Nỗi đau của vợ những phu vàng mắc nạn dưới chân núi Cột Cờ

08/11/2018 - 15:35
Như pho tượng đá, người phụ nữ gầy gò, khắc khổ thất thần dõi về phía cửa hang đá dưới chân núi Cột Cờ nơi có hàng trăm người đang khẩn trương từng giây, từng phút để tìm kiếm 2 nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập lò khai thác vàng trái phép ở Hòa Bình.

Khóc cạn nước mắt chờ tin chồng

Để mặc cho những giọt nước mắt lăn dài trên má, đối mắt thất thần của chị Bùi Thu Trang - vợ nạn nhân Bùi Văn Thú (SN 1990, xóm Đệt, xã Thanh Nông huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) – chỉ dõi về phía những người tìm kiếm, cứu nạn. Chẳng biết từ bao giờ những giọt nước mắt ấy đã làm ướt sũng nơi vạt áo buông hờ.

Vụ tai nạn tại lò khai thác vàng trái phép xảy ra tại thôn Lộng xã Thanh Nông (Lạc Thủy, Hòa Bình) lúc 2h ngày 04/11/2018 khiến 2 người bị mắc kẹt dưới hầm sâu. Mặc dù khi biết tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm cứu hộ nhưng cho đến chiều ngày 8/11/2018 vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân.         

sap-lo-vang-hoa-binh1.JPG
Chị Bùi Thu Trang, vợ của nạn nhân Bùi Văn Thú (thứ 3 từ trái sang) như hoá đá chờ tin chồng nơi lò khai thác vàng trái phép bị sập dưới chân núi Cột Cờ.

 

Trò chuyện với chúng tôi trong sự ngắt quãng của những tiếng nấc nghẹn, người phụ nữ ấy nói trong nỗi xót xa. “Mới buổi tối em còn gọi anh ấy có về ăn cơm không để 2 mẹ con còn chờ. Anh ấy chỉ nói là hôm nay ít người phải làm gấp nên không về rồi tắt máy. Thế rồi đến nửa đêm em bồn chồn dậy gọi cho anh ấy lần nữa nhưng không liên lạc được. Sáng sớm có người đến báo tin anh ấy gặp nạn”, chị Bùi Thu Trang vừa nói vừa ôm ghịt đứa con trai 6 tuổi vào lòng.

Nghĩ về người chồng còn mắc kẹt nơi hang sâu, chưa khi nào nước mắt người vợ trẻ ngừng rơi. Chị kể: 2 vợ chồng cưới nhau từ năm 2009. Do hoàn cảnh khó khăn nên 2 vợ chồng phải đi làm thuê ở nhiều nơi, mãi cho đến năm 2012 mới sinh con. Sau khi mẹ anh ấy mất thì 2 vợ chồng về ở với bố và anh Thú xin làm lái xe cho ông Hưng (ông Bạch Xuân Hưng, chủ Bưởng vàng trái phép - PV) tại bãi khai thác vàng này. Chị Trang đi làm cho một nhà hàng nhưng chẳng may bị xe đâm gãy tay cách đây 4 tháng nên ở nhà từ đó đến nay. Vì thế, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương làm thuê của anh Thú.

Gia đình nạn nhân Trương Công Chánh (sinh năm 1992, thường trú tại xã Thạch Mỹ, Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Do mới sinh con nên vợ anh Trương Công Chánh không thể đến nơi chồng gặp nạn.

sap-lo-vang-hoa-binh2.JPG
Lực lượng cứu hộ huy động hàng chục phương tiện hoạt động liên tục để làm công tác cứu hộ, cứu nạn các nhạn nhân còn mắc kẹt trong hang.

 

 Khai thác vàng trái phép, bi kịch được báo trước

 Vụ việc có thể làm nhiều người bất ngờ nhưng với người dân Thanh Nông thì không phải là điều bất ngờ. Ông Bùi Văn Nhận (sống ở xóm Đệt xã Thanh Nông, là người nhà của nạn nhân Bùi Văn Thú) cho biết: “Tôi vẫn hay được nghe thằng Thú kể lại về cái hang này. Theo lời nó, ở độ sâu hàng chục mét là cả một “ma trận”. Dưới đó không biết lúc nào là ngày hay đêm. Ban đầu thì người ta đào thủ công bằng sức người, hàng ngày những phu vàng chỉ biết cặm cụi đào đất, đục núi để tìm vàng cho chủ “bưởng” là Bạch Xuân Hưng người thôn Vôi xã Thanh Nông này. Sau, để có thể khai thác nhiều hơn, người ta đầu tư cả máy móc, mở rộng lòng hang rồi đưa cả xe ô tô, máy xúc vào bãi để xúc đất mang ra ngoài sàng, đãi”.

Chỉ về phía đập ngăn nước phía trước cửa hang (nơi vừa xảy ra vỡ đập khiến nước đổ vào lòng hang Cột Cờ gây sập hầm) ông Nhận bảo: Đập nước này chính là nơi người ta lắp đặt máy móc sàng đã vàng. Nói là đập nước nhưng nó có được đắp chắc chắn đâu. Chỉ là bờ đất được đắp một cách tạm bợ để ngăn giữ nước thải trong quá trình sàng đãi vàng. Vì thế nó có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Thông tin với phóng viên xung quanh đến vụ tai nạn này, ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ, cho biết: tính từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã ban hành 28 văn bản văn bản chỉ đạo công tác xử lý vi phạm về khai thác vàng trái phép tại thôn Lộng. Tuy nhiên, đối tượng Bạch Xuân Hưng vẫn lén lút thực hiện việc khai thác vàng trái phép. Thời điểm khai thác thường diễn ra vào ban đêm. Do đây là địa bàn có đường xá đi lại khó khăn, phức tạp, xa trung tâm và trong quá trình tổ chức khai thác, các đối tượng đều cử người canh gác từ xa nên công tác phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.  

Theo đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, sau khi tai nạn xảy ra, cùng với việc triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường. Bước đầu làm rõ, sau khi xảy ra sự việc các đối tượng tại đây đã tháo dỡ máy móc và vùi lấp ở một số điểm hiện lực lượng chức năng chưa đào lên được. Cùng với đó, các đối tượng cũng đã di chuyển máy móc ra khỏi khu vực để phi tang. Hiện nay, ở hiện trường còn lại 2 máy xúc và 2 máy bơm. Các máy đãi vàng và máy móc phục vụ khai thác đã được các đối tượng vận chuyển đi ngay trong đêm. Sau khi phi tang, di chuyển máy móc thiết bị các đối tượng mới báo tin cho lực lượng chức năng về vụ tai nạn.

Có thể nói, với mức độ đầu tư về phương tiện, máy móc, việc khai thác vàng trái phép tại thôn Lộng do ông Bạch Xuân Hưng làm chủ được tổ chức hoạt động với quy mô lớn thì toàn bộ số vàng đào đãi được đều chảy về một phía. Còn với những phu vàng như Bùi Văn Thú, Trương Công Chánh lại trở thành nạn nhân của hành vi khai thác trái phép này. Chừng nào những bãi vàng “thổ phỉ” như thế này chưa bị ngăn chặn thì những cái chết thương tâm vì khai thác vàng chưa thể dừng lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm