Nỗ lực đưa chè Shan Tuyết vươn xa

Quỳnh Phương
08/10/2021 - 09:08
Nỗ lực đưa chè Shan Tuyết vươn xa

Ảnh minh họa

Vàng Thị Vân cùng nhóm sản xuất gồm hơn 40 phụ nữ đã nỗ lực xây dựng thương hiệu chè Shan Tuyết theo tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần nâng tầm sản phẩm của địa phương.

Vàng Thị Vân là người dân tộc Tày ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Cô chỉ học hết lớp 9 và phải đảm đương mọi việc gia đình cũng như việc đồng áng. Tại Bản Liền, Vàng Thị Vân cũng như nhiều phụ nữ khác đều làm những công việc không được trả lương nên họ có rất ít thời gian đầu tư phát triển bản thân.

Dấu mốc thay đổi cuộc đời

Bản Liền là xã vùng cao cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, vốn nổi tiếng là vùng chuyên canh chè số 1 của Bắc Hà với nhiều cây chè Shan Tuyết cổ thụ. Chè ở Bản Liền nổi tiếng có màu nước đẹp, khi pha nước trà có màu xanh nhạt. Nước trà có vị ngọt thơm, để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống. Những người cao tuổi ở Bản Liền cũng không biết chính xác đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Trước đây, người Tày ở bản chưa biết giá trị của loại cây này, để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió, chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống.

Cơ hội đã mở ra với những phụ nữ trong bản như Vàng Thị Vân từ tháng 6/2020, khi cô được tham gia Dự án "Tập trung vào việc nâng cao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua việc trồng và thu hoạch dược liệu xen canh với chè Shan". Đây cũng là dấu mốc thay đổi cuộc sống của Vàng Thị Vân. Thông qua dự án, cô được tiếp thu những kiến thức mới về sản xuất cây chè Shan theo tiêu chuẩn hữu cơ, về quản lý chi tiêu trong gia đình và làm thế nào để khuyến khích chồng chia sẻ việc nhà.

Vàng Thị Vân cho biết, hiện nay, cô đã thành thạo các kỹ thuật canh tác hữu cơ, không dùng hóa chất, biết cách trồng xen để tối ưu diện tích sản xuất, biết tỉa cành, tạo dáng để cây chè xòe tán rộng, ra búp nhiều, đẹp và đều hơn. Những vườn chè ở Bản Liền hiện nay cho sản lượng tăng 20% so với trước. Với 3ha trồng chè Shan Tuyết, mỗi năm Vàng Thị Vân thu hoạch được 1 tấn chè và được thu mua hết. Thu nhập ổn định, gia đình cô bắt đầu có của ăn của để.

Nỗ lực đưa chè Shan Tuyết vươn xa - Ảnh 1.

Chị Vàng Thị Vân

Sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai

Nhóm sản xuất của Vàng Thị Vân có 41 phụ nữ, họ cùng nhau làm việc. Cả nhóm cứ đi lần lượt từng nhà thu hoạch chè. Cách làm này đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả. Nhóm của cô cũng tham gia Hợp tác xã chè Bản Liền cùng với khoảng 400 hộ dân (trong đó có 350 phụ nữ dân tộc Tày) trồng và sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm chè Shan Tuyết của Hợp tác xã chè Bản Liền được xếp hạng sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) 5 sao. Đây cũng là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai và được chính quyền địa phương lựa chọn làm sản phẩm tiêu biểu của xã theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Không chỉ đào tạo kiến thức cho phụ nữ vùng cao, Dự án "Tập trung vào việc nâng cao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua việc trồng và thu hoạch dược liệu xen canh với chè Shan" còn giúp kết nối Vàng Thị Vân với các nông dân trồng chè khác ở Hợp tác xã để được hỗ trợ, thu mua chè Shan Tuyết hữu cơ đạt tiêu chuẩn, xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ Hợp tác xã chè Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, email: htxchebanlien@gmail.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm