Những phụ nữ tiên phong khám phá Nam Cực

Nhu Thụy
12/04/2022 - 19:00
Những phụ nữ tiên phong khám phá Nam Cực

Margaret Bradshaw, nhà địa chất học người New Zealand

Những vịnh nhỏ, đỉnh núi, sông băng và một số địa danh ở Nam Cực đã được đặt tên để tôn vinh các nhà thám hiểm và nhà khoa học nữ, những người đã đóng góp vào sự hiểu biết của con người về lục địa này.

Nam giới đã khám phá Nam Cực trong hơn một thế kỷ trước, trong khi bà Ingrid Christensen, người Na Uy, lần đầu tiên đặt chân lên đất liền của lục địa này năm 1937. Mặc dù phụ nữ được phép làm việc ngoài khơi, hầu hết phụ nữ bị cấm làm việc ở Nam Cực cho đến những năm 1970, 1980.

Jennifer Fought, một nhà địa chất học trên tàu du lịch thám hiểm Scenic Eclipse, cho biết: "Nhiều phụ nữ tham gia khám phá Nam Cực vào đầu thế kỷ 20 là vợ của các nhà thám hiểm. Bà Kathleen Scott là người đã quyên góp tiền cho cuộc chạy đua tới Nam Cực của chồng mình nhưng vẫn bị cấm đến thăm lục địa này vì những lý do như khí hậu quá khắc nghiệt đối với phụ nữ hay họ cho rằng phụ nữ không có khả năng xử lý các tình huống khủng hoảng. Thực tế, là một phụ nữ Mỹ, tôi không được phép tự do làm việc ở Nam Cực cho đến năm 1969 khi Hải quân Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đưa phụ nữ đến Đại lục trắng".

Rất may, trong 53 năm kể từ thời đó, cả phụ nữ Mỹ và phụ nữ trên thế giới đã được bù đắp cho khoảng thời gian đã mất khi có thể vượt qua những con đường mòn xuyên Nam Cực và đạt được những kỳ tích đáng kinh ngạc.

Năm 1993, nhà thám hiểm người Mỹ Ann Bancroft và nhóm của mình đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên đến Nam Cực bằng ván trượt. Năm 2011, nhà thám hiểm Barbara Hillary là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có mặt ở Nam Cực. Năm 2012, nhà tiên phong người Anh Felicity Aston trở thành người đầu tiên trượt tuyết một mình qua Nam Cực, là người phụ nữ đầu tiên một mình vượt qua toàn bộ khối đất liền Nam Cực.

Có mặt ở Nam Cực, phụ nữ đã có nhiều đột phá khoa học, từ việc phát hiện ra một loạt hồ dưới băng đang hoạt động đến việc sử dụng tàu lượn đại dương tự hành để đo đạc đại dương ở những vùng nước khó tiếp cận. Giờ đây, các đặc điểm địa chất của Nam Cực đã mang tên của nhiều nhà thám hiểm khoa học là nữ.

Dưới đây là những địa danh nổi bật ở Nam Cực mang tên những người phụ nữ tiên phong:

Fricker Ice Piedmont

Dải đất thấp ven biển dài 7,5 dặm được bao phủ bởi băng và được bao bọc bởi các dãy núi, dọc theo phía Đông của đảo Adelaide được đặt theo tên nhà băng học Helen Amanda Fricker, giáo sư người Mỹ tại Viện Hải dương học ở San Diego, California.

Bà Fricker đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để nghiên cứu quá trình tan chảy của băng khiến mực nước biển tăng và gây biến đổi khí hậu. Sử dụng dữ liệu từ Vệ tinh độ cao đất, mây và băng của NASA (ICESat) được phóng năm 2003, bà Fricker cũng đã phát hiện ra một hệ thống các hồ đang hoạt động dưới các dòng băng của lục địa.

Đến năm 2009, bà và các đồng nghiệp đã phát hiện ít nhất 124 hồ như vậy trên khắp Nam Cực mà tính đến năm 2019, có ít nhất 400 trong số đó được biết là tồn tại. Chúng bao gồm hồ Whillans, một vùng nước chứa đầy vi khuẩn nằm dưới bề mặt của lớp băng Tây Nam Cực, sâu gần 792m.

Helen Amanda Fricker, nhà băng học người Mỹ

Helen Amanda Fricker, nhà băng học người Mỹ.

Năm 2010, bà Fricker đã giành được Giải thưởng Martha Muse về Khoa học và Chính sách (nay là Tinker-Muse), một giải thưởng công nhận những đóng góp của một cá nhân thúc đẩy sự hiểu biết và bảo tồn Nam Cực cho các thế hệ tương lai.

Đỉnh Klenova

Nhà địa chất học người Nga Maria Klenova (1898-1976) được mệnh danh là "Mẹ của địa chất biển" cho công trình phân tích về địa chất đáy biển của Nam Cực thông qua việc sử dụng các phép đo hải dương học.

Sau khi bị từ chối tham gia một số tàu săn cá voi tới lục địa vì là phụ nữ, bà Klenova đã tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên của Liên Xô từ năm 1955 đến 1957. Bà trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên thực hiện nghiên cứu ở Nam Cực.

Bà Klenova cũng đã giúp lập bản đồ Atlas Nam Cực đầu tiên của Liên Xô, một bộ sách gồm 4 tập được tạo ra bằng cách điều hướng các khu vực chưa được khám phá trước đây của bờ biển Nam Cực năm 1956. Đỉnh Klenova cao 2.300m, một phần của dãy núi Sentinel được gọi tên để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà khoa học này.

Nhà địa chất học người Nga Maria Klenova

Nhà địa chất học người Nga Maria Klenova.

Bernasconi Cove

Bernasconi Cove nằm trên bán đảo Jason, một dải các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng nhô ra phía Đông từ Bán đảo Nam Cực và đổ ra biển Weddell. Nó được đặt theo tên của nhà sinh vật biển người Argentina Irene Bernasconi.

Trong sự nghiệp hoạt động của mình (từ năm 1924 đến 1984), Bernasconi là một trong những chuyên gia hàng đầu của Argentina nghiên cứu về động vật không xương sống ở biển như sao biển, nhím biển và sao giòn.

Bernasconi cũng là 1 trong 4 nhà khoa học nữ đã đến Nam Cực cuối năm 1968 và dành 2 tháng rưỡi tại Căn cứ Melchior trên Đảo Gamma, ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc của Bán đảo Nam Cực, thu thập các mẫu nước biển, bùn, hệ động thực vật, bao gồm hơn 2.000 mẫu vật da.

Những phụ nữ tiên phong khám phá Nam Cực - Ảnh 3.

Nhà sinh vật biển người Argentina Irene Bernasconi.

Ba nhà khoa học nữ khác đều được đặt tên cho các địa danh ở Nam Cực Cape Caría, Cape Fontes, Pujals Cove gồm: Nhà vi khuẩn học Maria Adela Caría; chuyên gia về động vật không xương sống ở biển Martínez Fonte, chuyên gia nghiên cứu tảo biển Carmen Pujals.

Jones Terrace

Năm 1969, nhà địa hóa học Lois M. Jones (1934-2000) dẫn đầu nhóm nghiên cứu toàn nữ đầu tiên từ Mỹ đến làm việc tại Nam Cực. Jones và đồng nghiệp đã nghiên cứu quá trình phong hóa hóa học ở thung lũng khô McMurdo, một trong số ít khu vực không có băng ở Nam Cực.

Thông qua các phân tích hóa học về đá, nhóm của bà Jones đã làm sáng tỏ nhiều đặc điểm địa hóa của các hồ phủ băng trong thung lũng, đồng thời sử dụng các công cụ và nguyên tắc hóa học để giải thích rằng khí hậu thung lũng khô hạn là do sự phân hóa khoáng chất của các hồ. Ngày nay, một khu vực không có băng ở Dãy núi Olympus ở Victoria Land, phía Đông Nam Cực cao từ 792m đến đỉnh cao hơn 1.005m mang tên Jones.

Nhà địa hóa học người Mỹ Lois M. Jones (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp ở Nam Cực

Nhà địa hóa học người Mỹ Lois M. Jones (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp ở Nam Cực

Đỉnh Bradshaw

Tại độ cao 1.615m ở phía Tây Nam của sông băng McLay trong dãy núi Churchill của Nam Cực, đỉnh Bradshaw vinh danh bà Margaret Bradshaw, một nhà địa chất học người New Zealand gốc Anh đến từ Đại học Canterbury. Bà Bradshaw đến Nam Cực trong 2 năm 1975-1976 để thu thập các mẫu vật cho Bảo tàng Canterbury. Năm 1979, bà là người phụ nữ đầu tiên dẫn đầu một nhóm dã chiến tiến sâu vào Nam Cực, hạ trại ở dãy Ohio hẻo lánh - Một dãy núi dài 48km là một phần của dãy núi Xuyên Cực khổng lồ của lục địa.

Bà Bradshaw đã nghiên cứu cấu trúc lục địa và địa tầng của đá từ thời kỳ địa chất kỷ Devon (từ 419,2 triệu đến 358,9 triệu năm trước) và là người đầu tiên ghi lại hóa thạch cá được tìm thấy trong vùng lộ thiên của dãy núi Cook ở Nam Cực trong 2 năm 1988-1989.

Bà từng là Chủ tịch của Hiệp hội Nam Cực New Zealand từ năm 1993 đến năm 2003 và cũng là người phụ nữ New Zealand duy nhất được trao tặng Huân chương của Nữ hoàng năm 1993. Huân chương được trao cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu Nam Cực.

Nguồn: smithsonianmag.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm