Ninh Bình: Hơn 41.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi

Hồng Nhân
23/07/2025 - 09:25
Ninh Bình: Hơn 41.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi

Hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch diễn ra thuận lợi, an toàn, hiệu quả sau sắp xếp đơn vị hành chính

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng từ cơ sở, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các điểm giao dịch và Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã trở thành động lực, điểm tựa tài chính vững chắc cho người dân địa phương này phát triển kinh tế bền vững.

Đầu năm 2023, bà Phạm Thị Bốn, xã Khánh Trung, tỉnh Ninh Bình, được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư vào chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả. Với kinh nghiệm dày dặn trong chăn nuôi và canh tác, bà Bốn đã xây dựng mô hình kinh tế bền vững với đàn lợn 50 con, gồm cả lợn sinh sản và thương phẩm, cùng 100 gốc ổi và nhiều diện tích cây màu.

Mô hình này mang lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm, không chỉ giúp gia đình bà thoát nghèo mà còn tạo việc làm ổn định cho các con với thu nhập bền vững. Bà Bốn chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH là đòn bẩy quan trọng, giúp những hộ dân khao khát làm giàu nhưng thiếu vốn như chúng tôi có cơ hội đổi đời”.

Cũng như bà Bốn, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xã Nam Xang (hợp nhất từ 3 xã Công Lý, Nguyên Lý và Đức Lý). Từng là hộ cận nghèo, gia đình chị Hà gắn bó với nghề sản xuất giò truyền thống nhưng quy mô nhỏ lẻ do hạn chế về vốn. Nhờ tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, chị Hà lần lượt được vay 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ cận nghèo, và 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Số vốn này được chị đầu tư vào cải tạo cơ sở sản xuất, mua sắm máy móc hiện đại và mở rộng quy mô kinh doanh.

Hiện nay, cơ sở sản xuất giò của chị Hà cung cấp gần 200kg giò mỗi ngày, mang lại lợi nhuận từ 45 - 50 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo việc làm bán thời gian cho 4 lao động địa phương. “Dù các khoản vay không lớn, nhưng lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình tôi đầu tư hiệu quả, cải thiện cuộc sống. Từ hộ cận nghèo, chúng tôi giờ đã có cơ ngơi vững chắc và tự tin hơn”, chị Hà tâm sự.

Một điểm sáng khác là gia đình chị Phùng Thị Thủy ở xã Phú Long (hợp nhất từ 2 xã Kỳ Phú và Phú Long). Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của chị giờ đây đầy đủ tiện nghi, với vườn cây ăn quả xanh tốt, đàn gà, lợn phát triển. Chị Thủy tâm sự: “Khi chồng mất, tôi từng nghĩ không bao giờ thoát được nghèo khó. Nhưng nhờ sức khỏe, sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương và NHCSXH, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định như hôm nay”.

Nhiều năm trước, khi chồng qua đời, chị Thủy một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ trong cảnh nghèo khó. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể và NHCSXH, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Từ đó, chị không chỉ lo được cho các con ăn học.

Ninh Bình: Hơn 41.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi- Ảnh 1.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh

Hỗ trợ hơn 41.400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt hơn 13.500 tỷ đồng, với doanh số cho vay đạt 2.964 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 41.400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ đạt hơn 13.500 tỷ đồng với hơn 219.000 hộ còn dư nợ, tăng 853 tỷ đồng so với đầu năm.

Chất lượng tín dụng được duy trì ổn định với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ (17,9 tỷ đồng), thấp hơn mức bình quân toàn quốc (0,22%). Nợ khoanh đạt hơn 2,1 tỷ đồng, chiếm 0,02% tổng dư nợ. Những con số này phản ánh hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo ra những tác động tích cực, giúp hơn 14.000 lao động được tạo việc làm, 437 HSSV khó khăn được vay vốn học tập, hơn 44.500 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng hoặc sửa chữa, và 193 căn nhà được hỗ trợ xây dựng cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Những kết quả này góp phần quan trọng vào các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông thôn mới và kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình có 21 Phòng giao dịch và 397 điểm giao dịch tại 129/129 phường, xã, cùng 6.219 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, doanh số cho vay đạt gần 80 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1.300 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, với doanh số thu nợ trên 200 tỷ đồng.

Hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội được duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Chi nhánh đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tham mưu với các sở, ngành để bổ sung hơn 342 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Các cơ chế, chính sách cũng được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, lồng ghép hoạt động tín dụng với các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Trong những tháng cuối năm 2025, chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư, nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới. Ngoài ra, chi nhánh sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng sẽ được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào đủ điều kiện nhưng chưa được tiếp cận vốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm