Bài học mỗi ngày của người thân
“Mẹ dạy con giờ nào việc nấy, vì nếu làm việc mà không tập trung thì kết quả sẽ không như mong đợi.
Mẹ dạy con phải ăn nhiều hoa quả vì hoa quả cung cấp vitamin giúp con khỏe mạnh.
Mẹ dạy con không được đánh người khác dù họ có làm con giận thế nào vì con không có quyền xâm phạm thân thể người khác vì bất cứ lí do gì.
Mẹ dạy con dù sau này có đi đâu xa, sẽ luôn phải nhớ đến gia đình vì họ chính là những người luôn yêu thương con nhất.
Bố dạy con khi ra khỏi nhà phải tắt hết đèn và các thiết bị điện để tiết kiệm điện. Sử dụng điện, nước hợp lí là cách thiết thực để bảo vệ môi trường.
Ông dạy con dùng máy tính xong phải tắt nguồn để phòng chống cháy, nổ, chập điện khi ta không có nhà.
Bà dạy con phải giúp bố mẹ việc nhà, chuẩn bị cơm mỗi tối vì đó chính là cách con thể hiện sự hiếu thảo với bố mẹ.
Mẹ dạy con rửa bát đũa xong, phải cắm đũa sao cho đầu đũa ở phía trên vì nếu không đầu đũa sẽ không khô và rất bẩn.
Mẹ dạy con phải ăn mặc lịch sự khi đi dự tiệc vì nếu ăn mặc nhếch nhác là con thiếu tôn trọng chính mình và người khác .
Mẹ dạy con phải yêu thương mọi người, vì càng yêu thương nhiều con sẽ càng được đong đầy bởi tình yêu thương". (Đ. Anh, 13 tuổi)
"Mẹ dạy tôi khi đặt cơm nhớ lau đáy nồi, nếu không thì nồi dễ cháy, hỏng.
Mẹ dạy tôi phải giữ phòng gọn gàng, nếu không thì nhà sẽ giống với cái chuồng lợn và thế thì ai đến chơi cũng sẽ chê cười.
Mẹ hay dặn tôi khi đi đâu phải ăn mặc gọn gàng tử tế, chải đầu tóc gọn ghẽ nhưng không có nghĩa là chải chuốt quá mức. Đứng, ngồi, cười nói, ăn uống phải lịch sự, từ tốn, nhẹ nhàng, không thì vô duyên chết đi được.
Mẹ dạy tôi phải cân nhắn kỹ trước khi nói cũng như khi nhắn tin. Lời nói đã phát ra sẽ không rút lại được, nếu hấp tấp sẽ diễn đạt sai ý hay nói lời không tế nhị. Khi nhắn tin muốn nói gì thì nhắn luôn một lần, không tách thành nhiều tin sẽ tốn tiền.
Không chỉ dạy về lối sống và cách sinh hoạt hàng ngày, mẹ còn dạy tôi nhiều điều về cuộc sống. Mẹ bảo trong xã hội có nhiều loại người nên phải chọn bạn mà chơi. Nhưng khi ra đời, đi làm thì mình không thể chọn được mà cần phải cân nhắc cách ứng xử tùy từng đối tượng.
Mẹ cũng giải thích cho tôi vì sao những người phụ nữ Á Đông thích đẻ con trai hơn con gái, và cũng không quên nói cho tôi hiểu điều đó vô lý như thế nào.
Mẹ dạy tôi rất nhiều điều và đều là những điều sẽ giúp cho tôi rất nhiều trong cuộc sống". (M.Thư, 13 tuổi)
"Mẹ dạy con khi ho, khi hắt xì hơi phải lấy tay che miệng vì ta sẽ thể hiện sự bất lịch sự khi không làm thế và có nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Mẹ dạy con phải ngủ sớm để có sức khỏe tốt và để cao lớn hơn. Mẹ bảo trong giấc ngủ trẻ em sẽ cao lên.
Mẹ dạy con phải ăn uống đủ các chất dinh dưỡng, chúng sẽ giúp tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và sức đề kháng cao.
Mẹ dạy con phải viết chữ thật đẹp. Ông cha ta có câu: “Nét chữ, nết người”, chữ viết thể hiện tính cách của ta.
Bố dạy con phải ngăn nắp gọn gàng, để đồ dùng ở đúng chỗ sẽ giúp ta tìm thấy chúng dễ dàng hơn.
Bố dạy con không được chủ quan và phải luôn chuẩn bị kĩ càng vì mọi thứ đều có thể xảy ra.
Bố dạy con phải ăn uống từ tốn vì bằng cách đó ta có thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Anh dạy con khi ăn không được gây ra tiếng động lớn sẽ khiến mọi người xung quanh khó chịu.
Anh dạy con khi bộ phải rảo bước, tránh tình trạng để người khác chờ và cũng là một cách tập thể dục.
Anh dạy con khi nghe thầy cô giảng bài phải ghi chép đầy đủ vì như thế ta sẽ nhớ kiến thức lâu hơn". (C.Duy, 12 tuổi)
Màu bình yên
"Nếu sự bình yên có màu, theo tôi, đó là màu xanh nước biển. Xanh nước biển cũng là màu tôi yêu thích nhất. Màu xanh tượng trưng cho hòa bình, sự êm dịu, nhẹ nhàng. Màu xanh đẹp vô cùng, nó luôn giúp cho đầu óc tôi thoải mái hơn.
Màu xanh còn gợi cho tôi nhớ đến mẹ vì mẹ tôi cũng yêu nhất là màu xanh. Tôi vẫn nhớ hồi xưa mẹ kể, hôm sinh tôi ra, mẹ đội cho tôi một chiếc mũ sơ sinh màu xanh và mẹ bảo trông tôi rất đáng yêu. Bây giờ mỗi khi mẹ đi công tác, tôi thường ôm chiếc áo xanh của mẹ, nằm gối đầu lên cái gối xanh mà mẹ tặng cho tôi để chìm vào giấc ngủ. Và dường như mẹ vẫn đang có ở đây, bên cạnh tôi, làm cho tôi thấy vô cùng bình yên và hạnh phúc!". (Đ.Anh, 13 tuổi)
“Theo các bạn bình yên là gì? Theo tôi, bình yên mang đến cho chúng ta sự thư giãn, nhẹ nhàng. Nó còn cho chúng ta những điều hạnh phúc, yêu thương, đôi khi chỉ là những điều bình thường nhất.
Đã bao giờ các bạn nghĩ đến màu của bình yên chưa? Tôi thì có đấy! Tôi thường nghĩ đến màu hồng. Ai cũng nghĩ nó là màu của con gái, một loại màu nữ tính, theo tôi, đôi khi nó không phải vậy. Tôi cảm thấy sự nhẹ nhàng, bình yên và đặc biệt hạnh phúc bên gia đình, bạn bè, và có thể là cả những đồ vật vô tri vô giác, biết đâu chúng có thể chứa đựng nhiều cảm xúc thực sự.
Nhắc đến màu hồng, tôi lại liên tường đến món quà sinh nhật mà tôi đã tặng cho người phụ nữ xinh đẹp nhất của đời tôi, mẹ tôi. Mặc dù nó không phải màu hồng nhưng qua cái giấy gói quà hồng, tôi thấy được tình yêu thương, tôi đã dốc hết tiền thưởng học sinh xuất sắc để tặng cho mẹ tôi món quà quý giá đó. Màu hồng chính là sự yêu thương và hạnh phúc”. (G.Minh, 11 tuổi)
Sống trong yêu thương và lòng biết ơn
“Một hôm, tôi đi chơi cùng em họ tôi cả ngày rất vui. Đến tối lúc đi ngủ tôi ngứa quá, gãi sồn sột rồi tôi nhận ra là mình đã bị nổi mẩn ở chân, tay, trên người và mặt. Tôi nổi da gà, tôi cảm giác mình là một con quái vật. Tôi còn không dám nhìn chính mình. Mẹ tôi cũng sợ xanh mắt. Đêm đó mẹ thức suốt đêm, tìm cách chữa cho tôi. Vẻ mặt mẹ tôi đầy lo âu.
Sáng hôm sau, tôi phải nghỉ học, mẹ đã xin nghỉ làm để ở nhà chăm soc tôi. Tôi đã phải nằm ở nhà 5 ngày nhưng rồi bỗng nhiên, một sự kì diệu nào đó đã xảy ra, những vết mẩn của tôi đã biến mất. Tối hôm ấy có một cậu bé mỉm cười ngọt ngào trong giấc mơ và trong vòng tay âu yếm của mẹ”. (X.Sơn, 11 tuổi)
“Một lần em về quê, em đã bị ho suốt 2 tuần. Khi bà nội em biết thì ngày nào bà cũng trông nom em. Trước khi em ngủ trưa, bà bảo em nhỏ nước muối và cho em ngậm mật ong.
Lúc ngủ, bà khuyên em nên kéo chăn lên cổ để tránh gió lạnh càng ho thêm. Chiều về bà nhắc em súc miệng nước muối. Tối đến, bà pha sữa với nước nóng cho em uống. Em rất hạnh phúc được sống trong tình yêu thương của bà”. (C.Điềm, 11 tuổi)
“Cảm ơn ông ngoại! Con cảm ông vì món ruốc ngon tuyệt của ông. Trong món ruốc con không chỉ cảm nhận được vị ngon mà con còn cảm nhận được tình yêu ông dành cho con. Cảm ơn ông vì những món đồ chơi ông mua cho con, mặc dù ông không giàu có gì. Nhưng con biết, ông luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Cảm ơn ông vì những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con cắp sách vào lớp 1. Con cảm ơn vì những câu chuyện của ông. Mặc dù ông sắp trút hơi thở cuối cùng, nhưng ông vẫn cố gắng kể chuyện cho con nghe. Ông ơi, con nhớ ông lắm! Con cảm ơn ông nhiều!”. (B.Ngân, 13 tuổi)
“Con cảm ơn mẹ rất nhiều. Chính mẹ là người đã nuôi dưỡng con 9 tháng 10 ngày trong bụng. Chính mẹ là người đã ban cho con cuộc sống vô cùng quý giá này. Mẹ là người đã cho con bú sữa, những dòng sữa ngọt ngào, giàu dinh dưỡng, giúp con lớn lên. Mẹ là người dạy con nói những từ đầu tiên. Mẹ đã dạy con biết cách bò, lẫy, đi, chạy. Mẹ đã dạy con cách nói chuyện, đọc, viết, lắng nghe. Mẹ dạy con cách ứng xử với mọi người sao cho lịch sự. Mẹ dạy con không làm điều xấu để không ảnh hưởng đến cuộc sống hôm nay và mai sau. Mẹ đã dạy con nên người. Con cảm ơn mẹ vì mẹ đã là người hùng, người bạn, người đồng hành của con”. (Đ.Anh, 14 tuổi)
Trích “Nhật ký lớp học Hạnh phúc với cô Việt Anh”