Những "người bạc" thời Covid ở Indonesia

Kim Ngọc
14/04/2021 - 08:15
Những "người bạc" thời Covid ở Indonesia

Một phụ nữ mang thai trở thành "người bạc" trên đường phố.

Người bạc xuất hiện trên đường phố Indonesia trước áp lực kinh tế do đại dịch Covid gây ra. Nhiều người mạo hiểm cả sức khỏe để kiếm tiền nuôi sống gia đình, kể cả việc phủ sơn kim loại lên người.
"Người bạc" đứng bất động giữa đám đông

Như thường lệ, 8 giờ tối, trên một trong những ngã tư đông đúc ở phía tây Jakarta, Indonesia, ba người đàn ông với lớp sơn kim loại từ đầu đến chân đứng trên lối đi bộ. Mỗi người cầm một lon bạc.

Alfan, 25 tuổi, là một trong những người làm công việc "người bạc" để kiếm tiền. Tại ngã tư, khi đèn chuyển sang màu đỏ, anh bước đến đứng trước dòng xe đang dừng lại. Anh cúi đầu thật sâu trong vài giây và sau đó thực hiện tư thế như một bức tượng: đứng thẳng, tay phải đưa lên trán; Alfan đứng đó khoảng một phút không chớp mắt.

Không thể phủ nhận rằng tác động kinh tế từ đại dịch COVID - 19 là vô cùng nghiêm trọng, khiến cuộc sống của nhiều người đã bấp bênh, nay lại càng khó khăn hơn. Theo tổ chức Statistics Indonesia (BPS), đại dịch bùng phát làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở Indonesia, khiến 2,67 triệu người đã mất việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 7,07% vào tháng 8 năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong khi đó, khoảng 1,63 triệu người Indonesia rơi vào cảnh nghèo đói vào tháng 3 năm 2020, nâng tỷ lệ chính thức lên 9,78% tương đương với con số 26,4 triệu người. Trong tình hình đó, một số người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em Indonesia đang mạo hiểm sức khỏe, phủ lên người sơn kim loại để kiếm tiền trang trải cái ăn, cái mặc trong cuộc sống khó khăn giữa đại dịch.

Người bạc – công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch - Ảnh 1.

Một người đàn ông với lớp sơn màu bạc trên người, đứng trên một con phố ở Jakarta. Ảnh: Gemma Holliani Cahya

Trước khi kết thúc phần biểu diễn, Alfa cúi đầu sâu hơn nữa và nhận tiền từ người qua đường.

"Tôi sẽ về nhà khi có đủ tiền. Hôm trước, tôi nhận được 80.000 rupiah (khoảng 126.000 đồng) trước 10 giờ tối, vì vậy tôi đã về nhà", Alfan nói.

Alfan có hai con nhỏ. Anh là một trong số nhiều người Indonesia thiếu thu nhập đã tham gia làm công việc "người bạc" để kiếm sống trong thời kỳ khó khăn của đại dịch. Công việc lái xe tải của Alfan không mang lại thu nhập khi mọi người buộc phải hạn chế di chuyển do đại dịch COVID – 19 vào năm ngoái.

Về việc phủ sơn lên người để kiếm tiền, Alfan chia sẻ: "Điều đó khiến tôi ngứa rất nhiều và khiến da tôi bị tổn thương. Mọi người cũng thường hỏi rằng liệu chúng tôi có đang say rượu không vì họ thấy mắt chúng tôi đỏ lên. Nhưng thật ra không phải vậy, chính lớp sơn quá dày đã làm mắt chúng tôi bị dị ứng", Alfan nói.

“Người bạc” – công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch - Ảnh 2.

Ba cậu bé với lớp sơn bạc trên người xin tiền trên một con phố ở Jakarta. Ảnh: Gemma Holliani Cahya

Trước khi xảy ra đại dịch, Alfan cho biết anh có thể kiếm được 100.000-150.000 rupiah (khoảng 160.000 - 240.000 đồng) khi làm việc trên xe tải. Nhưng với tình hình hiện tại, rất khó để có hành khách và một ngày anh chỉ có thể nhận được số tiền khoảng 30.000 rupiah (khoảng 50.000 đồng).

"Tiền mua sữa cho con còn không đủ. Vì vậy, tôi quyết định lái xe vào buổi sáng và làm 'người bạc' vào ban đêm. Lúc đầu tôi thấy ngại khi phải đứng trước mọi người, nhưng tôi không nghĩ mình có quyền lựa chọn khác".

Alfan nói tiếp: "Cho đến hôm nay tôi chưa hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp xã hội nào từ chính phủ. Tôi phải làm việc này để kiếm sống. Chúng tôi không làm sai điều gì; chúng tôi không ép buộc mọi người phải cho chúng tôi tiền. Nếu họ cho chúng tôi tiền, chúng tôi rất biết ơn. Nhưng nếu không, thì cũng không sao".

"Người bạc" - công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch

Người đứng đầu cơ quan xã hội trung tâm Jakarta, Ngapuli Peranginangin, cho biết sự xuất hiện của "người bạc" là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong đại dịch ở đây.

“Người bạc” – công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch - Ảnh 3.

Ardini, một phụ nữ 28 tuổi làm công việc 'người bạc'. Cô đã có ba con và hiện đang mang thai 4 tháng. Ảnh: Shutterstock

"Những 'người bạc' này bắt đầu xuất hiện trên đường phố sau đại dịch. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ trước đây ", Ngapuli nói. Ngoài ra, Ngapuli còn cho biết thêm con số đã bắt đầu giảm sau khi cảnh sát tiến hành các cuộc tuần tra để bảo đảm an ninh đường phố.

Desi, 25 tuổi cũng kiếm tiền bằng công việc 'người bạc'. Cơ thể và tóc của cô cũng được phủ một lớp sơn màu bạc. Chồng cô làm công việc lái xe làm việc vào buổi sáng và ban đêm cô cố gắng làm 'người bạc' để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

"Năm ngoái, tôi làm việc trong một cửa hàng, nhưng do lệnh hạn chế quy mô lớn và tập trung đông người, chủ cửa hàng đã quyết định cho một số nhân viên nghỉ việc, bao gồm cả tôi vì người chủ không thể trả thêm tiền cho chúng tôi. Tôi đã cố gắng kiếm việc làm ở nhiều chỗ, nhưng cửa hàng nào cũng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nên tôi không tìm được việc làm nào khác", Desi nói.

“Người bạc” – công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch - Ảnh 4.

Một 'người bạc' đang biểu diễn ở Jakarta. Ảnh: Gemma Holliani Cahya

"Hàng ngày, tôi đến đây vào khoảng 6 giờ tối để tránh cảnh sát vì các cuộc tuần tra thường diễn ra vào ban ngày", cô nói thêm.

Desi cho biết cô hiểu những nguy hiểm do hóa chất trong sơn gây ra nhưng cô không còn lựa chọn nào khác. "Khắp người tôi bị phát ban. Tôi phải tắm hai lần, đầu tiên là bằng nước rửa bát, vì đó là cách duy nhất tôi có thể tẩy lớp sơn và sau đó là bằng xà phòng", cô nói. 

"Tôi biết phủ sơn lên người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng chúng tôi cần tiền. Chúng tôi có hai đứa con ở nhà. Đứa thứ nhất mới ba tuổi, đứa thứ hai mới ba tháng".

Ngapuli cho biết công ty của ông cũng thường bắt gặp những đứa trẻ biểu diễn 'người bạc' trên đường phố. Ông cho biết những đứa trẻ tự động làm những công việc này, chỉ đơn giản là để kiếm tiền tiêu vặt.

“Người bạc” – công việc bất đắc dĩ giữa đại dịch - Ảnh 5.

Một đứa trẻ với lớp sơn bạc trên người đang xin tiền ở Jakarta. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, tổng thư ký của Liên minh phụ nữ Indonesia, Mike Verawati, cho biết những đứa trẻ tham gia làm việc này là do người lớn tổ chức.

Verawati cho biết đây là hành vi bóc lột trẻ em. Bà nói: "Chính phủ phải làm việc với các nhóm cộng đồng để thực hiện các chương trình để trẻ em vẫn có thể học tập và tham gia hoạt động bổ ích trong thời kỳ đại dịch, mặc dù chúng không thể đến trường. Chính phủ phải can thiệp vào vấn đề này để những đứa trẻ không quay trở lại đường phố".

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm