Nỗi buồn của người phụ nữ hiếm muộn chỉ 1 phút vướng vào lao lý

23/11/2018 - 09:30
Dưới ánh nắng chiều sắp tắt, Dịu và mẹ dìu nhau vừa đi vừa cúi mặt che vội những giọt nước mắt trên sân tòa án vắng bóng người. Dịu vừa bước ra sau khi kết thúc phiên tòa với án phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ cho tội danh trộm cắp. DNghe hoàn cảnh của bị cáo, những người chứng kiến phiên tòa thật khó tránh khỏi xót xa...
Một phút vướng vào lao lý 
HĐXX tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ cho bị cáo Nguyễn Thị Dịu, 45 tuổi tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An với tội danh trộm cắp tài sản.
Cáo trạng của VKSND Nghệ An truy tố bị cáo Dịu với nội dung: Khoảng 8h ngày 25/7, Dịu cùng một người đàn ông đến nhà nghỉ ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) thuê phòng để “tâm sự”. Tại khu vực nhà để xe, thấy một chiếc điện thoại để trên yên xe máy, Dịu đã cầm vào phòng nghỉ, tài sản này là của một vị khách ngoại quốc được định giá 3,5 triệu đồng.
b-co-ti-phin-ta.jpg
Bị cáo tại phiên tòa
Tại tòa, Dịu biện hộ: “Bị cáo thấy chiếc điện thoại đó để trên xe, xung quanh lại không có ai nên mới lấy chứ không trộm cắp. Nếu bị cáo có “dã tâm” đã tắt nguồn điện thoại, chứ không để nguyên như vậy”. Sau khi HĐXX công bố lời khai của chủ nhà nghỉ, cùng với người đàn ông đi cùng Dịu. Dịu mới thừa nhận hành vi của mình. 
Với tang chứng rõ ràng, Dịu bị cơ quan chức năng bắt giữ, điều tra và bị đề nghị tội danh trộm cắp tài sản.
Giá trị tài sản mà Dịu trộm cắp không phải là lớn, tang vật cũng đã được tìm lại và trao trả cho chủ nhân của nó ngay sau đó. Tuy nhiên, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Dịu đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, làm xấu hình ảnh của người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài, do đó cần phải xử lý để răn đe.
Mức án phạt đưa ra đã xét đến tình tiết giảm nhẹ khi bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành thật khai báo, giá trị tài sản trộm cắp không lớn, tang vật cũng đã được tìm lại và trao trả cho chủ nhân. Do vậy, HĐXX tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Góc khuất cuộc đời người phụ nữ hiếm muộn
Vụ án và phiên xét xử sẽ kết thúc ở đó giống như nhiều phiên xét xử khác nếu không trực tiếp nghe những lời khai của bị cáo. Có chứng kiến những giọt nước mắt xót xa của người mẹ già đã hơn 73 tuổi ngồi dưới hàng ghế của người tham dự, mới thấu hiểu được góc khuất cuộc đời của người phụ nữ hiếm muộn này.
Trong phiên xét xử, khi được hỏi về quan hệ với người đàn ông đi cùng, Dịu chỉ im lặng cúi mặt xuống nền nhà, mãi một lúc sau mới đưa ra lời khai. Đây là lần thứ hai chị gặp mặt anh ta ngoài đời, biết anh này về quê đi đám cưới, Dịu chủ động gọi điện rủ đi nhà nghỉ “tâm sự” dù biết người này đã có vợ con. Dịu cho biết, do trải qua hai lần đổ vỡ chỉ vì không có con nên rất khao khát tình mẫu tử.
ngi-m-gi-73-tui-bt-khc-khi-nghe-con-gi-trnh-by-trc-ta.jpg
Người mẹ già 73 tuổi bật khóc khi nghe con gái trình bày trước tòa.
Dưới hàng ghế dự khán, người mẹ của bị cáo 73 tuổi khi nghe con gái trình bày đến đây, khẽ lấy tay gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên khuông mặt khắc khổ, nhuốm màu thời gian.
Dịu lập gia đình khi đang là cô gái 22 tuổi trẻ trung, xinh đẹp với một người đàn ông ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ ấm êm và hạnh phúc như những người phụ nữ khác. Cuộc đời thật trớ trêu, sau 10 năm chung sống cùng chồng, dù đã đi khám, chạy chữa khắp nơi, cắt thuốc bắc về sắc uống, vợ chồng chị vẫn không có tin vui. Áp lực con cái sau thời gian dài khiến hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, và cuối cùng… họ quyết định “dừng cuộc chơi”, đường ai nấy bước.
Vài năm sau, hạnh phúc của cuộc đời Dịu lại được nhóm lên khi chị đi bước nữa. Thế nhưng, số phận vẫn chưa mỉm cười với chị, chỉ sau 2 năm chung sống, cũng vì lý do hiếm muộn, người chồng thứ hai rời bỏ chị.
Không còn chồng, chưa có con, tuổi cũng đã nhiều, Dịu trở về chung sống với mẹ đẻ ở quê nhà.
Cuộc sống ở quê nghèo vốn lam lũ, hang ngày chị mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ cho người dân trong làng, công việc bấp bênh, mỗi ngày thu nhập chừng 20 đến 30 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ cho hai mẹ con chị chi tiêu dè chừng.
Năm tháng cứ trôi, nhưng dường như hai lần đứt gánh bởi nỗi buồn hiếm muộn đã trải qua, vượt lên cả những khó nhọc mưu sinh thường ngày, nỗi khát khao có một đứa con còn lớn hơn, đau hơn nỗi buồn bị chồng ruồng bỏ. Ngày 25/7, khi vào nhà nghỉ bị cáo chỉ muốn “xin” mụn con, nhưng chỉ tiếc rằng chỉ vì một phút “đánh mất lý trí” đã khiến tâm nguyện của chị chưa thực hiện được thì đã vướng lao lý.
Người mẹ già đầu hai mái tóc ngậm ngùi: “Nó đã trải qua nhiều trắc trở trong cuộc sống, không ngờ khi gần ở bên kia con dốc cuộc đời lại dính vết đen”. Rồi phút lặng thinh, người mẹ già ấy chẳng thể kìm nén nổi nỗi xót xa cho phận đời của cô con gái kém may mắn của bà.
Chắc hẳn đến hoàn cảnh như hôm nay, cả bị cáo và người mẹ già đều đã hơn một lần ước rằng, giá như ngày đó, số phận cho chị Dịu một đứa con thì có khi chị đã không phải trải qua hai cuộc hôn nhân đứt gánh, không dính vào lao lý, và có khi vẫn đang có một gia đình hạnh phúc như bao người phụ nữa khác.
Trong chiều muộn, cánh cửa phòng xét xử vừa khép lại, hai người phụ nữ bước đi bên nhau, một người đã gần đất xa trời, người còn lại cũng đã qua ngưỡng tứ tuần. Với họ bây giờ, có lẽ chỉ còn mong muốn chị Dịu sẽ cải tạo tốt, sớm hoàn thành án phạt và biết đâu một ngày nào đó, niềm vui làm mẹ sẽ đến với chị để bù đắp cho những trắc trở chị đã trải qua. Cuộc đời chị sẽ êm dịu như chính cái tên của chị…
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm