pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người vợ thầm lặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên

Bà Đỗ Thị Lương chăm sóc chồng là thương binh Trần Văn Vệ. Bà là đôi chân của ông, suốt hơn 40 năm không rời một bước

Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Ninh Bình)
Giữa những dãy phòng điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Ninh Bình), đâu đó vẫn vang lên tiếng thì thầm ân cần của một người vợ đang lau mặt cho chồng. Người thương binh ấy từng là người lính trở về từ chiến trường với những mất mát thân thể nay đã già yếu, nhưng bên cạnh ông, tình yêu vẫn hiện hữu trong hình hài một người phụ nữ tóc bạc, dáng gầy, đôi mắt luôn ánh lên sự nhẫn nại và thương yêu.
Họ là những người vợ của thương binh nặng - những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi xuân để gắn bó với một cuộc đời đầy khó khăn và bất trắc.
Một đời đi bên cạnh nửa thân thể
Hơn 40 năm qua, bà Đỗ Thị Lương (hiện 70 tuổi) vẫn ngày ngày chăm sóc chồng - ông Trần Văn Vệ, thương binh hạng 1/4 mất cả hai chân sau trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Họ cưới nhau khi ông Vệ vừa trở về từ chiến trường, lúc ấy chỉ còn nửa thân thể. Gia đình phản đối, bạn bè can ngăn nhưng bà Lương chỉ nói một câu: "Anh ấy mất một nửa thân thể vì Tổ quốc. Tôi còn nguyên vẹn thì tôi phải thay phần còn lại chăm lo cho anh".

Bà Đỗ Thị Lương và chồng là thương binh Trần Văn Vệ
Suốt mấy chục năm trời, bà không một ngày rời ông. Từ chăm ăn, thay băng, đến xoa bóp khi trái gió trở trời, mọi công việc bà đều làm bằng một tình yêu vô điều kiện. Những người sống cùng Trung tâm nói rằng, bà Lương chính là "đôi chân" của ông Vệ.
Làm "y tá suốt đời" cho chồng
Không chỉ có bà Lương, ở Trung tâm còn có bà Phan Thị Hòa (71 tuổi), vợ của thương binh Hoàng Văn Thịnh bị mất 97% sức khỏe . Mỗi sáng, bà đều dậy từ 4 giờ, nấu cháo loãng rồi xay nhuyễn, đút từng thìa cho chồng. Có những lúc ông lên cơn co giật, bà lại khóc, lại run tay nhưng vẫn bám trụ.
Người ta hỏi: "Sao bà không gửi ông vào trung tâm rồi về quê sống cho khỏe?", bà chỉ cười: "Về quê thì lòng tôi cũng không yên. Tôi ở lại đây không phải vì nghĩa vợ chồng nữa, mà vì nghĩa người với người".

Bà Phan Thị Hòa, vợ của thương binh Hoàng Văn Thịnh


“Tình yêu không cần hồi đáp, chỉ cần còn được ở bên"
Tình yêu không lời - Sự hy sinh không tiếng vỗ tay
Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên được thành lập từ tháng 7/1957. Trải qua 68 năm, các thương binh trên mọi miền Tổ quốc đã về đây, điều trị điều dưỡng tại Trung tâm, coi Trung tâm như một mái nhà chung. Người có tuổi đời cao nhất hiện tại là 92 tuổi, người ít nhất cũng đã 62 tuổi. Hiện có hơn 50 thương binh nặng đang được chăm sóc tại Trung tâm, chủ yếu là những người có tỷ lệ thương tật trên 81% loại đặc biệt.
Hơn một nửa trong số đó vẫn được người thân, vợ con chăm sóc thường xuyên. Nhưng chỉ những người vợ mới là hiện thân cho một khía cạnh khác của tình yêu thời bình: không ồn ào, không ánh hào quang, chỉ lặng lẽ hy sinh.
Những người phụ nữ ấy đã dành cả tuổi thanh xuân và sức lực để đi cùng những người đàn ông không còn lành lặn. Họ chọn ở lại, dù có thể chọn một cuộc sống khác.

Ông Phan Minh An, Trưởng phòng tổ chức Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, chia sẻ: “Không chỉ chăm sóc về thể chất, các bà, các chị còn là chỗ dựa tinh thần quý giá nhất với các thương binh"
Khi tình yêu là bền lòng đi đến cuối cùng
Nhiều người vợ thương binh nay đã bước sang tuổi xế chiều. Họ không còn khỏe, nhưng tình yêu thì vẫn nguyên vẹn. Có người từng nói, họ là "hậu phương của hậu phương" - những bông hoa lặng lẽ nở trong bóng tối nhưng rực rỡ trong lòng những người lính già.
Khi đất nước hòa bình, có những điều vẫn cần được tri ân mỗi ngày và tình yêu, sự hy sinh của những người vợ thương binh chính là một trong số đó.

Tình nghĩa ấy, đôi khi còn thiêng liêng hơn cả những tấm huy chương
Như ông Phan Minh An, Trưởng phòng tổ chức Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, chia sẻ: “Không chỉ chăm sóc về thể chất, các bà, các chị còn là chỗ dựa tinh thần quý giá nhất với các thương binh. Tình nghĩa ấy, đôi khi còn thiêng liêng hơn cả những tấm huy chương!".