pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những nguyên nhân dễ gây đổ vỡ gia đình
Trong đời sống vợ chồng, những mâu thuẫn về tiền bạc dễ khiến cuộc sống gia đình trở nên nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ rạn nứt.
Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Bowling Green State (Ohio, Mỹ) Susan L. Brown từng nhận xét: "Những người lớn tuổi ngày nay ít có khả năng sẵn sàng tiếp tục cuộc sống hôn nhân rỗng tuếch. Hôn nhân trong thời đại này hướng đến hạnh phúc cá nhân nhiều hơn so với các thập kỷ trước. Lứa tuổi trung niên đặt kỳ vọng rất cao vào những điều tạo nên thành công trong hôn nhân".
Bởi vậy, muốn giữ "ngọn lửa" hạnh phúc gia đình tuổi trung niên, không thể bỏ qua những nguyên nhân dễ dẫn đến đổ vỡ dưới đây.
Thiếu chung thủy
Bà Susan L. Brown cho rằng, một trong những lý do dẫn đến "ly hôn tuổi hoa râm" là sự không chung thủy. Đây là lựa chọn của một trong hai người khi phát hiện "nửa kia" phụ bạc mình, khiến họ không còn ý định níu kéo dù vì bất cứ lý do nào. Theo bà Brown, việc ly hôn giúp cho cuộc sống của người trong cuộc trở nên độc lập và tích cực hơn...
Đời sống gia đình nhạt nhẽo
Nhiều cặp đôi khi còn trẻ thì đồng tâm hợp lực, chung sức chung lòng vì gia đình, chăm lo con cái, gây dựng kinh tế. Thế nhưng bước vào độ tuổi trung niên, con cái lớn khôn, kinh tế vững vàng, gia đình ổn định thì vợ chồng lại thiếu sự gắn kết, trở nên độc lập, việc ai nấy lo.
Thậm chí, nhiều gia đình khi con cái trưởng thành, ra ở riêng, nhà còn lại hai vợ chồng lớn tuổi nên ai thích gì ăn nấy, không còn duy trì bữa cơm gia đình như trước. Điều này khiến đời sống gia đình trở nên nhạt nhẽo, lỏng lẻo.
Mâu thuẫn tiền bạc
Trong đời sống vợ chồng, những mâu thuẫn về tiền bạc dễ khiến cuộc sống gia đình trở nên nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ rạn nứt. Mâu thuẫn kinh tế không chỉ đơn giản là chuyện vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng hay vợ hà tiện, chồng rộng rãi; vợ lãng phí, chồng chi ly mà còn là quan điểm về tiền bạc của vợ và chồng có những điểm khác biệt…
Thực tế, có nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ liên quan đến mâu thuẫn tiền bạc. Ví dụ, người vợ chấp nhận ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái, gia đình để chồng ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình.
Cho dù cả hai vợ chồng đều vất vả vì gia đình nhưng thiếu sự thông cảm, chia sẻ, người nào cũng cho rằng mình phải hy sinh quá nhiều vì gia đình, dẫn đến nảy sinh căng thẳng. Sau nhiều năm tích tụ sự ấm ức mà không được giải toả dẫn đến bùng nổ mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân.
Khoảng cách trong giao tiếp, ứng xử
Nghiên cứu hành vi của các cặp vợ chồng do Viện Gottman (New York, Mỹ) thực hiện chỉ ra 4 phong cách giao tiếp gây ra sự kết thúc của một mối quan hệ. Đó là chỉ trích, khinh thường, phòng thủ và "ném đá". Trong mối quan hệ vợ chồng, khi một trong những lối ứng xử này xuất hiện, giữa hai người hình thành sự xa cách và tâm lý không tin cậy, dần là nguyên nhân dẫn đến chia tay.
Lý giải về sự gia tăng số vụ ly hôn ở tuổi trung niên, chuyên gia tư vấn tâm lý, tình cảm Trịnh Trung Hoà (Trung tâm Tư vấn Tâm lý Linh Tâm, Hà Nội) cho rằng, những vấn đề không được giải quyết trong suốt thời gian chung sống có thể gây ra sự ức chế tâm lý, tổn thương cảm xúc, khiến hạnh phúc hiện tại (ở tuổi trung niên) bị đe dọa.
Xét ở góc độ tâm lý, tuổi trung niên là khoảng thời gian con người tạm biệt một giai đoạn của cuộc đời và chào đón một giai đoạn mới. Bởi vậy, vợ chồng tuổi trung niên cũng có xu hướng thừa nhận, giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong đời sống vợ chồng để hai người được giải phóng khỏi những ràng buộc, có một cuộc sống tự do hơn.