Những nồi bánh chưng, bánh tét không đợi Tết

Hoài Thương
27/10/2020 - 10:20
Những nồi bánh chưng, bánh tét không đợi Tết

Những bánh chưng, bánh tét được gói cả trong đó tình cảm của người miền Nam gửi cho “khúc ruột miền Trung”. Ảnh Nguyễn Trang

Theo phong tục truyền thống của người Việt, bánh chưng, bánh tét thường được gói vào dịp Tết cổ truyền. Thế nhưng, năm nay mới cuối tháng 10 nhiều địa phương đã thi nhau gói bánh. Những chiếc bánh mang tên “vì khúc ruột miền Trung thương yêu”.

Với sự suy nghĩ thấu đáo và thực tế của người phụ nữ, cuối cùng bánh chưng, bánh tét trở thành hàng cứu trợ “ấn tượng” nhất gửi đến người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm nay. Nhiều hội viên phụ nữ đã linh hoạt phối kết hợp với đoàn thể tại địa phương cùng nối dài “bếp” lửa yêu thương, cùng thổi bùng ngọn lửa đoàn kết, san sẻ những với miền Trung trong những lúc ngặt nghèo.

Với phương châm ai có gì góp nấy, người góp gạo, người góp nếp, góp đậu, góp công, góp của… cứ thế những nồi bánh chưng, bánh tét ngày càng đầy ắp. Chưa bao giờ thấy, ở hai đầu đất nước đến vùng miền Tây, Tây Nguyên, ai ai cũng hối hả chung tay gói bánh dù chưa phải Tết. Từ người già đến trẻ nhỏ, chị em phụ nữ đến thanh niên, dù là người miền nào cũng vì đồng bào chẳng đắn đo suy tính.

Tại TPHCM, các chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn đã “trắng đêm” nổi lửa gói bánh để kịp gửi cho miền Trung. Nhiều chi hội phụ nữ không cần đợi Hội cấp trên phát động, các chị đã chủ động vận động nhau cùng làm vì 2 chữ “tình người”.

Chị Đỗ Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân, TPHCM cho biết, các hội viên phụ nữ trên địa bàn quận, trước hết là các chi hội trưởng, chi hội phó đứng đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng góp sức, linh hoạt gói bánh tét để kịp gửi ra miền Trung.

“Năm nay mọi người chọn gói bánh tét để gửi đi là vì: Bánh tét là món ăn rất thiết thực. Trong mùa lũ, người dân không thể nấu nướng, ngay cả mì tôm thì cũng không thể có điều kiện để nấu chín. Vậy nên, bánh tét là món ăn cấp thiết, thuận tiện. Lúc đói bụng, người dân có thể ăn ngay khoanh bánh tét để chống đói, vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Những đòn bánh này được gói cả trong đó tình cảm của người miền Nam gửi cho “khúc ruột miền Trung”. Chị Đỗ Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân, TPHCM chia sẻ.

Những nồi bánh chưng bánh tét không đợi Tết ! - Ảnh 1.

Nhiều hội viên phụ nữ quận Bình Tân tham gia gói bánh tét gửi đến đồng bào miền Trung. Ảnh Trang Nguyễn

Không chỉ các hội viên phụ nữ quận Bình Tân, mà khắp các quận trên địa bàn thành phố như quận Tân Phú, quận 2, quận 9, Gò Vấp, huyện Củ Chi… người dân đều chung tay gói bánh và đã gửi ra tận nơi. Từ vài chục đòn bánh ban đầu của vài hộ tiên phong thì con số này đã lên đến hàng chục nghìn. Người đóng góp ngày càng nhiều và việc tốt cứ thế tự nhân lên.

Tại tỉnh Đắk Lắk, các cấp Hội LHPN tỉnh đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng, 4000 thùng mì tôm, hơn 20.000 cái bánh tét, bánh chưng, nước uống đóng chai, đồ dùng… để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt thiên tai. Ở khâu nào, chị em phụ nữ cũng là người đi đầu, lo lắng, gói gém cẩn thận từng món hàng cứu trợ mang đi.

Chị Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Những năm trước tôi chưa thấy nhiều nơi gói bánh tét để gửi đi cứu trợ như năm nay. Thấu hiểu được thực tế của người dân vùng lũ, nên các chị em nghĩ đến gửi món gì ăn được liền, ngay cả mì tôm ăn nhiều lần cũng ngán. Nên các cấp Hội nghĩ ra gói bánh chưng bánh tét, thứ nhất là để được dài ngày, đảm bảo tính tiện lợi và dinh dưỡng, trong bánh có thịt, có tinh bột… Nhiều nơi chị em còn ép chân không nên để được lâu hơn. Ngoài ra còn làm khô gà, khô thịt gửi ăn kèm”.

Những nồi bánh chưng bánh tét không đợi Tết ! - Ảnh 2.

Phụ nữ Đắk Lắk cũng tham gia ngày đêm gói bánh, nấu bánh vì "Khúc ruột miền Trung thương yêu"

Và còn rất nhiều chị em trên cả nước vẫn đang ngày đêm vận động nấu bánh, gói bánh. Ngoài ra, các chị còn vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo,tiền mặt… để gửi miền Trung. Thật cảm động với tấm lòng của nhiều hội viên phụ nữ hăng hái góp công, góp sức để tiếp sức cho miền Trung, gửi yêu thương đến những người chỉ biết mặt qua vài giây trên sóng truyền hình hay qua các bài báo, thậm chí chưa bao giờ biết nhau.

Càng cảm động hơn khi có những người như vợ chồng chị Châu Thị Thủy và anh Nguyễn Hữu Thăng chủ quán cơm (khu phố Nông Doanh, Xuân Tân, Long Khánh, Đồng Nai) đã miễn phí tiền cơm cho các đoàn đi làm từ thiện ở miền Trung. Hay nhiều nhà hàng, khách sạn ở ngay các tỉnh bị ngập lụt như Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã mở cửa tiếp đón miễn phí các đoàn thiện nguyện.

Những nồi bánh chưng bánh tét không đợi Tết ! - Ảnh 3.

Những chiếc bánh tét được gói bằng cả yêu thương

Dẫu còn đó nhiều tranh cãi xôn xao về vấn đề từ thiện trên các diễn đàn hay số ít người lợi dụng lòng tốt của các đoàn mà có những hành động trục lợi hoặc lợi dụng mạng xã hội tự bình phẩm, đánh giá công tác thiện nguyện không theo hướng xây dựng mà chỉ muốn “trang điểm” lại trang mạng xã hội của mình cho sôi nổi. Những hành động đó đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Và chắc chắn, những người có hành xử chưa đúng mực cũng sẽ cân nhắc, suy nghĩ lại.

Dẫu còn nhiều thiếu sót trong quá trình làm thiện nguyện như nhiều đòn bánh bị hỏng do quá trình vận chuyển nhưng trên hết chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẻ chia với nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn như thế này. Cách đây một vài tháng chúng ta thấy được tình đoàn kết của người Việt trong đợt dịch Covid-19 thì lần này lũ lụt là chất “kết dính” gắn kết bền chặt thêm một lần nữa. Chúng ta cùng nhau khẳng định rằng: Lũ có thể cuốn trôi tất cả nhưng tình người sẽ luôn “mắc” lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm