pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những tác hại của hôn nhân cận huyết thống
Ảnh minh họa
Theo các tài liệu khảo sát và công bố của các chuyên gia, hôn nhân cận huyết thống là một trong những lý do chính gây bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Trên thế giới có khoảng 7% dân số mang gene bệnh Thalassemia. Nguyên nhân của bệnh là do đột biến gene Alpha-Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 16 và Beta-Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 11, làm giảm hoặc mất khả năng tổng hợp chuỗi globin và bệnh được di truyền theo kiểu gene lặn trên nhiễm sắc thể thường. Biến chứng của hội chứng bệnh thường gây ra khả năng tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến dạng xương, chậm phát triển và các bệnh về tim mạch.
Cận huyết và loạn luân không chỉ gây ra hội chứng bệnh Thalasseia mà theo nghiên cứu của Robert E. Wenk, các đứa trẻ sinh ra từ những cặp bố mẹ có quan hệ cận huyết thừa hưởng 2 alen do tổ tiên truyền lại (IBD) nên làm tăng kiểu gene đồng hợp tử. Vì vậy sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về di truyền. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc giao cấu cận huyết có khả năng dẫn đến nguy cơ sinh ra những đứa trẻ không khỏe mạnh, chậm phát triển, mang dị tật bẩm sinh rất cao… Đặc biệt, nếu hành vi giao cấu là giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ (bao gồm những người có cùng huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau) hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì nguy cơ trên sẽ cao hơn nữa.
Chính Charles Darwin, "cha đẻ" của thuyết tiến hóa và di truyền học, đã quyết định lấy cô em họ của mình là Emma Wedgwood, có với nhau 10 mặt con và vài người trong số đó đã bị mắc những căn bệnh xuất phát từ hôn nhân cận huyết. Ông không ngừng theo dõi các vấn đề sức khỏe của các con khi chúng lớn lên và cẩn thận viết vào một cuốn sổ tay mà sau này nó được dùng làm lời chứng thực cũng như nền tảng cho nghiên cứu tương lai. Trong một lá thư gửi cho một trong những người bạn thân của mình, Darwin viết rằng: "Đám trẻ trông có vẻ yếu ớt, thiếu sinh khí". Các nghiên cứu mà Darwin tiến hành trong cùng lúc quan sát sức khỏe con cái đã giúp ông phát triển ra những giả thuyết tiến bộ hơn về hiểm họa của hôn nhân cận huyết.
Giáo sư Michael Golubovsky đến từ trường Đại học California, Berkeley (Mỹ), đã tiến hành nghiên cứu về chứng vô sinh của 3 người con của Darwin và cho rằng, đó là hệ quả của việc kết hôn giữa những người anh chị em họ với nhau. Theo ông, cả hai gia đình Darwin và Wedgwood đều mang gene đột biến liên quan đến chứng vô sinh. Cả Charles và Emma đều mang trong mình một phiên bản gene đột biến. Vì thế, 3 người con của họ là William, Henrietta và Leonard đều thừa hưởng gấp đôi số gene đột biến này. Hệ quả tất yếu là cả 3 đều bị vô sinh.
Bà Debra Lieberman, nhà tâm lý học tiến hóa tại trường Đại học Hawaii (Mỹ), cho biết, vấn đề của loạn luân là nó có thể giữ những gene xấu và những người họ hàng gần gũi về di truyền có nguy cơ sinh ra con cái có cơ hội sống thấp. Bên cạnh đó, hành vi loạn luân sẽ làm đảo lộn trật tự trong gia đình, tạo nên sự chồng chéo phức tạp giữa các mối quan hệ. Xét về mặt xã hội, hôn nhân cận huyết thống và loạn luân gây ảnh hưởng không tốt đến văn hóa, đạo đức gia đình; phá vỡ và làm thui chột giá trị truyền thống văn hóa gia đình tốt đẹp, đồng thời làm giảm sút chất lượng nòi giống.
Nghiên cứu của Christine Courtois, Richard Kluft và Leslie Margolin chỉ ra rằng, trẻ em là nạn nhân loạn luân khi lớn lên thường xuyên cảm thấy thiếu tự tin, hay gặp khó khăn trong mối quan hệ giữa các cá nhân. Còn Marylene Cloitre, một thành viên của nhóm làm việc về rối loạn căng thẳng và chấn thương của Tổ chức Y tế Thế giới, lưu ý rằng các nạn nhân chịu nhiều chấn thương phức tạp như rối loạn chức năng tình dục, có nguy cơ cao bị các rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng sợ hãi, rối loạn dạng cơ thể, lạm dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách ranh giới…