pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những sai lầm phổ biến khi bảo quản thực phẩm tại nhà
Nhiều người thường sử dụng túi nilon để bảo quản thực phẩm nhưng đây không phải là lựa chọn an toàn. Ảnh minh họa.
Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga về vấn đề này.
- Bác sĩ có thể cho biết những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi bảo quản thực phẩm tại nhà?
Ngày nay, hầu hết mỗi gia đình đều sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách không chỉ làm giảm chất lượng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Thứ nhất là không rửa sạch thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Thực phẩm chưa được làm sạch như rau củ, thịt cá tươi sống chứa nhiều vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella, Listeria, gây ngộ độc và các bệnh lý đường tiêu hóa.
Nhiều người vẫn có thói quen để thực phẩm tươi sống chung với thực phẩm đã chế biến làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn. Không chỉ vậy, việc tích trữ thực phẩm quá hạn hoặc qua đêm không đúng cách cũng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng. Thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh dễ bị hỏng và mất đi giá trị dinh dưỡng. Một số loại như rau, nấm khi bảo quản qua đêm có thể làm tăng nitrite - một hợp chất gây hại, có nguy cơ dẫn đến ung thư nếu hấp thụ lâu dài. Gỏi, nộm và các thực phẩm không qua chế biến nhiệt cũng dễ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng nếu lưu trữ lâu.
Không đậy kín thức ăn thừa, đây cũng là một trong những sai lầm phổ biến. Thức ăn thừa không được bọc hoặc đậy kín dễ trở thành nơi vi khuẩn sinh sôi và có nguy cơ lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Nhiều người thường sử dụng túi nilon để bảo quản thực phẩm nhưng đây không phải là lựa chọn an toàn. Một số loại túi nilon chứa chất tạo màu hoặc hóa chất độc hại, có nguy cơ gây ung thư nếu tiếp xúc với thực phẩm.
- Bên cạnh đó còn có sai lầm nghiêm trọng nào trong cách bảo quản thực phẩm, thưa bác sĩ?
Cấp đông lại thực phẩm sau khi đã rã đông là một sai lầm nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Việc cấp đông và rã đông nhiều lần không chỉ làm giảm chất lượng mà còn tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, việc ít vệ sinh tủ lạnh có thể biến tủ lạnh thành nơi tích tụ vi khuẩn và mùi hôi, gây lây nhiễm chéo và giảm chất lượng thực phẩm.
- Vậy bác sĩ có thể chỉ ra chúng ta nên làm như thế nào để bảo quản thực phẩm tươi sống đúng cách?
Bảo quản thực phẩm tươi sống đúng cách không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí mà còn giữ được màu sắc, dinh dưỡng của thực phẩm.
Thứ nhất, đối với các loại thịt, cá, tôm nên giữ nguyên bao bì, bảo quản riêng bằng hộp đựng thức ăn chuyên chứa thịt và nên sử dụng hết trong khoảng 2 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, nên để trong hộp đựng thức ăn.
Sữa là loại dễ hấp thụ mùi vị của những thực phẩm khác. Do đó, không nên để sữa gần với các loại thực phẩm có mùi mạnh. Cách tốt nhất là giữ nguyên bao bì của chúng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín rồi đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
Các loại củ như củ dền, củ cải và cà rốt thì cần cắt bỏ phần lá xanh trên ngọn, cho chúng vào những chiếc túi bảo quản và giữ lạnh. Những loại rau có nhiều lá, phải nhặt sạch những lá bị vàng, hỏng để chúng thật ráo nước, cho vào các túi riêng rồi mới cho túi bảo quản giữ lạnh. Chúng ta cũng không nên rửa nấm trước khi bảo quản và để chúng trong các túi giấy sẽ giữ được lâu hơn. Đối với các loại hành, tỏi, khoai tây, bí không cần giữ lạnh mà chỉ cần để ở nơi khô và tối.
- Ngoài ra, bác sĩ còn có lưu ý gì cho người dân trong việc bảo quản thực phẩm tại nhà?
Nếu muốn lưu trữ thức ăn còn dư, trước tiên chúng ta phải cho vào hộp kín, đậy nắp thật cẩn thận, đặt chúng vào ngăn đá và cố gắng chỉ sử dụng trong khoảng 2-3 ngày đó.
Chúng ta cũng không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Nếu không thể giảm bớt số lượng thực phẩm cần lưu trữ, bạn hãy nhớ chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo không khí bên trong luôn giữ cho thực phẩm tươi xanh.
Chúng ta chỉ nên để thịt trong ngăn đá tủ lạnh tầm 1 tuần, còn nếu để trong ngăn mát thì chỉ nên 2 ngày. Với thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3 - 5 ngày.
Gia đình nên khử mùi, diệt khuẩn tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần, cần loại bỏ thực phẩm hư hỏng, lau chùi kỹ từng ngăn tủ và xử lý các vết bẩn. Việc này không chỉ giúp duy trì môi trường bảo quản sạch sẽ mà còn kéo dài tuổi thọ của tủ lạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!