pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người đàn ông bán hoa rong trên phố Hà Nội
Mới 5 giờ sáng, ông Hoàng Xuân Luyện, 50 tuổi, quê Ninh Bình, vừa tất bật tưới hoa vừa nói: "Tôi đi bán hoa rong ở Hà Nội được 3 năm rồi. Ở quê, tôi cũng bán hoa nhưng không đủ ăn, rồi đi làm thợ xây nhưng việc lúc có lúc không. Từ khi tôi lên đây bán hoa rong, thu nhập tốt hơn, tiền gửi cho con ăn học cũng được nhiều hơn".
Cũng là những người đàn ông đã có tuổi nhưng ở thành phố, khi không ít người vẫn đang say giấc nồng hoặc thức dậy tập thể dục, ăn sáng rồi về chăm cháu thì những người đàn ông bán hoa rong đã đi hết con phố này tới con phố khác. "Tôi cũng muốn ở nhà bế cháu lắm chứ nhưng bố mẹ nó đi làm thuê nay đây mai đó, ở nhà thì lấy gì mà ăn. Tôi còn một đứa con năm nay mới vào đại học nên chi tiêu cũng eo hẹp hơn. Vợ tôi mất sức lao động chỉ có thể ở nhà ruộng vườn", ông Luyện bộc bạch.
Ông Luyện vội đạp xe hoa từ phố Mai Hắc Đế tới phố Thái Phiên vì có một khách quen sáng nào cũng mua hoa của ông từ rất sớm. Trong tờ mờ sáng, người đàn ông bán hoa vội phóng xe vụt đi.
Tại 1 khu trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu, có một "mày râu" khác đang loay hoay tỉa tót những bông hoa trên thúng của mình. Đó là ông Nguyễn Ngọc Tiếp, quê Hưng Yên, đã bán hoa rong ở Hà Nội được 5 năm. Ông Tiếp năm nay 45 tuổi. Ông kể: "Trước kia tôi làm thợ hàn nhưng sau một lần tai nạn khiến chân tập tễnh, tôi quyết định lên phố buôn hoa. Đầu tiên được mấy chị cùng quê hướng dẫn, bây giờ thì đã thạo rồi, bán hết xe hoa thì cũng kiếm được chút, không hết thì ăn cũng chẳng xong, lỗ vốn như chơi".
Thấy ông Tiếp mặc bộ quần áo bộ đội cũ kỹ rách vai, có lẽ đó là bộ quần áo khi ông tham gia quân đội ở tuổi thanh niên, tôi không khỏi xót xa. Ông kể: "Lúc đầu, tôi cũng không định rời quê lên phố đâu vì đứng tuổi rồi nhưng ở nhà túng bấn quá, đi làm công nhân thì người ta không nhận, đành phải tân trang lại cái xe đạp rồi lên đây, mỗi tháng cũng gửi về cho vợ được đôi triệu".
Bán hoa thấy đời đẹp hơn
Trong đợt không khí lạnh ùa về, mỗi sáng thức dậy là cả một sự khó nhọc, nhất là khi phải chạm tay vào nước. Song, những đôi bàn tay sần sùi, chai sạn chẳng nề hà gì. Họ vẫn đạp xe thoăn thoắt lúc sáng sớm, lấy nước tưới cho hoa thêm tươi, thêm đẹp.
Đôi bàn tay người đàn ông có phần thô ráp, cục mịch hơn so với phụ nữ, cách mời chào của họ cũng không được mượt mà như chị em, đôi khi họ còn bẽn lẽn và bị các chị em trêu lại. Đặc biệt là họ dễ bị xiêu lòng nếu khách nữ mặc cả lâu quá nhưng "bán hoa thì được ngắm cái đẹp hàng ngày" nên những "đấng mày râu" vẫn yêu công việc này.
Ông Nguyễn Văn Thái, 52 tuổi, đã bán hoa rong ở Hà Nội được hơn 10 năm. Ông tâm sự: "Vợ tôi mất cách đây mấy năm, có 3 đứa con thì 2 đứa đang ăn học tại Hà Nội. Ở quê, tôi làm muối không được bao nhiêu, lên đây đi đánh giày mấy năm cũng không kiếm ăn được nên tôi chuyển sang buôn hoa, nghề nào cũng phải cố gắng mà mưu sinh thôi".
Mỗi ngày những người đàn ông bán hoa rong thường dậy từ 3 giờ sáng lên chợ hoa Quảng Bá để mua hàng, rồi 5 giờ thì đi bán. Gặp hôm may bán hết hàng thì không sao, hôm nào tồn hàng thì lỗ vốn vì hôm sau hoa sẽ bỏ đi. Vậy nên phải cố bán hết trong 1 ngày.
"Nhiều đêm dắt xe hoa còn tồn về nhà trọ mà nước mắt cứ chảy mãi, vì hoa không thể để tới ngày mai được. Tôi lấy hoa đi chia cho mọi người trong khu trọ, nhiều người cũng động lòng nên mua luôn", ông Thái bộc bạch.
Khi tôi hỏi các ông có biết những người đàn ông bán hoa trên phố ở Hà Nội không thì ai cũng rõ như trong lòng bàn tay. "Có mấy người đàn ông đi bán hoa thôi nên ở khu phố cổ Hà Nội này, chúng tôi biết nhau hết, bạn chợ mà", ông Thái chia sẻ. Thỉnh thoảng các ông lại gặp nhau trò chuyện, thay vì ngồi ở bàn cờ tướng và nhâm nhi chén trà nóng hay café, các ông gặp nhau trên những nẻo đường đi bán hoa rong. Rồi trưa đến, họ ăn vội suất "cơm bụi" 20 nghìn đồng, úp chiếc mũ cối vào mặt chợp mắt vài chục phút rồi lại đi tiếp...
Lấy cái khăn mặt lau mồ hôi đang nhễ nhại, ông Thái lại nhảy lên xe đạp tiếp. "Hoa tươi, hoa đẹp đi", những câu rao của ông Thái không dứt rồi cứ nhỏ dần trong dòng xe cộ đông đúc. Tôi mua cho ông một bó hồng nhỏ, cầm trên tay bông hoa mà tôi cứ nghĩ về số phận của những người bán hoa rong trên phố.
Ngày nào những người như ông Tiếp, ông Luyện, ông Thái cũng chỉ mong giải quyết được "bài toán" hết hàng, rồi về đặt lưng trong gian nhà trọ chật hẹp. Họ gần như không còn thời gian để chăm sóc bản thân, đôi khi ốm đau, họ vẫn thường tự động viên "rồi sẽ tự khỏi thôi, không thể nghỉ chợ được kẻo mất khách quen".
Ông Tiếp tâm sự: "Bữa nay tôi cố bán hết hàng thì đạp xe về Hưng Yên, có 40km thôi. Ở nhà vợ tôi gọi điện bảo về mà không cầm lòng được, vì muốn về lắm nhưng cả tháng nay chưa kiếm được mấy đồng. Rồi lại nghe vợ nói bà cụ đợt này yếu hơn, ăn ít đi mà ruột gan tôi nóng như lửa đốt".
Dù có khó khăn, vất vả, dù đôi khi sự vụng về của người đàn ông còn lộ rõ trên những gánh hàng hoa nhưng họ vẫn đi. Những vòng xe đạp cứ kẽo kẹt khắp phố phường Hà Nội...