của hai mẹ con", bà Vinh nói.

Theo dõi tin tức về dịch bệnh, họ hàng ở quê nhiều lần gọi điện giục giã cả hai về nhà. Bà Vinh cũng tìm cách liên hệ với mấy nhà xe để tính đường về quê chui, nhưng đã hai lần đến bến xe và đều trở về trong vô vọng. Hà Nội đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng kể từ đầu tháng 7.

Mong sớm có hỗ trợ trong ngày giãn cách xã hội

Tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" này là lần đầu tiên bà Vinh gặp phải trong đời. Một năm trước đó, nghe những lời của người đi trước, hai mẹ con bà từ giã mấy sào ruộng, dắt díu nhau lên Hà Nội làm việc với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Thu nhập từ nông nghiệp chẳng được bao, có khi thất bát vì thời tiết, dịch bệnh.

"Tưởng rằng sẽ khá hơn, không ngờ lại lâm vào cảnh như thế này. Mới đầu tôi cứ ngỡ chỉ giãn cách 2 tuần là cùng, nên cố ở lại chờ khi nào hết thì quay trở lại làm việc. Tôi mới tiêm được một mũi vaccine thôi nên cũng hơi lo", bà Vinh chia sẻ.

Mỗi buổi nhặt rác như vậy, bà kiếm được khoảng 30.000 đồng, vừa đủ mua 3 mớ rau muống. "Trong tình cảnh này, tôi chỉ mong Chính phủ dù ít dù nhiều hỗ trợ cho chúng tôi một chút. Nếu được như vậy, tôi cũng sẽ kiên trì ở trong nhà, chung tay cùng cả nước chống dịch", bà Vinh bộc bạch.

Những ngày này, trên khắp những con phố của Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh những người bới rác, những chiếc xe đạp cồng kềnh chở phế liệu đằng sau. Họ phần đa là lao động tự do, không lương hưu, không có thói quen đăng ký tạm trú… để được hưởng hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội theo đúng quy định.

Trong tình cảnh đó, nghề "lượm rác" trở thành phương tiện cứu đói trong những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội. Nhưng khi thành phố thực hiện giãn cách, nguồn "tài nguyên" tưởng dễ kiếm ngày thường này lại thành của hiếm. Họ phải sẻ chia cho nhiều số phận cùng cảnh ngộ khác...

Một số hình ảnh phóng viên PNVN ghi nhận trong tối 20/8/2021:

Sống dựa vào rác qua “mùa giãn cách” - Ảnh 3.

Sống dựa vào rác qua “mùa giãn cách” - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi), nhặt phế liệu trước Khu đô thị Royal City

Sống dựa vào rác qua “mùa giãn cách” - Ảnh 5.

Một người phụ nữ nhặt hành nghề lượm phế liệu trên đường 19/5 (phường Văn Quán, Hà Đông)

Sống dựa vào rác qua “mùa giãn cách” - Ảnh 6.

Nhiều phế liệu đã được các công nhân môi trường lọc ra trong quá trình thu gom rác để có thêm thu nhập khiến những người nhặt phế liệu tự do càng khó kiếm hơn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm