Ngày 30 Tết, dòng người đi mua sắm vẫn còn khá đông trên các tuyến phố chính của TP Vinh (Nghệ An). Nhưng ẩn khuất sau sự phồn hoa ấy còn đó những mảnh đời khốn khó trên vùng đất đầy khắc nghiệt này, họ vẫn cố tranh thủ chút thời gian còn lại của năm cũ, tất bật mưu sinh với hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập cho cái Tết năm nay no đủ hơn.
Giáp tết cũng chính là thời điểm kiếm tiền của những người lau dọn nhà cửa. Trong một căn hộ ở khu chung Cư Tecco nằm trên đường Quang Trung, bà Hợi (quê ở huyện Thanh Chương) đang hối hả dọn dẹp nhà thuê. Bà Hợi cho hay, cẩn thận và trung thực là 2 yêu cầu hàng đầu đối với những người làm công việc này. Sạch sẽ, tháo vát nên cứ nhà này giới thiệu nhà kia, bà làm không hết việc. “Những ngày gần Tết có nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn. Ngoài việc đi bán hàng thì tôi còn dọn nhà. Cuối năm mọi người thuê giúp việc theo giờ nhiều hơn, lau dọn nhà cửa bình thường chỉ 30.000 đồng một giờ nhưng bây giờ thì được 50.000 đồng một giờ. Vì thế tôi tranh thủ làm mấy ngày cuối năm. Ở quê đã có con cái lo sắm Tết rồi, nên làm đến gần cuối chiều 30 là tôi bắt xe bus về quê để làm bữa cơm cúng tổ tiên”.
Gánh trên vai nỗi lo cơm áo, những phụ nữ lao động nghèo từ khắp các địa phương về TP Vinh mưu sinh, nhận đủ mọi việc để làm thuê, từ bốc vác, dọn dẹp, nhặt nhạnh phế liệu, chở hàng đến quét rác... Trời vừa tờ mờ sáng, tiếng xe máy, ô tô trên đường còn thưa thớt thì những “cửu vạn” đã tập trung về khu vực công viên tam giác trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sỹ Sách. Phương tiện của họ chủ yếu là xe đạp, chỉ có vài chiếc xe máy 2-3 người đi chung (?!) kèm theo đó là lỉnh kỉnh các dụng cụ như quang gánh, cuốc xẻng, dao, liềm… Chị Hoàng Thị Thiện, 46 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, cho biết: “Trước đây, gia đình có 4 sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng còn có cái để bấu víu. Con cái vào Sài Gòn làm công nhân, còn vợ chồng tôi vào Vinh làm nghề này. Tôi thường đi với nhóm các chị cùng quê, người ít thì đã đi 2-3 năm, người lâu 7-10 năm. Tùy việc, có buổi được dăm, bảy chục ngàn đồng, cũng có khi được vài trăm. Nhưng cũng có thời điểm suốt 3-4 ngày không có ai thuê. Cứ sáng đạp xe ra chờ, tối lại đạp xe về, rất bí tiền đâu để chi tiêu, mua thức ăn, đóng học phí cho các con. Tết nhất lại còn phải mua sắm nhiều hơn ngày thường”.
Còn với gia đình chị Ngô Thị Biên (quê ở Nam Đàn) thì mỗi dịp Tết, chị lại thêm nỗi lo, bởi chị phải kiếm thêm một khoản chi tiêu cho gia đình, con cái: "Tôi ở quê cấy ruộng cũng vất vả. Mỗi suất được có sào rưỡi ruộng. Trong khi đó lúc thì được mùa, lúc thì mất mùa nên phải đi ra ngoài làm ăn để kiếm thêm thu nhập cho các con ăn học. Cứ rạng sáng là đạp xe ra ngồi đây, ai thuê gì làm nấy, mình vẫn cố làm những ngày cuối năm để thêm được ít tiền tiêu Tết, đỡ phải vay mượn”.
Len lỏi trong dòng người đang đi mua sắm đào, quất, hoa, cây cảnh... ông Trần Văn Huệ (quê ở Hà Nam) lay lắt trên chiếc xích lô cũ được chuẩn bị sẵn những đoạn dây chun. Đảo đi, đảo lại mấy vòng trên các tuyến đường, ông Huệ mới được 1 người thuê chở 1 chậu quất về nhà. Dù Tết nhưng ông Huệ cũng chỉ kiếm được 50.000 đồng cho quãng đường gần 5km chở chậu quất về nhà cho khách. Mỗi ngày như vậy, ông Huệ chỉ may mắn được 5-6 “cuốc” “bắt” được khách, song vì miếng cơm, manh áo, ông Huệ vẫn phải làm công việc mà ông đã gắn bó hàng chục năm nay vào mỗi dịp Tết đến. Ông cho biết: “Tôi vào Nghệ An mưu sinh và lấy vợ ở đây luôn. Hiện vợ chồng tôi và các con ở nép sau khu tập thể chật chội ở TP Vinh, tranh thủ làm nghề chở thuê cây cảnh, thậm chí chạy cả xe ôm, miễn sao có thêm chút tiền lo Tết cho gia đình, nhất là hai đứa con của chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi học. Cuộc sống chật vật quá nên cứ 3 năm tôi về quê Hà Nam ăn Tết một lần. Năm nay gia đình chúng tôi không về quê ăn tết nên sẽ tranh thủ chạy xe làm thêm đến hết chiều 30 mới nghỉ ngơi đón Tết”.
Xen lẫn trong chợ hoa, cây cảnh, hàng hóa tết lớn nhất TP Vinh vẫn có nhiều mảnh đời mưu sinh còn vất vả, khó khăn hơn ông Huệ. Chị Bùi Thị Lành (quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm nghề nhặt ve chai, đồng nát vẫn cần cù với công việc của mình cùng chiếc bì tải vác trên vai. Tất cả đồ đồng nát, vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nước khoáng... được thu lượm, sẽ được chị Lành chuyển về nhập cho điểm thu mua và nhận về những đồng tiền ít ỏi để lo Tết cho gia đình. Cũng may, những ngày giáp Tết chị thu lượm được khối lượng lớn hơn ngày thường và điểm thu mua phế liệu đến chiều 30 Tết vẫn nhập hàng đợt cuối.
Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp Tết không phải là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn. Càng cận Tết, bước chân của những người lao động nghèo trên nẻo đường mưu sinh dường như càng hối hả hơn. Tất cả đều mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, họ chưa chắc đã được đón những ngày Tết trọn vẹn nhưng chính họ lại tô điểm cho sắc màu ngày xuân thêm đẹp hơn.