Nỗ lực đưa sản phẩm dệt thổ cẩm S’tiêng vươn xa

Phạm Thương
08/12/2024 - 23:34
Nỗ lực đưa sản phẩm dệt thổ cẩm S’tiêng vươn xa

Nghệ nhân Thị Giôn, Tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô

Thời gian qua, phụ nữ dân tộc S’tiêng ở xã Thanh An (Hớn Quản, Bình Phước) đã không ngừng nỗ lực trong việc gìn giữ và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giúp định danh văn hóa một dân tộc ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn.

Sau công việc nương rẫy hay lúc nông nhàn, các thành viên Tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô (Thanh An, Hớn Quản, Bình Phước) lại ghé sang nhà dệt và trưng bày thổ cẩm của ấp để cùng dệt, trao đổi kinh nghiệm, làm nên những tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu. Thành viên của tổ đa dạng lứa tuổi từ các nghệ nhân lớn tuổi đến các bạn trẻ 9x. Họ cách tân thổ cẩm theo hướng hiện đại hoặc dệt theo đơn đặt hàng. Nhờ đó, thổ cẩm không còn bó hẹp trong vai trò là trang phục của người S'tiêng mà còn vươn xa ra thế giới.

Nghệ nhân Thị Giôn, Tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô, là người trực tiếp xây dựng và duy trì tổ. Bằng niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt, bà được ví như "mắt xích" quan trọng trong truyền dạy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người S'tiêng cho thế hệ trẻ nơi đây.

Nỗ lực đưa sản phẩm dệt thổ cẩm S’tiêng vươn xa- Ảnh 1.

Tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại chương trình phục dựng Lễ hội cầu an của người S’Tiêng.

Nghệ nhân Thị Giôn tâm sự: "Cô học nghề từ bà và mẹ. Lúc nhỏ, cô hay nhặt những khúc chỉ thừa để mày mò học hỏi. Cô hay tò mò và hỏi mẹ rất nhiều từ cách cấu chỉ đến nhuộm vải, dệt vải… Mẹ thường kể lại, người S'tiêng hay lấy lá dâu rừng giã và ngâm vải có màu xanh, tượng trưng cho rừng núi hay như các hoạ tiết trên thổ cẩm là hình bông lúa, cái gạt, mô phỏng những hình ảnh đời thường của người dân nơi đây. Vì yêu thích nên cô đã học được nghề từ lúc nào không hay. Cô yêu nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình và rất tự hào. Cô còn sức khỏe là không bao giờ bỏ, dù bán không được cũng làm để cho gia đình dùng".

Giờ đây, dù đã lớn tuổi, nhưng nghệ nhân Thị Giôn vẫn say mê tạo ra những tấm vải thổ cẩm tuyệt đẹp. Đi đến đâu, bà cũng mang theo những thanh lồ ô làm khung cửi và sợi len để làm bạn đồng hành. Đồng thời, bà luôn tận tâm giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo và đầy tự hào của dân tộc mình, với hy vọng thổ cẩm sẽ ngày càng được thị trường biết đến nhiều hơn. Bà không chỉ mong muốn bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm mà còn hướng đến phát triển nghề này, giúp các chị em trong tổ tăng thêm thu nhập, tiến tới mục tiêu lớn hơn là có cuộc sống ổn định nhờ nghề truyền thống.

Nỗ lực đưa sản phẩm dệt thổ cẩm S’tiêng vươn xa- Ảnh 2.

Sản phẩm của tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô.

Vải thổ cẩm từ lâu đã được người S'tiêng sử dụng để may trang phục, tấm đắp, khăn, khố... và thường mặc trong các dịp lễ lớn như mừng lúa mới hay mừng được mùa. Ngày nay, vải thổ cẩm đã được cách tân để phù hợp hơn với thị hiếu thị trường, có thể làm thành khăn choàng, túi xách, váy thời trang. Đặc biệt là những chiếc áo dài truyền thống đã được phối thêm thổ cẩm hay những chiếc áo, váy được kết hợp giữa thổ cẩm và vải thông thường tạo ra sản phẩm vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn của thổ cẩm…

"Trước đây, mẹ tôi dệt vải chủ yếu để bán cho bà con trong làng, còn bây giờ, tôi và các chị em trong tổ có thể nhận đơn hàng từ khắp nơi. Thậm chí, chúng tôi còn nhận được những đơn đặt hàng từ nước ngoài. Dù số lượng không lớn, nhưng tôi rất vui. Tôi luôn quan niệm rằng, siêng năng thì sẽ no đủ, còn biếng nhác thì nghèo đói. Siêng năng thì chúng tôi đã có, chỉ mong ngày càng có nhiều khách đặt hàng hơn," nghệ nhân Thị Giôn chia sẻ.

Tổ dệt thổ cẩm ấp Trà Thanh Lồ Ô hiện nay có 25 thành viên. Trong năm 2024, tổ đã bán ra khoảng 130 khăn choàng, 25 bộ đồ nữ, 25 xà rông, 12 áo nam và hơn 60 lượt cho thuê trang phục thổ cẩm… Qua đó, nhiều chị em thành viên trong tổ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nỗ lực đưa sản phẩm dệt thổ cẩm S’tiêng vươn xa- Ảnh 3.

Các thành viên của tổ tham gia dệt vải.

Chị Thị Xinh, một trong số những thành viên trẻ tuổi của tổ, cho biết: "Em rất yêu thích thổ cẩm và muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp đó. Em kết hợp giữa thổ cẩm với các chất liệu hiện đại cũng là cách để thổ cẩm "mềm mại" hơn và đến gần hơn với mọi người. Ngoài ra, em cũng tận dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi mọi người".

Theo Hội LHPN xã Thanh An, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người S'tiêng và hỗ trợ chị em có thêm thu nhập từ nghề truyền thống, năm 2024, Hội đã nghiên cứu và ra mắt Tổ khởi nghiệp thổ cẩm xã Thanh An. Mô hình tập hợp các tổ dệt trên địa bàn, trong đó có Tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh- Lồ Ô, cùng hợp sức phát triển. Hội đã hỗ trợ các thành viên tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, lan tỏa tình yêu nghề dệt đến với thế hệ trẻ.

Gần đây nhất, sản phẩm của các Tổ dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô cùng các tổ dệt trong Tổ khởi nghiệp thổ cẩm được tham gia gian hàng giới thiệu tại chương trình phục dựng Lễ hội cầu an của người S'Tiêng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hớn Quản tổ chức (một hoạt động thuộc dự án 6). Qua đó, sản phẩm của tổ dệt được lan tỏa rộng rãi.

Bà Trần Thị Thiện Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh An, cho biết: "Các tổ dệt đã góp phần truyền tải những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ trẻ. Mỗi khi khoác lên người trang phục thổ cẩm, dù truyền thống hay cách tân thì đó cũng là cách để đồng bào S'tiêng nhớ về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm