pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi hoang mang của những thai phụ ở Dải Gaza
Nhiều phụ nữ chạy loạn trong cảnh đổ nát
"Tôi lo sợ cho đứa con chưa chào đời của mình"
500.000 người dân đã sơ tán khỏi phía Bắc Gaza, tìm đường về phía Nam. Nhưng việc di chuyển không hề dễ dàng đối với tất cả mọi người, kể cả người bệnh, người già và phụ nữ mang thai.
Khulood Khaled, một phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ 8, bị đánh thức bởi tiếng không kích của Israel khi cô đang ngủ cạnh con trai mình. Khói đen tràn ngập căn phòng khiến cô khó thở. Cô cảm thấy hoảng loạn, sau đó là cơn đau ở bụng. Cô nghĩ mình sắp chuyển dạ sớm.
Lo lắng cho đứa con chưa chào đời của mình, người phụ nữ 28 tuổi này quyết định rời khỏi nhà ở quận al-Karama, phía Bắc Gaza, vào ngày hôm sau khi các vụ đánh bom tiếp tục diễn ra. Cuối cùng, Khulood đã đến được thành phố Khan Younis ở phía Nam nhưng cô đang sống sót nhờ "miếng bánh mì khô" vì vùng này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, không có điện hoặc nước sinh hoạt.
"Tôi không biết ngày mai có bánh mì hay không. Tôi không muốn chết. Tôi muốn nhìn thấy con trai tôi lớn lên… nhưng ở đây không còn sự sống nữa. Gaza đã trở thành một thành phố ma", cô nói.
Còn Nardeen Fares đang mang thai đứa con đầu lòng được 9 tháng. Người phụ nữ 27 tuổi này đã rời khu phố al-Rimal đến Khan Younis. Cô đang ở chung một căn nhà 6 phòng ngủ với hơn 80 người khác. Khi ngày dự sinh sắp đến gần, Fares nói rằng cô lo ngại các bệnh viện ở Khan Younis sẽ bị quá tải do số lượng người đổ về thành phố quá đông. Khan Younis có dân số hơn 400.000 người trước khi chiến tranh nổ ra.
Do thành phố nằm gần biên giới Ai Cập nên đây là điểm đến được nhiều người chạy trốn lựa chọn. "Là một phụ nữ đang mang thai tháng cuối, có Chúa biết khi nào điều đó sẽ xảy ra và tình hình sẽ như thế nào. Tôi lo sợ cho đứa con chưa chào đời của mình", Fares thì thầm.
Cô Haneen Mousa nức nở khi nghĩ về hoàn cảnh hiện tại của mình. Cô chạy loạn khi đang mang thai 3 tháng và chăm sóc hai đứa con nhỏ. Mousa lo lắng rằng, ảnh hưởng của chiến tranh cùng với sự căng thẳng có thể khiến cô bị sẩy thai. Cô cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì đã bị ra máu nhiều lần. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ mang thai ở Gaza hiện không thể tiếp cận được dịch vụ y tế.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), khoảng 50.000 phụ nữ ở Dải Gaza đang mang thai, 10% trong số họ dự kiến sẽ sinh con trong tháng tới. Dominic Allen, Đại diện của UNFPA tại Nhà nước Palestine, cho biết, những người phụ nữ đó phải đối mặt với những thách thức không thể tưởng tượng được.
"Hãy tưởng tượng việc trải qua giai đoạn trước khi sinh với những biến chứng có thể xảy ra, không có quần áo, không được vệ sinh, hỗ trợ và không chắc chắn về những gì vào ngày mai cho bản thân và đứa con. Các em bé trong bụng mẹ đâu quan tâm đến bom đạn, chúng sẽ ra đời khi chúng muốn", Allen nói.
Ông Adnan Radi, bác sĩ tại Bệnh viện al-Awda, cho biết, do các cuộc tấn công, phụ nữ gần như khó đến được phòng khám hoặc bệnh viện. Nhiều người buộc phải sinh con ở trên đường hoặc trên ô tô. Một số phụ nữ đã mất thai nhi, số khác gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm vỡ tử cung hoặc cổ tử cung, chảy máu trong và bong nhau thai. Những tổn thương tâm lý mà phụ nữ phải trải qua sẽ phải mất hàng thập kỷ để chữa lành.
Đối mặt với nạn đói
Tình trạng ở Dải Gaza diễn ra hết sức trầm trọng khi xung đột kéo dài hơn 10 ngày qua giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas. Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã cảnh báo rằng, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza đang ở mức thảm khốc. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng, Trung Đông đang "bên bờ vực thẳm".
Đang mang thai ở tháng thứ 7, Mona Ashour đã ở lại phía Bắc Dải Gaza nhưng không phải do lựa chọn của bản thân. Gia đình cô không có đủ tài chính để đi về phía Nam. Ashour đã giảm lượng dinh dưỡng của mình xuống mức tối thiểu khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống cạn kiệt do lệnh phong tỏa của Israel.
Cô biết điều này có thể ảnh hưởng đến đứa con chưa chào đời của mình và điều đó khiến cô rất căng thẳng. Ashour có hai con gái và cả gia đình cô sống trong một ngôi nhà có mái tạm bợ làm bằng những tấm thiếc. "Tôi cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng", cô nói. Thế nhưng, chồng cô, người từng làm công ăn lương hàng ngày trước chiến tranh, không đủ khả năng chi trả nữa.
Các gia đình ở Dải Gaza đã cạn kiệt thực phẩm và không còn khả năng tiếp cận bệnh viện một cách an toàn khi tất cả các tuyến đường tiếp tế đều bị chặn đứng. Các nhóm cứu trợ và Liên hợp quốc đang kêu gọi viện trợ vào Dải Gaza, một số đã đến được phía Bắc Sinai của Ai Cập nhưng vẫn chưa vào được Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah do Ai Cập kiểm soát.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang kêu gọi tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo để cung cấp viện trợ, duy trì các dịch vụ cứu sinh.
"Nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng bị tàn phá đi kèm tình trạng thiếu điện, nước uống và các nhu cầu thiết yếu khác, thuốc men khan hiếm. Bệnh tật đã bắt đầu lây lan và tình trạng mất nước bắt đầu lan rộng ở nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai bị kiệt sức. Chúng ta có thể chứng kiến những cái chết không vì bom đạn mà vì đói khát, bệnh tật".