pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người gìn giữ văn hóa truyền thống ở vùng “phên dậu” quốc gia
Phụ nữ người Tu Dí vẫn duy trì việc mặc trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày
Mường Khương, tỉnh Lào Cai, là huyện biên giới, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số của cả 2 nước cư trú.
Mặc dù tiếp giáp nhau về mặt khoảng cách, không gian, nhưng các cộng đồng dân tộc thiểu số như người Nùng, người Tu Dí, người Pa Dí, người Thu Lao… ở huyện Mường Khương vẫn gìn giữ và duy trì phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người khá bền vững.
Ông Vàng A Mìn, người dân tộc Nùng Dín ở xã Mường Khương, huyện Mường Khương, chia sẻ: "Dù ở vùng giáp biên, bên kia Trung Quốc cũng có người Nùng, nhưng người dân chúng tôi vẫn giữ gìn những phong tục tập quán, từ việc cưới xin, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng, đều duy trì theo tập tục truyền thống từ xa xưa ông cha để lại nên các phong tục đều được gìn giữ truyền lại cho các thế hệ con cháu”.
Ông Vàng Minh Phà, người Tu Dí, ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cho hay: "Người dân tộc Tu Dí có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, những năm qua ngành văn hóa tích cực tuyên truyền về gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, và hỗ trợ trang thiết bị như loa đài, nhạc cụ, đạo cụ để bảo tồn dân ca, dân vũ, nên người dân càng hăng hái tập luyện và bảo tồn văn hóa truyền thống. Chị em luôn chú trọng sản xuất và mặc trang phục truyền thống nên những nét truyền thống không bị mai một”.
Ông Tráng Khái Phủng, người Pa Dí, ở huyện Mường Khương, Lào Cai, cho biết: "Ở địa bàn giáp biên, bên Trung Quốc và Việt Nam đều có một số dân tộc như người Nùng, người Dao, người Tày… Tuy nhiên, có một số nét văn hóa truyền thống tộc người của các dân tộc bên họ bị mai một do điều kiện phát triển kinh tế. Thí dụ như nghi lễ cúng cơm mới, cúng rừng. Có thể do bên họ từ nhiều năm nay phát triển kinh tế nông trường, không còn phát triển kinh tế nông nghiệp như chúng ta nên các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dần dần bị mai một. Còn ở Việt Nam, các dân tộc vẫn duy trì các tín ngưỡng truyền thống gắn với đời sống lao động sản xuất, nên khá phong phú”.
Cộng đồng người dân tộc Dao ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cũng là một điển hình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của tộc người.
Dù chỉ khoảng cách với làng mạc của các dân tộc bên nước bạn không xa, nhưng từ nhà cửa, lối sinh hoạt, canh tác sản xuất cũng hoàn toàn khác nhau.
Ông Vàng Sín Hoà, ở thôn Lùng Vần Thàng, xã Xín Cái, cho biết: "Người Dao chúng tôi và các dân tộc ở bên kia biên giới đều có thể giao lưu, nói chuyện với nhau bằng tiếng Quan Hỏa, nhưng mình không bao giờ bị ảnh hưởng bởi văn hóa lối sống của họ. Người Dao ở đây vẫn duy trì các phong tục tập quán, lao động sản xuất và thờ cúng tổ tiên đúng theo truyền thống từ các cụ ngày xưa để lại. Người Dao hay người Mông, người Nùng ở đây luôn nghĩ mình là người Việt Nam nên phải gìn giữ văn hóa đúng cách của dân tộc Việt Nam. Chính quyền địa phương như huyện xã, ngành văn hóa cũng thường xuyên tuyên truyền như vậy cho người dân. Nên người dân đều hiểu và càng có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình”.