Những người "dệt" tiếp truyền thống của phụ nữ Bahnar

Thục Anh
22/11/2022 - 12:19
Những người "dệt" tiếp truyền thống của phụ nữ Bahnar

Chị Hồ Thị Viên (phải) cùng một nghệ nhân lớn tuổi hoàn thành sản phẩm thổ cẩm tại làng dệt Pơ Nang. Ảnh: TTXVN

Làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, là một trong 3 làng của xã hiện nay còn khá nhiều chị em biết dệt thổ cẩm truyền thống.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, ngay từ nhỏ, chị Hồ Thị Viên (làng Pơ Nang) đã gắn bó với khung cửi dệt. Từ niềm đam mê, cùng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, chị Viên đã tạo ra những tấm thổ cẩm đầy màu sắc và tinh tế. Hình ảnh dãy núi chập chùng, dòng sông uốn lượn, con chim, con cá, mặt trời… đều được chị Viên khéo léo thể hiện sinh động qua từng tấm vải.

Chị Viên chia sẻ: "Mỗi lần dệt là tôi quên hết mọi việc xung quanh. Mỗi tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản nhưng lại có ý nghĩa riêng, thể hiện tâm tư, tình cảm của người thêu về cuộc sống. Đối với tôi, dệt thổ cẩm không chỉ là đam mê mà còn là sự truyền nối của thế hệ bà, mẹ cho tôi và con cháu sau này".

Những người gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Bahnar - Ảnh 1.

Nghệ nhân Đinh Thị Puốt, 80 tuổi, làng dệt Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu. Nguồn: TTXVN

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến nghề truyền thống dệt thổ cẩm đang dần mai một. Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, chị Viên đã thành lập Tổ dệt truyền thống xã Tú An do chị làm Tổ trưởng. Tổ dệt tập trung những người có tay nghề dệt thành thạo và tiếp tục truyền dạy cho các lớp trẻ.

Thành lập từ năm 2017, Tổ dệt lúc đầu chỉ có 10 chị em, giờ đã có đến hơn 50 thành viên với nhiều thế hệ, lớn tuổi nhất đến nay đã 80 tuổi, ít tuổi nhất là những em học sinh Trung học Cơ sở. Họ cùng chung tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc.

Qua quá trình đào tạo, chăm chỉ học hỏi, luyện tập, tay nghề các thành viên dần dần được nâng lên, sản phẩm làm ra đẹp, đa dạng hơn.

Những người gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Bahnar - Ảnh 2.

Khung dệt có 2 loại ngắn, dài để cho người lớn và trẻ em

Chị em còn được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ máy may để tiện việc sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm, tổ chức một số đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo nghệ nhân Đinh Thị Puốt, 80 tuổi, làng dệt Pơ Nang, để dệt một tấm vải liên tục mất khoảng 1 tháng. Tấm vải đó được cắt ra để may, ráp hay trang trí thành váy, áo, khố, mũ, túi theo kiểu truyền thống. Đấy là cả quá trình rất công phu, tâm huyết. Bà Puốt cho biết thêm dụng cụ dệt thổ cẩm được ghép lại từ nhiều bộ phận rời nhau, chỉ khi ngồi duỗi chân, đeo dây chằng vào phần lưng mới giữ được khung dệt. Khung dệt có 2 loại ngắn, dài để cho người lớn và trẻ em. Một sản phẩm như bộ quần áo bà đang mặc, vải được dệt liên tục trong vòng 3 tuần, sau đó đưa về cắt may, ráp thành trang phục, hoàn thành sản phẩm.

Em Hồ Thị Diễm Như, 13 tuổi, làng dệt Pơ Nang, cho biết em biết dệt từ khi lên 10 tuổi, lúc ấy, đeo khung dệt còn rất khó khăn bởi cơ thể nhỏ xíu của mình.

Em thích được ngồi cùng bà, cùng mẹ trong ngôi nhà Rông của làng để học đường dệt của họ và nghe họ kể về văn hóa, lịch sử buôn làng. Em là lớp kế cận để bảo tồn văn hóa dân tộc. Sau này, em sẽ là thế hệ truyền dạy để nghề dệt mãi được lưu truyền.

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề nan giải bởi dệt thủ công nên giá sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải công nghiệp. Cái khó bó cái khôn, các chị không dệt nhiều quần áo, chăn nữa vì giá cao mà chuyển hướng sang làm các sản phẩm từ vải dệt truyền thống và các dải hoa văn truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như bộ trang sức bông tai, dây cột đầu, vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, tấm lót ly ấm uống nước, tấm trang trí trên tường, khăn quàng cổ, túi đựng laptop, Ipad… Đây là các sản phẩm thông dụng để du khách mua làm quà lưu niệm vì giá cả hợp lý.

Những người gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Bahnar - Ảnh 3.

Giờ đây, tổ dệt đã phát triển ổn định, một số chị em bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng dệt váy, áo, khăn, túi… từ đó, thu nhập được cải thiện ít nhiều

Từ khi khôi phục nghề dệt, tay nghề chị em càng lúc càng khá dần lên, sản phẩm làm đẹp hơn, đa dạng hơn và đã bán được một số sản phẩm tại các sự kiện như: Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018; lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội hát Cầu huê 2019; Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ II-2019... và gần đây nhất là lễ hội Dâu da đỏ Tây Sơn nhị ở xã Cửu An (thị xã An Khê).

Giờ đây, tổ dệt đã phát triển ổn định, một số chị em bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng dệt váy, áo, khăn, túi… từ đó, thu nhập được cải thiện ít nhiều.

Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, thị xã An Khê, cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương luôn ưu tiên cho việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, tổ hợp tác dệt thổ cẩm đan lát. "Tới đây, chúng tôi sẽ đưa dệt thổ cẩm xã Tú An thành sản phẩm OCOP để đẩy mạnh đầu ra cho các mặt hàng dệt truyền thống, tăng thêm thu nhập cho bà con. Đây cũng là động lực góp phần gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây", ông Trần Thanh Cảnh thông tin thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm