Nỗ lực phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân nữ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng

Hải Linh
17/04/2022 - 10:55
Nỗ lực phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân nữ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng

Cán bộ giáo dục dạy xóa mù chữ cho phạm nhân

Qua 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện công trình, các cấp Hội đã phối hợp với Hội LHPN địa phương, đội nghiệp vụ, các cơ quan chức năng tổ chức gần 15.000 hoạt động truyền thông, hướng nghiệp.

Với tổng số 3.742 cán bộ, hội viên, Hội phụ nữ Cục cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10) hiện có 64 tổ chức cơ sở Hội. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo TƯ Hội LHPN Việt Nam và Cục C10, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Cục C11) về giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, giai đoạn 2021-2026, Ban Chấp hành Hội phụ nữ Cục C10 đã thống nhất chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở xây dựng công trình "Phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng". Công trình này được thực hiện tiếp nối từ giai đoạn 2016-2020.

Thượng tá Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phụ nữ Cục C10, cho biết: Sau khi Kế hoạch được ban hành, 100% Hội phụ nữ cơ sở có quản lý giam giữ phạm nhân nữ đã ký kết phối hợp với Hội LHPN địa phương nơi đơn vị đóng quân triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp và đạt chỉ tiêu ngay từ năm đầu tiên. Đến năm thứ 2, các cấp Hội tập trung vào các nội dung tuyên truyền, giáo dục nhận thức, quan tâm đời sống của phạm nhân nữ như:

-Tổ chức giao lưu văn nghệ, gặp mặt biểu dương và tặng quà các phạm nhân có kết quả chấp hành án phạt tù xếp loại tốt, có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hội thi, nói chuyện chuyên đề về vai trò, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.

- Phối hợp với các đội nghiệp vụ giao cho cán bộ, hội viên làm công tác giáo dục, trinh sát, quản giáo phụ trách đội phạm nhân đảm nhận giáo dục từ 2 đến 3 phạm nhân vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém để giúp phạm nhân cải tạo tiến bộ.

- Tham mưu, lựa chọn các ngành nghề phù hợp, phối hợp liên hệ với các trường nghề, công ty để tư vấn dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân nữ...

Qua 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện công trình, các cấp Hội đã phối hợp với Hội LHPN địa phương, đội nghiệp vụ, các cơ quan chức năng tổ chức gần 15.000 hoạt động truyền thông, hướng nghiệp. Tổ chức hơn 400 cuộc khám, chữa bệnh, trên 300 lớp dạy nghề, giúp hơn 2.000 người chấp hành xong án phạt tù. Chăm sóc đảm bảo quyền lợi cho 124 cháu là con phạm nhân nữ dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại được chăm sóc, trông nom tại nhà trẻ của con phạm nhân. Các cháu bé được làm thủ tục khai sinh, được gửi về thân nhân hoặc trung tâm bảo trợ xã hội khi các cháu đủ 36 tháng tuổi và trích quỹ "Tấm lòng vàng" của Hội hỗ trợ các cháu.

Các hoạt động này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân nữ. Tỉ lệ phạm nhân nữ xếp loại cải tạo tốt, khá, tỉ lệ giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân nữ được nâng lên. Đặc biệt, không có trường hợp phạm nhân nữ trốn trại, tỉ lệ phạm nhân nữ tái phạm tội giảm.

Theo thượng tá Nguyễn Thị Thùy Trang, thực tế đã có nhiều phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng thành công. Điển hình như chị Hoàng Thị Xuyến, từng chấp hành án 18 năm về tội "mua bán trái phép chất ma tuý" tại Trại giam Phú Sơn 4, đã trở về mở trang trại chăn nuôi cung cấp thực phẩm sạch tại Lạng Sơn. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, từng chấp hành án 20 năm về tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" tại Trại giam số 5, đã trở về làm phó giám đốc một công ty truyền thông tại TP Hà Nội…

Để công trình đạt hiệu quả cao hơn nữa thời gian tới, Hội phụ nữ Cục C10 đưa ra một số giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cục C10 cũng như các cấp Hội phụ nữ trong Cục về ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình, nhân rộng các gương "người tốt việc tốt" trong việc giúp đỡ phạm nhân nữ tái hoà nhập cộng đồng. "Chúng tôi mong muốn TƯ Hội LHPN Việt Nam tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Hội LHPN địa phương phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương nắm bắt số lượng người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để kịp thời động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ họ tái hoà nhập cộng đồng", thượng tá Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm