pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nợ xấu vượt ngưỡng 3%, loạt ngân hàng có động thái gì?
Ảnh minh họa
Tỷ lệ nợ xấu vượt xa quy định
Nợ xấu ngân hàng là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN thì nợ xấu gồm nợ thuộc các nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), 4 (nợ nghi ngờ) và 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng - VPBank (VPB, HOSE) đạt tỷ lệ nợ xấu cao với 4,83% sau quý 1 năm nay.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng so với quý 1/2023 (2,8%), song thay vì tăng thêm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, VPBank lại giảm bớt 624 triệu đồng (tương đương 10%) so với cùng kỳ.
Cùng lúc đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng tích cực 18,8%, giúp VPBank duy trì lợi nhuận tăng, lên 3.142 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, nhờ thu nhập lãi thuần và thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh lần lượt 65%, 76% so với cùng kỳ, Ngân hàng TMCP Bản Việt - BVBank (BVB, UPCoM) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nếu không phải chi mạnh gấp 3 lần (106,2 tỷ đồng) cho chi phí rủi ro tín dụng so với cùng kỳ năm ngoái, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3,9%, con số lợi nhuận tại BVB còn có thể cao hơn.
Đáng chú ý, trong quý 1/2024, Ngân hàng TMCP Bảo Việt - BaoVietBank đã phải chi tới 384 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín, trong khi quý trước là "0 đồng".
Cũng vì vậy, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt tới 392,4 tỷ đồng (tăng gấp 57 lần so với cùng kỳ) nhưng sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và thuế, lợi nhuận tại nhà băng đã "biến mất" 98,3%, còn 6,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 20% so với cùng kỳ.
Được biệt, tỷ lệ nợ xấu trong 3 tháng qua tại BaoVietBank đã tăng lên 4,4%, tổng nợ xấu là hơn 1.740 tỷ đồng.
Tăng cường trích lập dự phòng, lợi nhuận "đi lùi"
Từ ngân hàng duy trì tỷ lệ dưới 3% (theo quy định NHNN), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB, HOSE) chính thức vượt con số này tại 3,2% sau 3 tháng đầu năm 2024.
Quý 1/2024, nhà băng đã phải tăng 34% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với quý 1/2023. Điều này góp phần khiến lãi sau thuế của MSB giảm nhẹ 2%, tại 1.194 tỷ đồng, dù thu nhập lãi thuần và lãi kinh doanh ngoại hối tăng đáng kể.
Được biết, nợ xấu tại MSB tính đến cuối quý 1 là xấp xỉ 4.960 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 5 (2.190 tỷ đồng) tăng mạnh 21,2% so với thời điểm cuối năm ngoái, chiếm gần nửa tổng nợ xấu.
Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (ABB, UPCoM) tổng kết quý 1 với lợi nhuận "đi lùi" gần 69% so với cùng kỳ năm ngoài, xuống còn 153,8 tỷ đồng.
Mặc dù thu nhập lãi thuần không giảm quá nhiều so với cùng kỳ nhưng ABB xuất hiện khoản lỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư là 45,6 tỷ đồng, cách xa 91 tỷ đồng lãi vào quý 1/2023; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 50% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu vượt 3%, lên 3,9% khiến ABBank phải tăng 51,5% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ năm ngoái, lên ngưỡng 177 tỷ đồng, phần nào khiến lợi nhuận ABB giảm mạnh.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm, nhà băng này cắt giảm nhân sự đáng kể so với cuối năm ngoái: 161 người, xuống còn 4.267 nhân viên.
Cùng hoàn cảnh với ABBank, lợi nhuận tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (VBB, UPCoM) cũng giảm mạnh 63,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 57,4 tỷ đồng.
Theo giải trình của VBB, mặc dù thu nhập lãi từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng nhưng do chi phí hoạt động tăng 7,03% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tại 90,4 tỷ đồng, vì vậy lợi nhuận giảm mạnh.
Quan sát các nhóm nợ tại VBB sau khi kết thúc quý 1, cả 3 nhóm nợ xấu: 3,4,5 đều tăng mạnh, lần lượt tăng 24,5%, 91,4% và 8,9%. Tổng nợ xấu đạt ngưỡng 2.524 tỷ đồng, vượt lên 3,2% tỷ lệ nợ xấu trong quý 1, dù trước đó, vào cuối năm 2023, VBB đã duy trì tỷ lệ này ở mức quy định là 2,6%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác xuất hiện tỷ lệ nợ xấu đang trong đà tăng, hướng tới tỷ lệ 3% như: SHB (3%), PGBank (2,9%), OCB (2,9%), Eximbank (2,86%), NamABank (2,7%),…